Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc xem xét lại mức độ kỷ luật với Vinastas vụ công bố thông tin nước mắm nhiễm arsen, đại diện Bộ Công Thương cho biết đang rà soát lại vụ việc và các quy định pháp luật có liên quan.
Như Một Thế Giới vừa đưa tin, Văn phòng Chính phủ đãcó văn bản thông báoý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tới Bộ Công Thương liên quan đến việc xử lý vi phạm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) trong việc công bố chất lượng nước mắm.
Phó thủ tướng cho rằng Vinastas đã có sai phạm trong việc công bố chất lượng nước mắm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng "xử lý người đứng đầu Hội ở mức khiển trách là không nghiêm". Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu Thường vụ Vinastas xem xét lại việc xử lý kỷ luật đúng mức độ vi phạm.
Xác nhận với phóng viên báo Một Thế Giới vấn đề này, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - đơn vị chức năng được Bộ Công Thương giao xử lý Vinastas, cho biết phía Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận được thông báo của Phó thủ tướng và đang rà soát, xem xét lại việc xử lý mức độ vi phạm của Vinastas. Về cụ thế hướng xử lý thế nào thì ông Tuấn không tiết lộ thêm. Song hướng xử lý vẫn là tuân thủ quy định pháp luật.
Ông Tuấn cũng chính là trưởng đoàn kiểm tra trong vụ nước mắm nhiễm arsen. Vào tháng 3 vừa qua, tại buổi báo cáo chuyên đề về cạnh tranh với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, ông Tuấn cho biết trong vụ việc nước mắm nhiễm arsen, Vinastas là một tổ chức xã hội chứ không phải là doanh nghiệp và cũng không phải là hiệp hội của các doanh nghiệp nên họ không vi phạm Luật Cạnh tranh. Luật này vốn chỉ điều chỉnh đối với doanh nghiệp, các hiệp hội, cơ quan quản lý. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh không có căn cứ để xử lý Vinastas về hành vi cạnh tranh.
Cũng trao đổi vấn đề này với báo Một Thế Giới, LS Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basicocho rằng so với hậu quả mà Vinastas gây ra thì cần phải xem xét lại mức phạt. Song, nếu quy định tối đa phạt chỉ như vậy thì cũng không thể xử lý nặng hơn, cần nhìn nhận lại Vinastas là một tổ chức xã hội, không phải là doanh nghiệp để có thể chogiải thể hoặcphá sản.
Theo LS Đức, vấn đề mấu chốt ở đây chính là Bộ Công Thương cần rà soát lại hai vấn đề. Thứ nhất là xem đơn vị, doanh nghiệp nào đứng sau Vinastas "xúi giục". Thứ hai là với Vinastas, cần phải xem xét lại trách nhiệm cá nhân, cá nhân nào trong Vinastas "nhắm mắt làm ngơ, cố tình làm sai", câu kết với doanh nghiệp bên ngoài để đánh nước mắm truyền thống.
"Trong trường hợp phát hiện cá nhân nào trong Vinastas câu kết với doanh nghiệp bên ngoài thì mức xử lý cao nhất sẽ là xử phạt hình sự",LS Trương Thanh Đức cho hay
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã "mạnh tay" xử lý tới 50 cơ quan báo chí đưa tin. Trong đó, báo Thanh Niên bị phạt 200 triệu đồng, 8 cơ quan báo chí khác bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Còn lại, 41 cơ quan báo chí khác bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Vào tháng 10.2016, trong một cuộc khảo sát về chất lượng nước mắm, Vinastas đã đánh đồng khái niệm arsen nói chung với thạch tín, gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Sau đó khoảng 2 tháng, đơn vị này đã phải đăng thông tin cải chính kết quả nêu trên, nhận sai khi đã đồng nhất các khái niệm và xin hủy toàn bộ thông tin đã công bố.
Đưa ra mức xử lý vụ việc này vào hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Công Thương cho biết đã xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng với Vinastas do phát hành tài liệu, ấn phẩm về chất lượng nước mắm nhiễm arsen không chính xác, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu tới dư luận, xã hội.
Đồng thời thu hồi, tiêu huỷ các tài liệu liên quan tới việc công bố chất lượng nước mắm. Trong đó, đáng chú ý, ông Đoàn Phương - Chủ tịch Vinastas chỉ chịu hình thức kiểm điểm cá nhân.
Trong khi đó, để xử lý vụ việc này, lãnh đạo Vinastas đã có quyết định cách chức Phó tổng thư ký đối với ông Vương Ngọc Tuấn. Sau khi bị cách chức, ông Tuấn vẫn là thành viên của Hội.