Sản phẩm nhận được không có nhãn/mác, hoặc ghi sản xuất tại Trung Quốc dù quảng cáo là hàng do Mỹ, Nhật sản xuất, là tình trạng chung của nhiều người tiêu dùng trong thời kỳ mà hình thức mua sắm trực tuyến đang phát triển như hiện nay.

Mua sắm trực tuyến dễ mua phải hàng Trung Quốc dù quảng cáo là hàng Nhật

tuyetnhung | 17/04/2017, 13:38

Sản phẩm nhận được không có nhãn/mác, hoặc ghi sản xuất tại Trung Quốc dù quảng cáo là hàng do Mỹ, Nhật sản xuất, là tình trạng chung của nhiều người tiêu dùng trong thời kỳ mà hình thức mua sắm trực tuyến đang phát triển như hiện nay.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ mua sắm trực tuyến từ mức chiếm 37% vào năm 2014 đã tăng lên 50% vào năm 2015, xét về các hình thức mua sắm.

Con số ấn tượng này bắt nguồn từ những ưu điểm rất riêng biệt của mua hàng trực tuyến như: Người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau: trang web, mạng xã hội (Facebook, Instagram…). Đặc biệt, có những trang web cung cấp dịch vụ so sánh giá sản phẩm từ các trang web khác đã hỗ trợ người tiêu dùng rất tốt trong việc mua hàng qua mạng.

Hình thức trực tuyến cung cấp rất đa dạng các loại sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là mặt hàng quần áo, đồ điện tử, đồ chơi, mỹ phẩm. Hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử cho phép khách hàng đánh giá sản phẩm sau khi mua. Vì thế, người tiêu dùng có thể tìm hiểu về sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định mua. Không những vậy còn tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, mua hàng trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng: Khác với hình thức mua sắm truyền thống (người tiêu dùng có thể nhìn, cầm, đánh giá trực tiếp sản phẩm), mua sắm trực tuyến hạn chế người tiêu dùng trong việc đánh giá sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng – thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận các thông tin về an toàn/cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua thiết bị có màn hình nhỏ như điện thoại. Trong một số trường hợp, người tiêu dùng thậm chí bỏ qua phần điều kiện và điều khoản vì màn hình quá nhỏ, trong khiphần này bao gồm những nội dung rất quan trọng liên quan đến đổi - trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành...

Kênh phân phối cũng là một vấn đề đối với mua hàng trực tuyến. Với hình thức mua sắm truyền thống, hàng hóa được phân phối đến cửa hàng, còn với mua sắm trực tuyến, hàng hóa lại được phân phối qua các sàn giao dịch điện tử, trang web đấu giá, mạng xã hội - người tiêu dùng rất khó xác định nhà sản xuất, nhà phân phối.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý sản phẩm không an toàn. Tình trạng này không chỉ xảy ra với sản phẩm mới, mà còn rất phổ biến ở những sản phẩm đã qua sử dụng

Theo OECD, mua hàng từ các cá nhân qua mạng xã hội thậm chí còn tồn tại nhiều rủi ro hơn. Trong một số trường hợp phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng cho biết không thể liên hệ được với cá nhân qua điện thoại/địa chỉ được cung cấp.

Thậm chí, tại các quốc gia phát triển với nền thương mại điện tử được coi là an toàn như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn có thể mua phải hàng giả, hàng không đạt chuẩn với tỉ lệ 19%ở Trung Quốc và 11% ở Nhật Bản.

OECD cũng thống kê tỷ lệ người tiêu dùng mua phải sản phẩm bị cấm/bị thu hồi khi mua sắm tại sàn thương mại điện tử cao hơn tại trang web của các công ty. Đặc biệt, tỷ lệ mua phải sản phẩm không đạt chuẩn an toàn khi mua tại trang web của công ty cao hơn sàn thương mại điện tử (tương đương 50% và 58%).

Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Các sàn thương mại điện tử cung cấp các mặt hàng rất đa dạng cùng hình thức thanh toán linh hoạt, phong phú, cho phép người tiêu dùng mua sắm trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Tuy nhiên, theo dữ liệu khiếu nại trong năm 2016 và quý 1/2017 của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên.

Các vấn đề điển hình thường bị phản ánh, khiếu nại như: giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, hủy đơn hàng không lý do - người tiêu dùng phải đặt lại với giá cao hơn thời điểm trước; Sản phẩm không có nhãn mác/nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc mặc dù quảng cáo là hàng Mỹ/Nhật Bản, không cung cấp hóa đơn; voucher không thể sử dụng mặc dù vẫn còn hạn...

5 điều cần lưu ý khi mua sắm trực tuyến

Quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang diễn ra rất phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chủ động của người tiêu dùng trong việc tìm hiểu, cơ quan này cho rằng việc nâng cao nhận thức cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Theo đó để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến nghị người tiêu dùng những nội sung như sau:

1.Nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận...

2.Tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua: người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng;

3.Cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh... Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng;

4.Cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình;

5.Cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty, theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa.

Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra. Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm.

Tuyết Nhung
Bài liên quan
Cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến trong đợt giảm giá Black Friday
Lợi dụng thời điểm ngày hội mua sắm Black Friday cận kề diễn ra, kẻ xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn email và các trang web giả mạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
23 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua sắm trực tuyến dễ mua phải hàng Trung Quốc dù quảng cáo là hàng Nhật