Huawei phải chịu áp lực mới sau khi Mỹ rút giấy phép xuất khẩu từng cho phép gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc mua chip từ Intel, Qualcomm để sử dụng trong laptop và smartphone.
Thế giới số

Mảng kinh doanh laptop đang lên của Huawei bị đe dọa vì Mỹ rút giấy phép xuất khẩu với Intel, Qualcomm

Sơn Vân 09/05/2024 12:05

Huawei phải chịu áp lực mới sau khi Mỹ rút giấy phép xuất khẩu từng cho phép gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc mua chip từ Intel, Qualcomm để sử dụng trong laptop và smartphone.

Chính phủ Mỹ đã thu hồi giấy phép đặc biệt từng cho phép Intel và Qualcomm bán chất bán dẫn thế hệ cũ cho Huawei để sử dụng trong laptop và thiết bị cầm tay, Reuters đưa tin hôm 8.5, trích dẫn các nguồn ẩn danh.

Bộ thương mại Mỹ xác nhận rằng một số giấy phép xuất khẩu liên quan đến Huawei đã bị thu hồi.

Bắc Kinh gọi động thái này là “một hành vi ép buộc kinh tế điển hình” và vi phạm cam kết của Mỹ về việc không tách rời khỏi Trung Quốc. Người phát ngôn của Bộ thương mại Trung Quốc hôm 8.5 cho biết “sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”.

Huawei không trả lời ngay lập tức khi được trang SCMP đề nghị bình luận về vấn đề này.

Theo đánh giá của trang SCMP về hơn 12 mẫu laptop Huawei ra mắt kể từ năm 2022, hầu hết đều được trang bị bộ xử lý Intel Core, ngoại trừ mẫu Matebook E Go chạy trên chip Snapdragon của Qualcomm.

Huawei cũng sản xuất máy tính cá nhân (PC) cho các khách hàng chính phủ và doanh nghiệp, gồm cả Qinyun L540 và L420 được trang bị chip Kirin 9006C nội bộ của hãng.

Matebook X, laptop mới nhất và cũng là PC có trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên của Huawei, ra mắt vào tháng trước khiến các nhà làm luật Mỹ chú ý. Lý do vì Core Ultra 9 bên trong Matebook X là một trong những bộ xử lý thế hệ mới nhất của Intel, chứa NPU (bộ xử lý thần kinh) hỗ trợ các chức năng AI.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa bức xúc khi thấy Matebook X được trang bị Core Ultra 9 và nói điều này gợi ý rằng Bộ Thương mại Mỹ đã bật đèn xanh để Intel bán chip cho Huawei.

“Chúng tôi đã thu hồi một số giấy phép xuất khẩu cho Huawei”, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố hôm 8.5, từ chối nêu rõ những giấy phép nào đã bị rút.

Hành động này của Bộ Thương mại Mỹ diễn ra sau áp lực phối hợp từ những người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc thuộc phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, kêu gọi chính quyền Biden hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn Huawei.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Elise Stefanik cho biết trong một tuyên bố: “Hành động này sẽ củng cố an ninh quốc gia Mỹ, bảo vệ sự sáng tạo của người Mỹ và làm giảm khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ”.

mang-kinh-doanh-laptop-dang-len-cua-huawei-bi-de-doa-vi-my-rut-giay-phep-xuat-khau-voi-intel-qualcomm.jpg
Richard Yu Chengdong, Giám đốc kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cầm Matebook X Pro tại một sự kiện ra mắt laptop này vào tháng 4 - Ảnh: Handout

Việc Mỹ thu hồi giấy phép có thể gây tổn hại cho Huawei và cả các nhà cung cấp Mỹ hợp tác kinh doanh với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này.

Những hạn chế hơn nữa với việc tiếp cận chip Intel và Qualcomm sẽ đặt ra thách thức với hoạt động kinh doanh PC của Huawei, vốn đang có chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys, doanh số PC của Huawei, bao gồm máy tính để bàn và laptop, đã tăng 11% lên gần 4 triệu chiếc vào năm 2023. Huawei đứng thứ ba Trung Quốc khi có 10% thị phần về PC, sau Lenovo Group với 38% và HP (cũng nắm giữ 10% nhưng nhỉnh hơn Huawei đôi chút).

Từng là nhà cung cấp smartphone lớn nhất Trung Quốc, Huawei đã chứng kiến ​​hoạt động kinh doanh điện thoại sinh lợi của mình suy yếu sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại hồi năm 2019 và thắt chặt các lệnh trừng phạt vào năm 2020, khiến hãng không thể tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ Mỹ.

Công ty tư nhân có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) đang cố gắng đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình, gồm cả nỗ lực quảng bá máy tính để bàn và laptop vốn yêu cầu chip kém tiên tiến hơn so với smartphone.

Huawei đã mua được những bộ xử lý như vậy từ các nhà sản xuất chip Mỹ với sự chấp thuận của chính phủ Mỹ, bên cạnh việc sử dụng chip dự trữ trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Theo báo cáo của Reuters vào tháng 3, Intel đã bán số chip trị giá hàng triệu USD cho Huawei dựa trên giấy phép do chính quyền Trump cấp.

Trong khi đó, Qualcomm bán chip 4G cũ hơn cho các thiết bị cầm tay Huawei kể từ khi nhận được giấy phép từ các quan chức Mỹ vào năm 2020. Trong hồ sơ pháp lý hồi đầu tháng 5.2024, Qualcomm cho biết không mong đợi nhận được thêm doanh thu chip từ Huawei sau năm nay.

Tuy nhiên, Qualcomm vẫn cấp phép danh mục công nghệ 5G của mình cho Huawei. Vào năm ngoái, Huawei bắt đầu sử dụng chip 5G do đơn vị HiSilicon của mình thiết kế, mà hầu hết nhà phân tích cho rằng quá trình sản xuất đã vi phạm lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Trong hồ sơ tháng 5, Qualcomm cho biết thỏa thuận bằng sáng chế của họ với Huawei sẽ hết hạn sớm vào năm tài chính 2025 và đã bắt đầu đàm phán để gia hạn thỏa thuận. Các nhà phê bình cho rằng những giấy phép như vậy đã góp phần vào sự hồi sinh của Huawei.

Huawei bị Mỹ giám sát chặt chẽ hơn sau khi gây ngạc nhiên cho thế giới vào năm ngoái với Mate 60 Pro, sử dụng chip tiên tiến được sản xuất ở Trung Quốc. Chip Kirin 9000s hỗ trợ 5G bên trong Mate 60 Pro được SMIC sản xuất theo tiến trình 7 nanomet, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ với cả hai công ty này. SMIC là nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc.

Ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Intel

Intel cho biết doanh số bán hàng của họ sẽ bị ảnh hưởng sau khi Mỹ thu hồi một số giấy phép xuất khẩu chip cho một khách hàng ở Trung Quốc. Intel không tiết lộ tên của khách hàng Trung Quốc này trong hồ sơ của họ với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ, nhưng theo Reuters thì đó chính là Huawei.

Cổ phiếu Intel giảm 2,9% xuống 29,8 USD vào chiều 8.5 (giờ Mỹ) sau khi công ty dự kiến doanh thu quý 2/2024 sẽ vẫn trong khoảng từ 12,5 tỉ USD đến 13,5 tỉ USD, nhưng thấp hơn nhận định của các nhà phân tích. Cổ phiếu Intel đã giảm gần 38% trong năm nay.

Qualcomm hôm 8.5 cũng cho biết rằng một trong những giấy phép xuất khẩu của họ cho Huawei đã bị thu hồi. Cổ phiếu Qualcomm không dao động nhiều sau thông tin này.

"Huawei là một mối đe dọa", Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo nói với Reuters sau phiên điều trần của Quốc hội hôm 8.5, đồng thời cho biết động thái mới không phải là thay đổi chính sách.

"Có lẽ chúng tôi ngày càng tập trung nhiều hơn vào AI. Vì vậy, khi chúng tôi tìm hiểu thêm về khả năng của AI thì đó là lúc phải hành động. Nếu một chip mà trước đây chúng tôi đã cấp phép, nhưng bây giờ phát hiện là có khả năng AI, chúng tôi sẽ thu hồi giấy phép", bà Gina Raimondo nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng họ phản đối động thái mới. "Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng kiểm soát xuất khẩu để đàn áp các công ty Trung Quốc mà không có lý do chính đáng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Bài liên quan
Mạnh Vãn Chu: Huawei chú ý đến số hóa, AI để lấy lại chỗ đứng ở châu Á - Thái Bình Dương
Theo bà Mạnh Vãn Chu, Huawei đang để mắt tới các cơ hội về lĩnh vực kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI) ở châu Á - Thái Bình Dương, khi công ty đang tìm cách lấy lại chỗ đứng trong khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mảng kinh doanh laptop đang lên của Huawei bị đe dọa vì Mỹ rút giấy phép xuất khẩu với Intel, Qualcomm