Trong nhiều vụ việc sai phạm cổ phần hóa được phanh phui gần đây, các công ty định giá vẫn chưa bị xử lý hình sự. Việc này theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) là có nguyên nhân từ lỗ hổng luật pháp khi không quy định cụ thể.

Móc ngoặc định giá tài sản sai phải bị xử lý hình sự

11/04/2019, 13:48

Trong nhiều vụ việc sai phạm cổ phần hóa được phanh phui gần đây, các công ty định giá vẫn chưa bị xử lý hình sự. Việc này theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) là có nguyên nhân từ lỗ hổng luật pháp khi không quy định cụ thể.

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lùm xùm một thời - ảnh : Internet

Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), việc gian dối trong thẩm định giá để trục lợi không hiếm, nhiều vụ việc lớn đã được cơ quan thanh tra chỉ ra.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc móc nối với nhau trong định giá đã xảy ra trong nhiều vụ việc.

Nêu ví dụ ở chuyện Mobifone sử dụng tới 4 đơn vị định giá AVG, trong đó điều mà ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng rất “bí hiểm” chính là mức định giá của các đơn vị chênh lệnh rất cao, có lúc gấp đôi.

“Chỉ với 4 đơn vị thôi mà đã có sự chênh lệch lớn như thế, liệu Mobifone có sử dụng “chiêu trò quân xanh, quân đỏ” để đưa ra nhiều giá khác nhau hay không. Từ đó, khi chuyển nhượng có thể dìm hàng hoặc đẩy giá lên để chuyển tiền?”, ông đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Thịnh, khi định giá một doanh nghiệp phải bao gồm cả giá trị thương hiệu, các tài sản trên đất và quyền sử dụng đất. Phải tính theo giá trị thị trường chứ không tính theo giá trị sổ sách vì giá trị trên sổ sách không chuẩn xác.

“Phải mang ra đấu thầu, được các cơ quan định giá khách quan thì mới trở thành giá trị của doanh nghiệp để mang đi cổ phần hóa. Nhiều DNNN cũng đang lấn cấn chuyện có định giá hay không định giá quyền sử dụng đất đai. Cái này phải làm chứ không có cách nào khác”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài Chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, khi định giá tài sản DNNN, nếu cố tình định giá tài sản cao thì họ vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp, thay đổi số liệu, còn nếu muốn định giá thấp đi thì họ lại không tính vào tài sản lợi thế thương hiệu, đất đai, giấy phép.

Theo đó, luật cần phải thay đổi để buộc khi tính giá trị doanh nghiệp cần phải đầy đủ, có muốn tính giá thấp hay giá cao cũng không được. Cần phải sửa lại nhiều quy định của pháp luật, đưa việc định giá tiến sát với cơ chế thị trường.

Chuyên gia này nhấn mạnh, khi doanh nghiệp bị định giá quá cao hoặc quá thấp so với giá trị thì nhóm lợi ích hưởng lợi trước, đến khi cơ quan thanh tra vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết. Tức là khi sự việc đã diễn ra rồi thì mới chế tài, trong khi có rất nhiều cơ quan, nhiều quy định liên quan để giám sát việc thực hiện cổ phần hóa.

“Vậy chúng ta thực hiện thế nào mà để cho hàng loạt những vụ định giá sai? Trước nay rất hiếm khi có một bộ ngành nào đó đề nghị định ngưng thương vụ, định giá lại khi chủ động phát hiện sai phạm trong quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp, mà chỉ có cơ quan thanh tra đề nghị truy thu, xử lý. Vậy câu hỏi đặt ra là vai trò của cơ quan quản lý ở đâu?”, ông Bảo nhấn mạnh.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc định giá, kiểm toán ở các cơ quan công chứng, định giá.

“Nếu anh đã ký vào biên bản định giá thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm ở việc định giá đó. Nếu sau này cơ quan định giá lại nếu có sai sót lớn, có sự móc ngoặc thì phải chịu trách nhiệm”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc sai phạm cổ phần hóa được phanh phui gần đây thì các công ty định giá vẫn chưa bị xử lý hình sự. Việc này theo ông Thịnh là có nguyên nhân từ lỗ hổng luật pháp khi không quy định cụ thể.

Theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, nhiều khi người ta chỉ trông cậy vào đạo đức kinh doanh của nhà quản lý và sự giám sát của cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta đã làm tốt việc định giá được như các tổ chức định giá nước ngoài chưa?

“Do đó, cần có những hàng rào về pháp lý đề ngăn chặn những hành vi trục lợi, nâng cao trách nhiệm. Luật pháp cần nghiêm minh, chặt chẽ. Tức là người ta muốn làm sai nhưng không thể làm sai, nếu người ta làm sai thì bị xử lý nặng”, ông Bảo nói.

Theo luật sư Nguyễn Thúy Kiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam, nhiều vụ vi phạm trong định giá chưa được xử lý hình sự bởi những quy định pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu và chưa bám sát thực tế, dễ bị lợi dụng.

Luật sư Kiều cho rằng, hành vi sai phạm trong định giá giá trị tài sản của các cá nhân, tổ chức chỉ bị xử lý khi cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh được cá nhân là những người có chức vụ, quyền hạn, cố ý làm sai lệch kết quả, can thiệp để kết quả định giá, đấu giá thấp xuống hơn thực tế để hưởng lợi cho cá nhân.

Theo đó, có thể khởi tố trong nhóm tội về chức vụ quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như: “Tội tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 hoặc “Tội nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 hoặc “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” .

Còn nếu cá nhân là những người có chức vụ, quyền hạn nhưng lơ là, thiếu sự giám sát, quản lý thì vẫn có thể bị xử lý hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017…

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Móc ngoặc định giá tài sản sai phải bị xử lý hình sự