Chiếc xe công nông đi chầm chậm qua đoạn đường dốc, hai bên những đồi café còn chìm trong màn sương trắng. Khí lạnh bắt đầu len lỏi vào trong lớp áo len mỏng manh của Thư. Có vẻ như cao nguyên này vẫn chưa thức giấc. 

Mùa thương nhớ

Một Thế Giới | 24/12/2013, 21:00

Chiếc xe công nông đi chầm chậm qua đoạn đường dốc, hai bên những đồi café còn chìm trong màn sương trắng. Khí lạnh bắt đầu len lỏi vào trong lớp áo len mỏng manh của Thư. Có vẻ như cao nguyên này vẫn chưa thức giấc. 

Chưa có ánh nắng mặt trời. Bụi nhè nhẹ gợn lên phía sau đuôi xe. Nó làm Thư nhớ quá mùa hè xanh 2 năm trước ở Dakrmang. Hồi ấy đám bạn sinh viên bảo “Là sinh viên, có 2 điều ý nghĩa là ở kí túc xá và đi mùa hè xanh, bỏ qua 2 cái ấy thì mất nửa đời sinh viên”.

Thế là Thư hăm hở đăng kí đi mặt trận xa nhất trên Đắc Nông. Và cô gặp Hải ở đó. Hải chín chắn và đáng tin cậy. Hải là đội trưởng mặt trận này. Lúc mới gặp Hải, đám bạn xúm xít bu quanh anh như thần tượng. Còn Thư thấy chẳng có lí do gì để vây lấy anh, dù sao giữa gần trăm chiến sĩ ở mặt trận này, Thư chẳng có gì nổi bật ngoài tính đanh đá.

Thế mà có lẽ vì cái vẻ dửng dưng, thờ ơ của Thư làm Hải cảm thấy bị thử thách. Anh chú ý cô hơn. Có sáng đoàn đi chuyển bằng xe đạp anh sẽ là người chở Thư, đi bộ anh sẽ thỉnh thoảng quay đầu nhìn Thư. Rồi trong cái chiều chập choạng làm đường trở về, chiếc xe công nông cho cả đội đi nhờ, chen chúc đu bám lấy thành xe, anh nắm tay cô thật chặt.

Giờ thì trên chiếc xe ấy, con đường đất đỏ ấy chỉ có mình Thư và anh lái xe. Lúc Thư xuống xe ở ngã 3 đường quốc lộ là gần 5h sáng. Trên cao nguyên trời vẫn tối như mực. Vài chiếc xe khách đường dài vun vút chạy qua.

Ngại gọi cho anh Lâm- người anh họ đã căn dặn cô lên đến nơi gọi anh ra đón vì thấy còn sớm quá, cô quyết định ngồi vào mái hiên quán bên trong con đường đất chờ cho trời sáng thêm chút nữa. Mới sáng hôm qua khi đi làm, sếp cô bảo cô nên nghỉ đi đâu đó, 12 ngày phép của cô chưa sử dụng ngày nào mà gần hết năm rồi, chẳng để dành được.

Mỉm cười cô bảo còn chạy tiếp được. Sếp cô là một chú già đầu hói, lúc nào cũng gườm gườm nhưng cực kì thương những đứa trâu bò như Thư, lăn ra đi không mệt mỏi. Ông nhất quyết bảo nghỉ đi mà tìm cảm hứng, chứ công tác mãi người già đi không lấy được chồng. Ông biết chuyện của Thư.

Thế là cô thu gom mấy bộ đồ, áo lạnh nhét vào ba lô lên xe về nhà bác ở Đắc Nông. Ông anh họ cười bảo lên mà hái café anh trả lương cho. Tây Nguyên đang mùa café chín đỏ, mùa hoa dã quỳ vàng xao xuyến. Đã lâu cô không còn những chuyến đi xa với bạn bè theo kiểu ngẫu hứng thích là đi. Hồi đó có thể chạy xe máy mấy trăm km, có thể leo núi đến khi chân không còn cảm giác. Đúng là ai cũng có một thời tuổi trẻ.

Đang mải mê suy nghĩ thì một chiếc công nông đi ngang qua dừng lại. Người lái xe vẫn bật đèn, kéo chiếc nón vành rộng xuống nhìn cô “Muốn quá giang không cô bạn? Tôi đi Tân Hà đây”. Nhìn vẻ hiền lành của anh ta cùng với chiếc xe công nông chứ không phải xe máy, cô ngập ngừng rồi nhảy lên thùng xe phía sau, ngồi vắt vẻo trên thành xe. Người thanh niên cho xe đi chậm, phá tan sự yên lặng trước.

-         Này, sao cô lại dễ dàng nhận lời mời của tôi thế, không sợ tôi làm gì cô à?

-         Chứ không phải anh mong tôi nhận lời sao? Tôi hiểu nhầm ý anh à?- Thư không vừa đáp lại.

-         Gan quá, không ai đón cô à? Cô đi một mình sao? Có quen ai ở đây không?

-         Lẽ ra là có người đón, nhưng giờ thì có anh đón rồi, hiện tại tôi và anh được tính là hai người và tôi cũng mới quen anh.

Anh thanh niên bật cười với kiểu đáp trẻ con và hơi trêu tức của cô và không hỏi nữa. Thấy mình hơi vô lễ, dù sao cũng đang đi nhờ xe và anh ta nhìn có vẻ lớn tuổi hơn cô nên cô tìm cách bắt chuyện lại.

-         Anh làm lái xe à?

-         ừm. tôi chở cà phê cho nông trường.

-         sao lái sớm thế? Cũng mới có hơn 5h sáng?

-         À, hôm nay phải chở trong tận Tân Hà nên phải đi sớm hơn, mấy bữa trước mưa, hôm nay nắng tranh thủ chở ra.

-         Sao anh không hỏi gì tôi nữa?

-         Sợ cô trả lời như lúc nãy tôi không nói lại.

-         Tôi xin lỗi, anh đừng để bụng.

-         Không sao, tôi không để ý khi người khác có tâm trạng không tốt. Đói không? Tôi có bánh mì. Đi xe cả đêm chắc đói.

Không đợi Thư gật đầu hay phản đối anh đứa cho cô túi bánh treo phía trước.

-         Cô cứ ăn đi, tôi chưa đói.

Thế là từ đó cả hai lại im lặng. Thư vừa ăn bánh mì, lâu lâu lại lén nhìn sang phía anh ta. Có lẽ trạc tuổi Hải, nhưng không trắng trẻo thư sinh như Hải, anh chàng này có vẻ từng trải nắng gió. Có lẽ là vì lao động lâu dưới nắng gió cao nguyên.

Cô nhớ đến Hải. Khi cô ra trường, anh lo sẵn cho cô một chân trong văn phòng của anh. Bạn bè, gia đình đều bảo cô có số hưởng, người yêu lo cho từng tí. Cô đi làm được một tháng và cảm thấy mình đang sống một thế giới không phải của mình, ngoại trừ niềm vui mỗi ngày đều cùng anh ở cùng một chỗ.

Cô nói với anh sẽ tìm công việc khác, trở về với cái đam mê đi khắp nơi của cô. Và hai người xa nhau từ đó. Xa là xa vậy thôi chứ có hận gì, có đau gì đứt ruột cắt gan đâu. Chỉ là cái nỗi đau mơ hồ từ gánh nặng cơm áo gạo tiền rời bỏ khát khao tuổi trẻ, lý tưởng, nhiệt huyết một thời sinh viên trôi tuột làm người ta hoang mang, trượt dài.

-         Cô đi chơi hay sao?

-         Tôi à? Đi chơi thôi. Anh tôi bảo lên hái café mướn, trên này thiếu người. Với lại nghe nói đang mùa hoa dại.

-         Mơ mộng thật, đúng là sinh viên.

-         Hả? anh bảo sao?

-         Có gì đâu, cô xuống Tân Hà à? Tới rồi này, nhà nào đây?

-         Để tôi nhìn xem, kia, nhà bác tôi là cái nhà có hàng cây bơ cao kia kìa

-         À, ra nhà này à. Chào cô nhé, hẹn gặp lại.

Nói rồi anh ta đánh xe đi chẳng thèm ngoái nhìn Thư. Cô cứ nghĩ sẽ có màn hỏi tên, số điện thoại gì đó chứ. Cô thoáng chạnh lòng nghĩ tới dung nhan mình dạo gần đây bị đám bạn  gái thân chê không ngớt lời. Cô tặc lưỡi, có dưỡng mấy thì đi tỉnh một chuyến quay vài cái đề tài ở sông ở biển là đâu lại vào đấy.

Anh họ cô trợn mắt khi nhìn cô bước vào nhà và hai bác bắt đầu càm ràm anh vì không đón cô, càm ràm cô vì giám liều đi nhờ xe người lạ. Phải mà cô còn nhỏ chắc sẽ bị dọa là người dân tộc sẽ bắt bỏ vào gùi đem đi bán.

Hóa ra mấy hôm nay mưa, hôm nay trời trong xanh nên cả nhà sẽ ra rẫy café hái cho kịp mùa cà. Anh Lâm và hai bác bảo cô ở nhà ngủ cho lại sức nhưng cô nói dối bảo là ngủ cả đêm trên xe rồi, giờ chỉ muốn ra rẫy cà với mọi người cho vui. Anh Lâm chụp cái nón rộng vành lên đầu Thư rồi trêu:

-         Ra rẫy cà là phải hái đầy bao mới cho nghỉ, không là trưa bắt nhịn đói. Mà anh nói trước, ra đấy bọn con trai nó trêu cho thì cấm khóc lóc gọi anh mày.

Bác nhìn hai anh em bảo:

-         Chỉ được cái trêu em là giỏi, con ra ngoài ấy chơi với mọi người thôi được rồi, hái cà về tay chân xước ra, con gái phải biết dưỡng da chứ.

-         Hê hê, mẹ ơi, da tay chân cái Thư như đàn ông ấy, dày lắm, đố gai nào cào xước, nhỉ?

Bị anh Lâm nói xoáy, Thư vẫn không tài nào nhịn cười được. Ngày trước khi nhà anh chưa sang đây trồng cà, cô và anh thân nhau lắm. Nhà bác không có con gái nên ai cũng quý Thư, anh Lâm coi cô như em gái ruột.

Hồi còn nhỏ, Thư như búp bê, bố mẹ bảo không được nuông chiều, sợ sau này Thư yếu đuối, tiểu thư. Mà đúng thật, cô tiểu thư cho đến tận lúc học đại học, xa nhà, làm quen với môi trường mới, tập tành làm thêm, thân với những đứa bạn sớm phải bươn chải lo kiếm sống và thay đổi rất nhiều. Trên đường ra rẫy, anh Lâm hỏi nhỏ:

-         Nói thật nhá, nhìn em tàn hơn năm ngoái. Thất tình thôi mà kinh thế á. Ở đây nửa tháng nhá, anh có mấy thằng bạn hay lắm.

-         Hứ, hay thế nào, có hay bằng anh không? Nhiều café bằng anh không? Tán gái siêu như anh không?

-         À ờ, cũng gần bằng, anh nói thật đấy, em cũng 25 rồi chứ ít gì, tuổi đẹp nhất của đời con gái đấy.

Thư phải nghe bài ca của anh Lâm tới rẫy café. Đến nơi anh giới thiệu Thư với mấy anh chị cùng làm. Tính Thư cũng khá hòa đồng nên lúc nghe mọi người nói chuyện rồi cười góp vui, lúc lại thắc mắc vài câu. Mấy cô, mấy chị ở đây nói mãi chẳng nhết chuyện. Có ai đó đổi chủ đề:

-         Sao hôm nay chú kĩ sư chưa tới nhỉ?

-        Tuyết làm gì đã mong chú rồi?- tiếng một cô xen vào

-         Người gì như thầy chùa, con gái đẹp cũng không ngó tới- một cô khác vừa nói vừa cười

-         Thế mà có đứa lại cứ thích chú  ấy chứ. À, hôm nay có con bé này mới này, bảo nó trêu chú ấy tí.

Bỗng các chị ấy im bặt nhìn nhau. Ra là “chú ấy” đang đến. Thư cũng vén mấy cành cà phê lòa xòa ló đầu ra xem. Không thể tin vào mắt mình, anh chàng thanh niên lái xe công nông ban sáng đây mà. Thư cứ đứng thế nhìn chằm chằm anh ta.

-         Xuống thăm rẫy mới hả chú ơi!

-         Chào các cô, hôm nay nắng hái tích cực quá- anh quay đầu nhoẻn cười.

Thấy Thư, anh khẽ gật đầu rồi chào mọi người qua khu rẫy mới trồng hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc. Thư nghe mọi người bảo anh là kĩ sư nông nghiệp lên đây làm được mấy năm rồi. Tốt tính mỗi tội như ông già. Thư nghĩ thầm “Anh ta mồm mép thế mà ông già chỗ nào?”.

Giờ giải lao, mọi người quay quanh gốc cây bơ to giữa rẫy uống nước. Thư đang loay hoay cố nghiêng thùng nước qua thì anh đưa Thư chiếc cốc và đỡ lấy chiếc bình.

-         Chào cô nhà báo!

-         Chào anh kĩ sư! Thế mà anh bảo là anh lái xe.

-         Tôi không nói nhé, cô chỉ hỏi anh làm lái xe à, tô bảo tôi đi chở cà phê. Còn cô cũng không phải sinh viên, chúng ta huề nhé.

-         Tôi đâu có nói tôi là sinh viên, tự anh gọi thế, anh có hỏi tôi làm gì đâu. Huề thế nào được.

-         Được, tôi thua cô vậy, buổi tối café phố núi thế nào?

-         Tôi hỏi ý kiến anh tôi đã.

-         Lâm à, tôi nói cậu ta rồi, chiến hữu của tôi đấy. Thế nhé, tối cậu ấy chở cô ra

Một tuần ở đây, anh Lâm bận rộn với lịch hẹn hò cùng bà chị dâu tương lai. Người ta nói không sai, mỗi người đàn ông dù trăng hoa đến đâu sẽ gặp đúng một người khiến người đó chịu thua, cảm giác thất bại. Chắc anh Lâm đã gặp được đúng người như thế.

Nghiễm nhiên, Huy trở thành bạn của cô giữa cao nguyên này. Lúc thì café, lúc khoai nướng, bắp nướng lúc chỉ đơn giản là dẫn Thư đi loanh quanh qua những đồi café cuối vụ tìm cánh đồng hoa cỏ dại bông trắng muốt.

Hết mùa café, những quả đồi này sẽ được phủ bởi màu xanh mướt của bắp cải. Mùa nào thức nấy, mảnh đất màu mỡ này lúc nào cũng bận rộn bởi bàn tay con người. Những người như anh Lâm, như Huy, như rất nhiều người thanh niên trẻ trung mà Thư gặp, họ chọn cuộc sống gắn với mảnh đất này.

Ở cái đất mà đi mấy cây số chẳng gặp nổi một quán café , buổi tối 8h đi ra đường không thấy bóng người, họ vẫn vui vẻ. Chị dâu tương lai của Thư ít hơn cô 2 tuổi, từ nhỏ tới lớn chưa từng đặt chân đến Sài Gòn, cũng chưa từng đi đâu xa ra khỏi huyện. Anh Lâm bảo cuối năm sẽ chở chị đi Sài Gòn chơi vài ngày cho biết.

Cũng chỉ là để biết thôi, chứ chẳng bao giờ anh chị nghĩ sẽ rời khỏi nơi này. Mỗi mảnh đất đều là cái duyên của mỗi người.

Tối, Huy chở cô ra xe về lại Sài Gòn. Ngồi sau xe anh cô bỗng muốn hỏi câu hỏi đã ấp ủ từ lâu:

-         Sao anh lại chọn nơi này để lập nghiệp?

-         Thực ra lúc ấy anh không có sự lựa chọn nhiều. Lúc ấy anh nghĩ được phân đi đâu anh sẽ đi, càng xa càng tốt. Cuối cùng cũng không xa lắm. Có thể đây là may mắn. Sài Gòn hình như không thích hợp cho người già như anh.

-         Vậy Sài Gòn thích hợp cho ai?

-         Cho những người như em đấy…

Thư định hỏi tại sao rồi lại thôi. Hai người im lặng. Càng về đêm trời càng lạnh. Cái lạnh ban đêm khác hẳn cái se se lạnh buổi sáng. Ra đến ngã ba đường quốc lộ, Huy đưa cho Thư áo khoác của anh và nói tỉnh bơ:

-         Nếu em không muốn trở thành con mèo hen đáng thương nằm bẹp một đống khi trở lại Sài Gòn thì hãy nhận lấy. Anh biết em ngại nhưng nếu em nghĩ anh đang có ý đồ gì với em thì hãy cứ nghĩ như vậy đi.

-         Em sẽ nhận, và nếu anh nghĩ em sẽ giữ chiếc áo này của anh không bao giờ trả thì cứ nghĩ như vậy đi.

Cuộc chia tay diễn ra trong tiếng cười của cả hai. Nhưng lên xe rồi ngoái nhìn lại qua cửa kính thấy anh đứng đó mới cảm nhận một chút mất mát không rõ ràng. Thư rụt đầu vào trong áo khoác ấm áp của anh, bỏ tay vào túi áo nắm chặt. Mảnh giấy gấp tư đã nằm đó từ bao giờ. Anh đã viết cho cô ư?

“ Em là cô gái  mạnh mẽ. Em thích hợp với nhịp sống nhanh của Sài Gòn. Chỉ là sẽ có những lúc em mệt mỏi và cần lấy lại thăng bằng mà thôi. Mỗi người đều có một lựa chọn và những lí do. Nếu đã lựa chọn rồi thì đừng hoang mang khi so sánh với lựa chọn của một ai khác. Chỉ cần biết rằng ngoài Sài Gòn em vẫn còn có nơi gọi là nhà để trở về bất cứ lúc nào và có một vùng đất, một người luôn chờ em đến.

Chào em, cô gái đanh đá!”

Ngoái lại phía sau, Đắc Nông chìm trong màn đêm đen. Thư khẽ kéo ô kính nhỏ hé mở, một chút khí lạnh tràn vào. Nắm tờ giấy trong tay, cô cảm nhận có một chút ấm áp đang nhảy nhót. Tạm biệt Đắc Nông, cao nguyên đầy nắng ấm.

Huyền Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa thương nhớ