Giai đoạn những năm 80 thế kỷ trước, giữa thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, cuộc sống người miền Tây Nam Bộ không thiếu lúa, cá... nhưng hầu như không có tiền trong nhà để có thể mua những nhu yếu phẩm cần thiết như: đường, bột ngọt, sữa... Thịt là món xa xỉ, lâu lâu trong xã mới có người giết trâu hoặc heo bán cho mọi người nhưng không lấy tiền liền, mà chờ mùa lúa, đong lúa trả. Bài tiếp theo "Miền Tây một thuở xa xôi..." 

Miền Tây thời bao cấp: Thịt trâu đổi lúa, tô canh thiếu bột ngọt

Một Thế Giới | 07/12/2015, 20:48

Giai đoạn những năm 80 thế kỷ trước, giữa thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, cuộc sống người miền Tây Nam Bộ không thiếu lúa, cá... nhưng hầu như không có tiền trong nhà để có thể mua những nhu yếu phẩm cần thiết như: đường, bột ngọt, sữa... Thịt là món xa xỉ, lâu lâu trong xã mới có người giết trâu hoặc heo bán cho mọi người nhưng không lấy tiền liền, mà chờ mùa lúa, đong lúa trả. Bài tiếp theo "Miền Tây một thuở xa xôi..." 

Năm 1985, tôi mới 9 tuổi. Ba má đi làm ăn xa, tôi sống với ông bà ngoại. Đến giờ này, tôi vẫn có thể lục lọi ký ức để nhớ về một thuở xa xôi, khó khăn của đất nước: Những năm cuối cùng của thời bao cấp!
Ông bà ngoại tôi có một mảnh vườn ở H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và hơn chục công ruộng ở vùng kinh tế mới Thanh Mỹ, thuộc tỉnh Đồng Tháp. Tôi phải nhấn mạnh là ruộng, vườn của bà ngoại tôi thuộc hai tỉnh khác nhau, cách xa chỉ chừng 50 cây số theo đường sông, để có thể nói sự bất cập trong thời bao cấp.
Thời bao cấp, miền Tây Nam Bộ cũng giống như cả nước: Dân địa phương tự sản xuất lương thực và sử dụng, không được mang qua địa phương khác. Nếu bị chính quyền phát hiện, lương thực, thực phẩm sẽ bị tịch thu.
Mien Tay thoi bao cap: Thit trau doi lua, to canh thieu bot ngot-hinh-anh-1
Vãi chài, bắt cá ở miền Tây sông nước. 
  
Mùa lúa, tôi theo ông bà ngoại, bơi xuồng từ An Hữu, Cái Bè, Tiền Giang vô kinh Nhứt (Thanh Mỹ) "mần" ruộng. Đây là xứ sở của nước phèn trong thấu đáy sông, có nhiều đỉa trâu, đỉa mén lội như "bánh canh" và những rừng tràm bạt ngàn, ngút tầm mắt.
 Đi xa, phải đợi con nước lớn, tôi và ông bà ngoại mới khởi hành, xuôi xuồng theo dòng nước, cho đỡ tốn sức bơi.
Bơi xuồng ngang Bờ Gòn hoang vắng, hai bên bờ um tùm lau sậy, hiu hắt nhà cửa, tôi rất ớn lạnh. Người ta đồn khu vực này ma thường hiện hình nhát người. Đất nước mới giải phóng chưa đầy chục năm, những câu chuyện ma thời chiến vẫn nằm trên cửa miệng của người nông dân Nam Bộ, gây sợ hãi cho những đứa con nít như tôi.
Nghe người lớn kể lại, ngày xưa Bờ Gòn bị càn quét liên tục, nhiều dân thường chết oan. Có người bị trúng bom, xác văng xuống mương, còn đầu văng trên ngọn dừa...
Những câu chuyện ma hiện hình, rùng rợn được thêu dệt, chẳng hạn: Nhiều người bơi xuồng ngang khu Bờ Gòn, thấy một cô gái ngồi trên bờ xin quá giang. Ghé vào, cô gái nhất quyết đòi bơi lái. Một lúc, tự nhiên xuồng bị loạng choạng, chủ xuồng quay lại phía sau thì cô gái kia đã biến mất. 
Kinh hoàng hơn, gốc gừa ngay vàm Bà Tứ, thỉnh thoảng xuất hiện một cô gái vận áo trắng, ngồi xõa tóc, than khóc.... Đêm khuya thanh vắng, xuồng trôi trên sông dưới ánh trăng lấp loáng, những câu chuyện ma cứ ám ảnh.
mien Tay, thoi bao cap, ngan song cam cho
 Mùa lúa ở miền Tây. Ảnh: Tư liệu
Bà ngoại tôi trấn an: "Ma cỏ gì! Cậu Hai, cậu Tư, dì Năm của tụi bây đi chiến đấu, bị trúng bom mà chết. Mất xác luôn. Tao vái hoài, tụi nó có linh thiêng hiện ra chỉ chỗ xác cho tao tìm, mang về chôn cất mà có thấy hiện đâu?"
Tôi biết bà ngoại nói vậy, chứ cũng sợ lắm. Trong đời, bà ngoại tôi đã 3 lần đau đớn nhận giấy báo tử của các cậu, dì trong thời kháng chiến chống Mỹ.  Sau này nhà nước phong tặng bà tôi danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Được vinh danh nhưng suốt đời bà vẫn đeo bám một nỗi khắc khoải chưa tìm được xác những đứa con thân yêu.
Tiếp tục câu chuyện bị ngắt quãng. Còn nhỏ, tôi chẳng biết mần ruộng, cứ quanh quẩn bờ đê, thọc tay vào hang tìm bắt những con cua kềnh càng. Tôi cũng thường đuổi theo những con cò trắng, hay leo lên lưng con trâu đang nằm bên ụ rơm khô, hăng hăng mùi lúa chín... 
Vào Kinh Nhứt, tôi và ông bà ngoại ở nhà cậu Bảy. Thu hoạch lúa xong, mới bơi xuồng về lại Cái Bè. Ở đây, tôi có dịp quan sát đời sống thời bao cấp của cậu mợ Bảy, cũng như những người xung quanh.
mien Tay, thoi bao cap, ngan song cam cho
 Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang). Ảnh: Tư liệu
Thời đó, chim bìm bịp, cò, cúm núm, gà nước... nhiều vô kể. Tôi thấy người ta bơi chiếc xuồng ba lá, tìm đến các bụi lau sậy, quơ quơ cây sào tre. Chim từng đàn bay tán loạn, chỉ việc quơ cây sào liên tục như vậy, thế nào cũng có nhiều con chim không may mắn bị trúng, rớt xuống là gia đình đã có bữa ăn ngon.
Cá lóc, cá trê, cá rô, cá chốt... lội đầy sông. Mỗi lần ra sàn nước rửa chén, cá từng đàn bơi lại tìm thức ăn, lội tung tăng bên dưới. Ở Kinh Nhứt, đỉa trâu, đỉa mén là loài động vật làm cho phụ nữ sợ hãi, chúng cũng xen lẫn cá, lội lổm ngổm dưới sông, rạch. Loài này đeo vào người, hút máu đến no căng mới chịu nhả ra.
Buổi trưa nắng, chỉ cần cầm tay lưới quăng xuống nước, sáng hôm sau đã có một thùng cá. Cá dính đen cả lưới, đủ loại, nhiều khi còn dính cả rắn...
Chuyên nghiệp hơn, người ta bắt ốc bươu, đập vỏ, lấy ruột móc vô lưỡi câu, mang cần đi cắm. Chiều chạng vạng, chỉ cắm chừng 20 cần, sáng hôm sau vác đít đi thăm, thấy cần nào oằn xuống nước, biết ngay có một trự trê, hay lóc đang nằm bên dưới...
Cá nhiều quá, người ta còn nghĩ ra cách "tay không bắt... cá": Dặm dấu. Đợi nước ròng, người ta lội dọc bờ, ấn mạnh chân xuống bùn, để lại dấu. Đi một đoạn dài chừng vài trăm mét... Một lát người ta quay ngược lại, chỉ làm một việc là quậy nước "đùng đùng", cá hoảng sợ, nấp ngay trong các dấu chân đã in sẵn, chờ tay người bắt...
mien Tay, thoi bao cap, ngan song cam cho
 Hiện nay, một số vùng ở miền Tây, chim, cò còn bay trắng đồng. Ảnh: Tư liệu
Tàn tích chiến tranh để lại là những hố bom. Dưới những tán hoa súng, là nơi trú ngụ của nhiều loài cá. Chỉ khi nào có nhà có đám, người ta mới tát cạn hố bom, bắt cá đủ đãi vài chục miệng ăn.
Cá có thể bắt thoải mái dưới sông. Gạo, lúa chất đầy bồ. Thế nhưng, tiền bạc trong nhà thường không có, do ngăn sông cấm chợ, lúa gạo không lưu thông, không bán được. Vì vậy, người dân ở đây thường thiếu những thứ nhu yếu nhưu bột ngọt, đường, sữa... Đặc biệt là món thịt, họa hoằn lắm mới được ăn.
Nhiều bữa mợ Bảy đi hái rau má, rau chai cả rổ về nấu nồi canh, không có bột ngọt nêm. Nồi canh không ra canh, luộc không ra luộc vì thiếu chất ngọt cơ bản đó. 
Cậu mợ tôi có hai đứa con nhỏ, do thiếu sữa nên người còm nhom, đít teo bụng bự, đen nhẻm. Tôi còn nhớ, có lần ngoài xã thông báo ra nhận sữa hộp, cậu mợ tôi mừng lắm. Đó là những thùng sữa được các nước cùng khối xã hội chủ nghĩa viện trợ, giúp đỡ Việt Nam. 
Vui nhất là lần cậu mợ đi nhận... bao cao su. Vợ chồng cậu tôi, cũng như bà con trong xã chẳng ai biết dùng, cứ nghĩ là bong bóng, thổi lên cho đám nhóc chúng tôi chơi.  Cái nào cũng to như cái gối ôm.
Mien Tay thoi bao cap: Thit trau doi lua, to canh thieu bot ngot-hinh-anh-2
 Một rừng tràm ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Tư liệu
Hằng ngày, tầm 12 giờ trưa, chiếc ghe hàng của bà Tám Thơ bơi ngang nhà cậu tôi, rao bán kẹo, cốm, tiêu, tỏi, đường, bột ngọt... Nhìn chiếc ghe hàng xa dần, thèm lắm, nhưng tôi không có tiền mua. 
Tôi nhớ lần chứng kiến cảnh người ta thịt con trâu ở nhà ông Năm Cuông. Bà con tập trung đợi chia thịt đông lắm. Tôi rất sợ khi thấy người ta trói con trâu đang giãy giụa vào gốc tràm và dùng búa... đập vào đầu. Thịt xẻ ra, mỗi người chia vài miếng, đợi đến mùa gặt đong lúa trả. Thời bao cấp, không ai có tiền trong nhà cả, gần như tất cả các giao dịch đều được trao đổi bằng lúa.
Lúa thu hoạch, suốt lúa (tuốt lúa - người miền Tây gọi là suốt lúa) xong, ông bà ngoại  tôi  cho đổ ra sân phơi nắng. Lúa hút nắng, khi nào cầm hột lúa đưa lên miệng cắn nhẹ, hột lúa đứt đôi là có thể hốt, cho vào bao. 
Mien Tay thoi bao cap: Thit trau doi lua, to canh thieu bot ngot-hinh-anh-3
 Phơi lúa ở miền Tây trong mùa gặt. Ảnh: Tư liệu
Ngày mùa, có rất nhiều cô, dì đến phụ ông bà ngoại tôi cắt lúa, suốt lúa... Cơm ngày 3 bữa, không lấy tiền, nhà này phụ nhà kia, trao đổi nhân công qua lại. Nếu thuê mướn nhân công bên ngoài, tiền công cũng được tính bằng đơn vị "giạ" lúa.
Lúa chất xuống xuồng, cả trăm giạ, chuẩn bị chở về Cái Bè, cất vào bồ. Ngặt nỗi, hộ khẩu của ông bà ngoại tôi tại Cái Bè, vận chuyển lúa ra khỏi Kinh Nhứt (thuộc tỉnh Đồng Tháp), nếu dân quân phát hiện, sẽ bắt và tịch thu theo luật "ngăn sông cấm chợ". Thế là, ông bà ngoại tôi đợi trời khuya, mới bắt đầu khởi hành. Lén lút như buôn hàng quốc cấm...
Đêm khuya, đom đóm lập lòe trên những ngọn bần hai bên mé sông. Trăng tròn. Chiếc xuồng khẳm nước đang lừng lững trôi. Đi ngang trạm gác, tôi, ông bà ngoại hồi hộp như nín thở, mái dầm không dám khua mạnh nước... Nếu có ánh đèn pin rọi xuống, coi như tiêu...
May mắn là dân quân không phát hiện, chiếc xuồng đang trôi dần qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Bà ngoại têm miếng trầu, cười vui vẻ: "Thoát rồi bây ơi!".
(còn tiếp)
Lê Ngọc Dương Cầm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miền Tây thời bao cấp: Thịt trâu đổi lúa, tô canh thiếu bột ngọt