Sau vụ 114 giấy tờ dành cho người có công bị “bỏ quên” hàng thập kỷ, thì nay ở tỉnh An Giang có nhiều người cho rằng hồ sơ ghi nhận công lao của họ bị... "ngâm" mất tăm. Có người sau ngày giải phóng đã chết nhưng chưa được thấy tấm giấy chứng nhận có công...

Mòn mỏi chờ công nhận có công với cách mạng

Thanh Tuấn | 06/07/2017, 14:53

Sau vụ 114 giấy tờ dành cho người có công bị “bỏ quên” hàng thập kỷ, thì nay ở tỉnh An Giang có nhiều người cho rằng hồ sơ ghi nhận công lao của họ bị... "ngâm" mất tăm. Có người sau ngày giải phóng đã chết nhưng chưa được thấy tấm giấy chứng nhận có công...

Nộp hồ sơ 10 năm nhưng không biết về đâu?

Vợ chồng ông Chau Sâm (77 tuổi) và bà Nèang Dôn (72 tuổi), ngụ ấp Tân Long, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết, ông Sâmlà người dân tộc Khmer, sống gắn bó lâu đời ở vùng đất dưới chân núi Bà Đội Ôm. Trước kia gia đình ông có nhiều đất đai và thuộc vào hàng khấm khá. Ông là nông dân bình thường, ngày ngày cày sâu cuốc bẵm, biến “sỏi đá thành cơm”.

Năm 1963, ông Út Bưởi, ông Tà Lonl (những người đi kháng chiến chống Mỹ) xin và được ông Sâm cho gạo, thuốc Tây... Cứ thếvợ chồng ông tiếp tế gạo và thuốc Tây cho rất nhiều người đi làm cách mạng.

Căn nhà khá tồi tàn của vợ chồng ông Sâm

Theo nội dung bảng khen thưởng nhân dân mà ông Chau Sâm cho biết, thì vào năm 1964,ông nhặt được 6 trái lựu đạn M26 của lính Ngụyrồi giao cho người làm cách mạng. Năm 1968, vợ chồng ông còn nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng như ông Hai Vân, ông Ba Ro... Vợ chồng ông ra sức tiếp tế và giúp đỡ người hoạt động cách mạng cho đến ngày thống nhất đất nước.

Ông Chau Sâm nói: “Những năm đó, vợ chồng tui trồng rẫy. Rồi tui đi đánh xe bò chở khoai lang, khoai mì (sắn) và trái cây cho bà con trong vùng để lấycông. Tui hay mua gạo rồi để vào bầu trước xe bò, phía trên tui chất khoai lang và che lá khoai mì khô. Tui đánh xe bò vào vùng Bến Su, núi Cấm đưa gạo và thuốc Tây cho mấy ông cách mạng. Họ kêu gì tui làm nấy. Lúc đó đạn bắn bên tai, chẳng biết chết lúc nào”.

Ông Chau Sâm cho hay, ông đã làm hồ sơ liệt kê thành tích đóng góp và có đủ những người hoạt động cách mạng xác nhận cho ông, để vợ chồng ông được chứng nhận có công với cách mạng. Hồ sơ này ông đã nộp đến UBND xã Tân Lợi từ năm 2007.

Sau đó, chờ thấy quá lâu không có ai phản hồi, ông đã làm đơn yêu cầu Hội Cựu chiến binh huyện Tịnh Biên giúp đỡ. Tuy nhiên, cho đến nay đã đúng 1 thập kỷ trôi qua, ông vẫn chưa nhận được hồi âm nào cho biết ông có được khen thưởng hay không?

Ông Sâm cho biết, ông có 5 người con, nhưng sau khi lập gia đình riêng thì đều nghèo. Sau cuộc di tản chạy giặc Khmer đỏ trở về, vợ chồng ông khẩn lại được vài công đất vùng cao. Đất này ông chia cho các con cất nhà và trồng xoài, khoai mì… Ngoài ra ông và các con không trồng được lúa vì không có nước tưới tiêu. Các con ông hầu hết bỏ xứ đi tỉnh Bình Dương, Đồng Nai làm mướn. Giờ ở nhà chỉ còn vợ chồng ông sống trong cảnh tuổi già thiếu đói vì nghèo khó.

“Vợ tui bệnh, tui thì già mà con cái đều nghèo. Có những lúc không có tiền mua gạo ăn, phải nhờ chòm xóm cho thức ăn. Mấy năm trước vợ chồng tui có sổ hộ nghèo, chính quyền cất cho căn nhà nhỏ đến nay đã dột hết, rồi rút sổ hộ nghèo luôn. Phải chi ngày xưa tui không tiếp tế thì giờ này gia đình tui đâu đến nỗi nào. Rồi bây giờ bắt tui chờ như vậy?”, ông Sâm thều thào nói.

Chờ đến chết vẫn chưa được ghi công

Bà Trần Thị Kiếm làcon của ông Trần Văn Lũy (đã chết) và bà Lê Thị Mẫn, ngụ tại ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, cho biết, cha mẹ bà là những người có công với cách mạng. Năm 1954, ông Lũy được ông Bùi Thanh Tùng (ngụ ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên) phân công làm cơ sở cách mạng tại xã Thới Sơn.

Con ông Lũy nóirằng hồ sơ có công nộp khi ông Lũy còn sống, nhưngđến khi ông chết vẫn chưa được chứng nhận có công

Năm 1966, ông Lũy được phân về xã Văn Giáo làm công tác binh vận. Ông Lũy vận động binh sĩ địch ở đồn cầu Bưng Tiền và nhận được 4 thùng đạn và 1 thùng lựu đạn M26, giao cho cách mạng.

Theo bà Kiếm, cha mẹ bà còn dẫn quân cách mạng vào ấp chiến lược diệt ác ôn, làm giao liên, dân công hỏa tuyến, vác đạn, tải thương… Gia đình ông Lũy còn nuôi chứa ông Võ Văn Hết (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy An Giang). Sau đó, vợ chồng ông Lũy làm công tác binh vận cho đến ngày giải phóng.

“Lúc ổng còn sống thì đã làm hồ sơ có công rồi. Sau này con tui đi làm nữanhưng chẳng được gì. Ngày ấy cái gì cũng kêu thằng Lũy. Có lần ổng bị bắt, bị giặc đánh, gia đình phải bán lúa lấy tiền chuộc ổng về. Còn tui là dânmà chuyện gì mấy ông cách mạng cũng kêu làm”, bà Mẫn bộc bạch.

Cầu Bưng Tiền, nơi ông Lũy xin vũ khí địch đem cho cách mạng

Gần nhà bà Mẫn là nhà bà Trần Thị Tùng (78 tuổi), có chồng là ông Nguyễn Văn Huyện (đã chết). Bà Tùng kể, vợ chồng bà đều tham gia cách mạng ở vùng Bảy Núi. Lợi dụng việc đi núi Cấm, núi Cô Tô làm rẫy, bà hay gánh theo lương thực cho những người làm cách mạng. Bà bắt đầu tham gia từ năm 1961.

Bà ngụy trang bằng cách để gạo, quần áo và thuốc chữa bệnh ở dưới đáy thúng, còn phân bò thì để ở trên. Rồi bà gánh những thúng phân bò đi vào rừng, lén chuyển cho cán bộ cách mạng. Những năm chiến tranh ác liệt, bà cứ đi tiếp tế trong làn đạn.

“Chuyện thời chiến biết sao mà kể hết. Chết chóc trước mắt. Nhiều lần đi đưa thư, khi thấy địch đến thì tui liền nuốt vào bụng. Chứ nếu quăng đâu đó bị phát hiện là chết. Tui đã nuốt hết 5 lá thư. Mấy năm nay tui nhờ ông Ba Ro nộp hồ sơ có công giùm. Ổng nói nộp rồimà tới nay không thấy gì hết”, bà Tùng kể.

Ông Ba Ro (81 tuổi, tên thật là Nguyễn Văn Quyền - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 38 đóng ở Campuchia, ngụ khóm 2, thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên) xác nhận, khoảng 6 - 7 năm về trước, ông có làm và nộp giúp hồ sơ có công cho vợ chồng bà Tùng. Khi đó cán bộ phụ trách ở xã Vĩnh Trung xin số điện thoại của ông và nóikhi nào có kết quả sẽ báo cho ông hay. Nhưng ông chờ mãi không thấy người này liên lạc.

“Tui biết rất rõ hoạt động của vợ chồng chị Tùng. Ông Huyện trực tiếp chiến đấu, bị bom địch thả xuống núi Dài Lớn làm sụp công sự. Ổng bị sức bom ép tức ngực và phát sinh bệnh lao, rồi về nhà chết sau 5 năm mắc bệnh”, ông Ro kể.

Bà Tùng chờ mãi chứng nhận có công mà không thấy

Bà Trần Thị Hiền (cán bộ Chính sách Lao động - Thương binh và Xã hội xã Vĩnh Trung) nói: “Tôi mới tiếp nhận nhiệm vụ này từ tháng 5.2016nên không rõ các hồ sơ đề nghị xét khen thưởng của vợ chồng bà Mẫn và bà Tùng như thế nào. Để tôi hỏi lại cán bộ cũ và Phòng Nội vụ rồi trả lời sau”.

Còn ông Nguyễn Minh Triết - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tịnh Biên thì nói: “Để rà soát lại”.

Như Một Thế Giới từng phản ánh, trong lúc dọn dẹp tủ cũ thì cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn phát hiện114 huân, huy chương kháng chiến, bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, bằng Tổ quốc ghi công… Trong đó có nhiều giấy chứng nhận có công được ký từ 42 năm trước vẫn chưa được cấp phát cho người được khen thưởng.

Sau đó, chính quyền thị trấn Ba Chúc cho rà soátthì cấp phát ra được 52 giấy tờ, số còn lại chưa rõ thế nào. Chính quyền huyện Tri Tôn cũng đã tổ chức xin lỗi những người có công.

Ông Võ Anh Kiệt - Phó bí thư Tỉnh ủy An Giang nói: “Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ công tác rà soát lại toàn bộ người có công sau vụ Ba Chúc và sẽ cho rà soát những hộ này. Quan điểm của tỉnh là phát hiện ai sai phạm thì xử lý nghiêm, dứt khoát không để người có công bị thiệt thòi…”.

Thanh Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mòn mỏi chờ công nhận có công với cách mạng