Ngày 21.3, Mỹ thông báo trừng phạt hai công ty vận tải Trung Quốc vì giúp CHDCND Triều Tiên trốn tránh trừng phạt.
Với trừng phạt trên thì giao dịch của công ty TNHH Hải Bác (thành phố Đại Liên) và công ty TNHH Đan Hưng (tỉnh Liêu Ninh) qua Mỹ sẽ bị cấm, tài sản tại Mỹ nếu có cũng bị phong tỏa.
Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Hải Bác có làm ăn với Paeksol – doanh nghiệp vốn đã chịu trừng phạt từ Mỹ. Còn phía Đan Hưng bị cáo buộc“thường xuyên dùng chiêu trò” hỗ trợ quan chức Triều Tiên mua hàng hóa ở châu Âu.
Ngoài hai thực thể Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố danh sách cập nhật 67 tàu có tham gia hoạt động chuyển dầu mỏ tinh chế cho Triều Tiên, hoặc giúp quốc gia Đông Bắc Á xuất khẩu than đá.
Theo phía Mỹ, chiến thuật mà Triều Tiên thường dùng để trốn tránh bao gồm thao túng/ vô hiệu hóa hệ thống nhận dạng tự động, thay đổi cấu trúc tàu, giao dịch trên biển, làm sai lệch bản chấthàng hóa.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 21.3 phát biểu về trừng phạt mới nhất: “Mỹ cùng các đối tác quyết đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên toàn diện, có thể kiểm chứng. Chúng tôi tin rằng phải thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới đem lại kết quả thành công”
Động thái chính quyền Washington vừa thực hiện là trừng phạt đầu tiên mà họ ban hành nhằm vào Triều Tiên, sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un kết thúc mà không có thỏa thuận gì do bất đồng về nới lỏng cấm vận Triều Tiên sao cho tương ứng với các bước giải trừ hạt nhân mà nước này tiến hành.
Mỹ là quốc gia dẫn đầu nỗ lực trừng phạt quốc tế hòng buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, có dấu hiệu trừng phạt có lỗ hổng.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong năm 2018, quốc gia Đông Bắc Á tiếp nhận ít nhất 263 tàu chở dầu. Nếu tất cả tàu đầy tải thì họ có được 3,78 triệu thùng dầu – gấp gần 8 lần mức Liên Hợp Quốc cho phép (500.000 thùng/ năm).
Cẩm Bình (theo Reuters)