Lầu Năm Góc khẳng định chưa đưa ra quyết định liên quan tới việc chuyển giao Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 29.6 tại Washington, người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Patrick Ryder nói rằng ông không có thông tin gì liên quan về khả năng Mỹ sắp chuyển giao ATACMS cho Ukraine.
“Tôi không có bất kỳ điều gì để bình luận xoay quanh vấn đề chuyển giao ATACMS cho Ukraine. Bản thân tôi chắc chắn không nắm được bất kỳ quyết định nào được đưa ra liên quan tới loại vũ khí này”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Ryder.
Tuyên bố của Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn nguồn thạo tin từ các quan chức Mỹ và châu Âu tiết lộ, Washington đang xem xét tăng cường khả năng cho quân đội Ukraine bằng việc gửi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Kyiv.
Theo WSJ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho rằng, phải khẩn trương hỗ trợ Ukraine vì Kyiv hiện chưa đạt được nhiều lợi thế trên thực địa sau nhiều tuần phản công.
Được biết, hệ thống ATACMS có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 300km và có thể tới các cơ sở sâu bên trong lãnh thổ Nga. ATACMS cũng có thể được tích hợp với bệ phóng HIMARS (do Mỹ sản xuất) đã được Washington cung cấp cho Kyiv trước đó.
Dù phía Ukraine đang "khẩn thiết" yêu cầu nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa cung cấp các loại vũ khí tầm xa hơn cho quốc gia này do lo ngại về khả năng leo thang chiến sự hơn với Nga.
Hồi tháng 7 năm ngoái, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh rằng, Washington sẽ "không bao giờ" cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí như vậy vì có thể kích động một cuộc xung đột lớn hơn nếu được sử dụng để tấn công Nga.
WSJ cho biết, giới chức châu Âu hiện gây sức ép riêng với Washington về sự cần thiết của các hệ thống tên lửa tầm xa. Họ hy vọng Mỹ sẽ đảo ngược hướng đi này tương tự như các loại vũ khí khác, bao gồm xe tăng Abrams và bệ phóng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine nói với WSJ rằng Kyiv đã nhận được những dấu hiệu tích cực trong những tuần gần đây về việc chuyên giao hệ thống ATACMS.
Đầu tháng này, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính quyền Biden cung cấp ATACMS cho Ukraine, gây áp lực lên Nhà Trắng và Lầu Năm Góc để cung cấp vũ khí.
Mỹ cũng đã công khai nói rằng họ tiếp tục xem xét sự hỗ trợ của mình đối với Ukraine dựa trên động lực chiến trường, nhưng các quan chức chính quyền Biden cho đến nay vẫn khẳng định ATACMS vẫn chưa được thảo luận như hai tháng trước.
Quân đội Mỹ sẽ không hiện diện ở Ukraine
Trong cuộc họp báo hôm 29.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói, Tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định gửi quân đến Ukraine.
“Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng quân đội Mỹ sẽ không tham chiến ở Ukraine”, ông Miller nói.
Khi được hỏi Mỹ liệu ủng hộ đề xuất của cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen về việc Ba Lan và các quốc gia Baltic trong khối NATO đơn phương triển khai quân đến Ukraine, ông Miller đã không đưa ra bình luận về vấn đề này.
Theo RT, dù khẳng định không gửi quân đến tham chiến tại Ukraine song Lầu Năm Góc từng thừa nhận rằng đã triển khai một số binh sĩ đến Kiev để bảo vệ các cơ quan ngoại giao và kiểm tra chương trình viện trợ.
Trước đó, các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ hồi tháng 4 tiết lộ 14 thành viên lực lượng đặc biệt Mỹ đã được triển khai tại Ukraine vào giữa tháng 3.2023, cùng với 50 đặc nhiệm đến từ Anh.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 29.6 cho biết, có tới "20 lính đánh thuê nước ngoài và cố vấn quân sự" đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ tạm thời của quân đội Ukraine ở thành phố Kramatorsk, vùng Donbass hôm 27.6.