Qua 7 lần chỉnh sửa, dự thảo luật An ninh mạng đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 12.6 tới đây.

Lực lượng an ninh có thể kiểm soát từng tài khoản người dùng internet

Trí Lâm | 08/06/2018, 07:08

Qua 7 lần chỉnh sửa, dự thảo luật An ninh mạng đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 12.6 tới đây.

Những hành vi nghiêm cấm

Điều 15 dự thảo luật này cấm các thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước bao gồm: xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; gây chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước.

Bên cạnh đó, cấm thông tin xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ,đặc biệt là xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc cũng thuộc nhóm tuyên truyền chống nhà nước; cấm thông tin có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng như kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; cấm lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền hoặc gây mất ổn định về an ninh trật tự.

Thông tin có nội dung làm nhục, vu khống như xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó. Cùng với đó là thông tin xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, giấy tờ có giá; bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.

Theo đó, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin có nội dung trên khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

Dự thảo luật này cũng cấm các hành vi gián điệp mạng, xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng như cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, thu giữ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; thông tin thuộc sở hữu của người khác, tiết lộ thông tin gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin thuộc sở hữu của người khác được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin thuộc sở hữu của người khác.
Đặc biệt, dự thảo này cũng cấm việc cố ý nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái phép.

Điều 17 dự luật nàycấm hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Cụ thể là tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, khủng bố, phá hoại; kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức; tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Tại Điều 18, dự luật nàyquy địnhphòng, chống tấn công mạng, bao gồm phát tán các chương trình tin học gây hại cho mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; gây cản trở, rối loạn, làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng viễn thông, mạng internet, hệ thống máy tính, phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó là xâm nhập, làm tổn hại, chiếm đoạt dữ liệu được lưu trữ, truyền tải qua mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;xâm nhập, tạo ra hoặc khai thác các lỗ hổng bảo mật và dịch vụ hệ thống để chiếm đoạt thông tin, thu lợi bất chính.

Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật..

Thiết lập cơ chế xác thực thông tin người dùng

Tại Điều 26 quy định, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định theo dự thảo và các thông tin khác có nội dung xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia.

Cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải:
-Thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản;
- Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin có nội dung quy định (tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 của Luật này) trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông; lưu vết liên quan để cung cấp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
-Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định (tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 của Luật này) khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Phạm vi quá rộng, nguy cơ lạm quyền, nhũng nhiễu, lộ bí mật kinh doanh

ĐB Trần Thị Dung - Ủyviên thường trực Ủyban pháp luật

Dự luật đã phân định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo Luật An toàn thông tin mạng. Tuy nhiên, sự phân định này chưa rạch ròi và sẽ dẫn đến khả năng có 2 danh mục thông tin quan trọng đều do Thủ tướng ban hành một cách độc lập và chịu sự điều chỉnh bởi 2 luật, do 2 bộ (Công an và Thông tin Truyền thông) cùng thực hiện quản lý nhà nước. "Khi hệ thống này xảy ra sự cố sẽ khó xác định trách nhiệm".

ĐB Phạm Thị Thanh Thủy - Thanh Hóa

Việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm có liên quan đến sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì các hành vi nêu trên lại không được quy định trong Bộ luật Hình sự nên không có cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại nội dung của Bộ luật Hình sự hiện hành cũng như dự thảo Luật An ninh mạng để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn - Ninh Bình

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật vẫn bao quát một phạm vi quá rộng, đặt ra nhiều quy định có thể không thực sự cần thiết đối với yêu cầu bảo vệ an ninh. Trong khi đó, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp. Điều này được thể hiện tại Điều 17 của dự thảo luật, quy định về các hành vi vi phạm trong mạng, bao gồm cả kinh doanh đa cấp, giao dịch tài sản, huy động vốn, trò chơi cho nhận, quy đổi đầu tư ủy thác trái phép trên không gian mạng...

Theo quy định của dự thảo luật tại Điều 24 thì lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an được trao quyền kiểm tra, đánh giá an ninh mạng bao gồm cả hệ thống thông tin không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Quy định như trên có thể dẫn tới khả năng xảy ra xâm phạm bí mật kinh doanh, bí mật người dùng dịch vụ, ứng dụng của doanh nghiệp.

Kết quả kiểm tra và việc sử dụng kết quả kiểm tra theo quy định hiện nay của dự thảo luật được bảo vệ theo quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước lại không quy định về vấn đề này. Vì vậy, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ ứng dụng của doanh nghiệp đều đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin riêng tư vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia mà không có lựa chọn nào khác. Điều này cũng tạo ra nguy cơ bị lạm quyền, bị nhũng nhiễu của người dân, doanh nghiệp là rất cao.

ĐB Tạ Văn Hạ - Bạc Liêu

Tại Điều 24 là kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, “khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng" vế này phải xem xét. Nếu chúng ta không quy định chặt, mở rộng thế này trong khi cơ quan quản lý lúc nào vào cũng được. Cái này dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng, nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền thông tin của tổ chức và cá nhân cho nên điều này đề nghị phải xem lại cho chặt chẽ.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
20 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lực lượng an ninh có thể kiểm soát từng tài khoản người dùng internet