Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, cho biết ông từng cân nhắc khả năng mua TikTok nhưng hiện đã từ bỏ ý định sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc).
Thế giới số

Cựu CEO Google từng định mua TikTok, nêu 4 lý do khiến Trung Quốc đi sau Mỹ về AI

Sơn Vân 08/05/2024 12:11

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, cho biết ông từng cân nhắc khả năng mua TikTok nhưng hiện đã từ bỏ ý định sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc).

Hôm 24.4, Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã ký ban hành luật yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng đến 1 năm tới, nếu không ứng dụng này sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ. Eric Schmidt, người từng điều hành Google trong hơn một thập kỷ, xác nhận ông từng có lúc cân nhắc mua TikTok nhưng sau đó đã từ bỏ ý định này.

“Tôi hiện không xem xét điều đó. Tôi từng cân nhắc nhưng hiện đã bỏ qua ý định đó”, Eric Schmidt nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV. Theo Eric Schmidt, Mỹ nên áp dụng các quy định với TikTok, thay vì cấm hoặc đưa ứng dụng này ra tòa án giải quyết.

ByteDance khó có thể bán đi công nghệ cốt lõi xác định những video mà mọi người dùng TikTok nhìn thấy trong nguồn cấp dữ liệu của họ. Đây là thuật toán đã được trải nghiệm bởi hơn 170 triệu người dùng TikTok hàng tháng ở Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sẽ phải phê duyệt bất kỳ thương vụ nào như vậy, khiến một số người suy đoán rằng bên mua sẽ chỉ tìm cách sở hữu hoạt động và người dùng của TikTok tại Mỹ chứ không phải công nghệ cốt lõi.

Việc tạo lại thuật toán như của TikTok sẽ khó khăn và tốn kém. Kể từ khi TikTok trở nên phổ biến trong đại dịch COVID-19 vì cung cấp cho người dùng nguồn dữ liệu video hiển thị tự động, những gã khổng lồ công nghệ như Meta Platforms (công ty mẹ Facebook, Instagram) và Alphabet (chủ sở hữu YouTube) đã dành nhiều năm để cố gắng sao chép trải nghiệm này với mức độ thành công khác nhau.

Eric Schmidt nói rằng ông xem TikTok giống với truyền hình hơn là mạng xã hội và hy vọng Mỹ sẽ xem xét quản lý nó theo cách như vậy. Doanh nhân người Mỹ 69 tuổi cho hay: “Bạn có thể quản lý truyền hình theo quy tắc thời gian bình đẳng, nhưng bằng cách nào đó, chúng ta lại không có cuộc thảo luận về chuyện này”, đề cập đến quy định liên bang mà các đài phát thanh và truyền hình Mỹ phải cung cấp quyền tiếp cận tương đương cho các ứng cử viên chính trị cạnh tranh.

Hôm 7.5, TikTok đã kiện chính phủ Mỹ để cố gắng ngăn chặn luật mà Tổng thống Biden vừa ban hành, cho rằng luật này cản trở quyền tự do ngôn luận của người dùng ứng dụng. Những người ủng hộ luật cho rằng mối quan hệ giữa TikTok với Trung Quốc thông qua công ty mẹ ByteDance (có trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh) mở ra khả năng chính phủ nước này sẽ truy cập dữ liệu người dùng Mỹ hoặc tác động đến những gì hiển thị trên nguồn cấp dữ liệu của họ. Đó là điều mà TikTok và các quan chức Trung Quốc luôn bác bỏ.

cuu-ceo-google-tung-dinh-mua-tiktok-neu-4-ly-do-khien-trung-quoc-di-sau-my-2-3-nam-ve-ai.jpg
Eric Schmidt từng cân nhắc khả năng mua TikTok nhưng hiện đã từ bỏ ý định này - Ảnh: Bloomberg

Eric Schmidt hiện là người giàu thứ 47 trên thế giới với tài sản ròng 32,6 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng tỉ phú của Bloomberg). Eric Schmidt giữ chức Giám đốc điều hành Google từ năm 2001 đến 2011 và làm chủ tịch công ty này đến năm 2015. Sau khi rời Google, Schmidt đã đầu tư vào nhiều công ty AI khác nhau, gồm cả Anthropic. Ông cũng trở thành Chủ tịch Ủy ban Đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2016 và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về AI trong ba năm.

Eric Schmidt đã đặt sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành tâm điểm thông qua sáng kiến ​​mang tên Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt.

Theo Eric Schmidt, hiện Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển nhanh chóng.

"Chúng ta có thể đang dẫn trước Trung Quốc 2 hoặc 3 năm, điều đó gần như là cả một thế giới trong lĩnh vực của tôi. Tôi nghĩ chúng ta đang trong tình trạng khá tốt", Eric Schmidt nhận định.

Ở châu Âu, Eric Schmidt cho biết ông coi các quy định, gồm cả khung pháp lý mới của Liên minh châu Âu (EU) về quản lý AI, là một trở ngại cho sự đổi mới. Cựu CEO Google nói thêm rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn vì thiếu chất bán dẫn, nhưng sẵn sàng giành chiến thắng nếu có được phần cứng cần thiết.

Đầu tháng 4, Thái Sùng Tín (đồng sáng lập và Chủ tịch Alibaba) cũng thừa nhận các hãng công nghệ Trung Quốc đang đi sau Mỹ 2 năm trong cuộc đua phát triển AI, khi tiếp tục phải vật lộn với những hạn chế xuất khẩu do chính quyền Biden áp đặt.

“Rõ ràng là Trung Quốc có phần tụt hậu”, Thái Sùng Tín nói, trích dẫn cách OpenAI (công ty khởi nghiệp Mỹ) đã vượt qua phần còn lại của ngành công nghệ về đổi mới AI. Ông cho biết hạn chế xuất khẩu của Mỹ ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến, chẳng hạn các bộ xử lý đồ họa (GPU) được săn đón từ Nvidia. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các hãng công nghệ ở Trung Quốc, gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, theo Thái Sùng Tín.

4 lý do khiến Trung Quốc đi sau Mỹ về AI

Cựu CEO Google cho biết Mỹ có thể trở thành nước chiến thắng rõ ràng trong cuộc đua AI, miễn là không đánh mất lợi thế. Theo ông, vì Trung Quốc tập trung thống trị một số ngành nhất định nên Mỹ cần cạnh tranh với đối thủ này và giành chiến thắng.

Trung Quốc đã phê duyệt hơn 40 mô hình AI trong 6 tháng, gồm cả 14 mô hình ngôn ngữ lớn vừa được phê duyệt cho công chúng sử dụng trong một tuần. Baidu, gã khổng lồ công cụ tìm kiếm được gọi là "Google của Trung Quốc", đang dẫn đầu nhóm này ở quốc gia châu Á.

Eric Schmidt đã đề cập đến 4 yếu tố khiến Trung Quốc đang tụt hậu so với Mỹ trong cuộc đua AI.

1. Thiếu hụt chip

Eric Schmidt cho biết Trung Quốc đang "gặp khó khăn vì chip" và tình trạng thiếu hụt chip tiên tiến.

Trong cuộc phỏng vấn riêng với kênh CNBC hôm 7.5, ông nhận định Trung Quốc gặp trở ngại vì bị chính quyền Trump và Biden hạn chế quyền tiếp cận chip AI hiệu suất cao, đặc biệt là từ Nvidia.

"Họ chắc chắn tức giận về điều đó", Schmidt nói.

Chip đóng vai trò là một thành phần quan trọng trong nỗ lực phát triển AI. Căng thẳng liên quan đến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến việc chính quyền Biden thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở nước Mỹ. Vào tháng 11.2023, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành Quy tắc về chip điện toán nâng cao khiến Trung Quốc khó nhập khẩu chip AI tiên tiến hơn từ các nhà sản xuất Mỹ.

Vào tháng 3, chính quyền Biden cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt với một số công ty bán dẫn Trung Quốc có liên quan đến Huawei.

2. Không có nhiều tài liệu Trung Quốc để đào tạo mô hình AI

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Eric Schmidt cho rằng không có nhiều tài liệu Trung Quốc có sẵn để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn. Vì tiếng Anh thống trị internet cùng các tài liệu nghiên cứu và sách mà các mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo, ông tin rằng tiếng Anh cung cấp nguồn thông tin lớn hơn để học hỏi.

"Đó là lý do tại sao tiếng Anh lại thống trị trong các mô hình ngôn ngữ lớn này", Schmidt nói.

Ngoài ra, hầu hết dữ liệu đào tạo đều bằng tiếng Anh, điều này có thể dẫn đến những hiểu lầm và giải thích sai trong các ngôn ngữ khác.

3. Đầu tư từ nước ngoài giảm

Schmidt cho biết Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với việc đầu tư từ nước ngoài giảm mạnh và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm gặp rủi ro. Trong khi đó, Mỹ đã bùng nổ trong những lĩnh vực này, ông nói.

Trung Quốc đã suy thoái kinh tế trong vài năm qua và tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề về giảm phát.

Vào tháng 11.2023, Trung Quốc đã bị thâm hụt đầu tư lần đầu tiên khi căng thẳng với Mỹ leo thang và các nước phương Tây rút lui khỏi các hoạt động kinh doanh.

4. Tập trung sai lĩnh vực

Cựu CEO Google cho biết Trung Quốc đang tập trung xây dựng các công ty ứng dụng vì lợi nhuận mà cuối cùng có thể thành công. Thế nhưng, họ không tập trung vào nền tảng, ông lập luận.

"3 hoặc 4 trong số các ứng dụng hàng đầu ở Mỹ thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng hiện tại, vị trí dẫn đầu thuộc về Mỹ", Schmidt nói.

Dù các ứng dụng như TikTok có thể thành công, một số chuyên gia trong ngành lại cho rằng Trung Quốc đang tụt hậu trong các mô hình AI nền tảng, theo CNBC.

"Chúng ta nên rất tự hào về vị trí của mình hiện tại. Nước Mỹ đã tiên phong cho tương lai này, tương lai của AI, máy tính lượng tử và các công nghệ khác đang được nhiều người bàn tán. Chúng ta có cơ hội thống trị thế giới trong 10 đến 20 năm tới nếu thực hiện đúng".

Bài liên quan
Chủ tịch Alibaba: Các hãng công nghệ Trung Quốc đi sau Mỹ 2 năm trong phát triển AI
Theo Joe Tsai - đồng sáng lập và Chủ tịch Alibaba, các hãng công nghệ Trung Quốc đang đi sau Mỹ 2 năm trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), khi tiếp tục phải vật lộn với những hạn chế xuất khẩu do chính quyền Biden áp đặt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thanh tra thị trường vàng trong tháng 5
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng, hoàn thành thanh tra, kiểm tra thị trường vàng trong tháng 5.2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu CEO Google từng định mua TikTok, nêu 4 lý do khiến Trung Quốc đi sau Mỹ về AI