Nhà đầu tư từ Hà Nội mới đây đề xuất xây nhà ga mới ở xã Vĩnh Trung và tuyến đường sắt tránh thành phố Nha Trang, số đất dư ra của khu ga hiện tại sẽ đổi cho phần chi phí doanh nghiệp bỏ ra.
Trong cuộc họp bàn mới đây về đề xuất xin chủ trương nghiên cứu đầu tư cải tạo tuyến đường sắt khu vực ga Nha Trang và xây dựng mới ga hàng hóa Nha Trang do Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì, Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung đã kiến nghị được phép nghiên cứu, khảo sát, đầu tư thực hiện dự án này theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao).
Cụ thể, nhà đầu tư đề xuất tự bỏ toàn bộ vốn cải tạo, xây dựng ga Vĩnh Trung (xã Vĩnh Trung, TP.Nha Trang) tại km 1322 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM thành ga hỗn hợp khách - hàng, khu tác nghiệp kĩ thuật và xây dựng đường tránh ga Nha Trang. Phương án hoàn vốn sẽ bằng quỹ đất của ga Nha Trang hiện tại nhưng vẫn giữ nhà ga (công trình kiến trúc) làm bảo tàng đường sắt.
Ga Nha Trang hiện có chức năng hỗn hợp ga khách và hàng hóa. Theo Cục Đường sắt, tổng diện tích đất khu vực ga Nha Trang là 14,8ha. Theo quy hoạch đã được phê duyệt thì ga Nha Trang sẽ được cải tạo chỉ còn chức năng tác nghiệp hành khách và diện tích dành cho ga khách là 4,8ha, đồng thời được làm cầu quay đầu máy mới để bỏ đường ray vòng (hình bóng đèn) như hiện nay. Như vậy, quỹ đất còn lại của ga sẽ là 10ha.
Đường ray vòng hình bóng đèn hiện nay của ga Nha Trang hiện nay - Ảnh từ Internet
Tham gia cuộc họp, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng việc di dời ga Nha Trang cần nghiên cứu kỹ vì hiện năng lực vận tải nhà ga này vẫn đảm bảo nhu cầu vận chuyển trên tuyến, không bị quá tải. Hơn nữa, việc di dời sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật và hoạt động của các đơn vị đường sắt liên quan trong khu ga.
Mặt khác, ga hành khách Nha Trang nên ở khu vực trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho hành khách đi tàu thì mới phát triển được vận tải đường sắt. Nếu di dời toàn bộ ga Nha Trang lên Vĩnh Trung cần phải có phương án giao thông kết nối từ nhà ga mới về khu vực trung tâm. Việc di dời đòi hỏi số kinh phí rất lớn vì không chỉ đầu tư phần hạ tầng phục vụ trực tiếp chạy tàu mà còn cả hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị đường sắt liên quan trong khu ga. Trong khu vực đường ray vòng hiện còn có nhiều cư dân sinh sống xen kẽ, sẽ rất khó khăn nếu muốn đền bù giải phóng mặt bằng lấy lại quỹ đất, khai thác.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc tháo dỡ cũng như đầu tư, cải tạo hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ. Dù vậy, ông Thể đồng ý để phía Tuấn Dung nghiên cứu tiền khả thi dự án và kinh phí do doanh nghiệp tự bỏ ra. Theo đó cần phải nghiên cứu kỹ các vấn đề như toàn bộ quỹ đất ga Nha Trang sau khi di dời nhà ga sẽ được sử dụng vào mục đích gì, có phù hợp với quy hoạch thành phố không, chi tiết về phương án tài chính, tính khả thi của dự án; phải xin ý kiến của TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, lấy ý kiến của người dân… Bộ GTVT sẽ thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi trình Chính phủ xem xét cho ý kiến.
Ông cũng lưu ý nếu được thông qua chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư cũng phải tham gia đấu thầu theo luật định
Được biết, Công ty TNHH Tập đoàn Tuấn Dung có địa chỉ tại thôn 9, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, có mã số thuế 0101583710 được cấp vào ngày 20.12.2004. Tuấn Dung tự giới thiệu là một tập đoàn đa ngành nghề như bất động sản, sản xuất gỗ công nghiệp, xây dựng, đồ may mặc, vận tải...
Một chứng tích lịch sử - Một kiến trúc độc đáo
Ga Nha Trang là một nhà ga chính trên tuyến đường sắt Bắc Nam, được khánh thành ngày 2.9.1936. Đây là nơi chứng kiến nhân dân Khánh Hòa đứng lên đấu tranh, nố súng chống thực dân Pháp rạng sáng ngày 23.10.1945. Ngày nay, nhà ga vừa là một di tích lịch sử vừa giữ được kiến trúc độc đáo thời Pháp. Với sự hài hòa, khoáng đạt, độc đáo của cảnh quan kiến trúc, ga Nha Trang được coi là ga đẹp thứ nhì Đông Dương, chỉ sau ga Đà Lạt.
Cũng liên quan đến các nhà ga ngành đường sắt ở Việt Nam thì trước đó, dư luận đã xôn xao việc khu đất thuộc Trạm vật tư đường sắt Dĩ An (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được tháo rời đường ray, san mặt bằng và đã phân lô bán nền. Còn đề xuất xây khu tổ hợp cao 70 tần tại khu đất thuộc ga Hà Nội cũng gặp phản ứng dữ dội của dư luận.
A.T.T tổng hợp từ báo Giao Thông, TPO, VNE