Trong bài công bố hôm 23.12 trên tờ Foreign Affairs (Mỹ), tác giả Lina Benabdallah tại Đại học Wake Forest đã chỉ ra thiếu sót lớn của Mỹ trong xây dựng chính sách đối trọng với Trung Quốc ở châu Phi.

Mỹ đang bỏ quên việc Trung Quốc xây dựng sức mạnh mềm ở châu Phi

Đoàn Thanh | 01/01/2022, 07:08

Trong bài công bố hôm 23.12 trên tờ Foreign Affairs (Mỹ), tác giả Lina Benabdallah tại Đại học Wake Forest đã chỉ ra thiếu sót lớn của Mỹ trong xây dựng chính sách đối trọng với Trung Quốc ở châu Phi.

trung-quoc-chau-phi.jpg
Đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Dar es Salaam, Tanzania vào tháng 3.2013 - Ảnh: Internet

Khi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ xem xét ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi, họ thường nghĩ đến các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tốn kém từ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Trong hai thập kỷ qua Bắc Kinh đã chi hàng tỉ USD để xây dựng các con đập, đường sá, đường sắt và cảng ở nhiều quốc gia từ Ai Cập đến Nam Phi.

Nhưng những dự án này chỉ là một phần trong câu chuyện châu Phi của Trung Quốc. Ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi không ngừng gia tăng không chỉ ở “Sáng kiến Vành đai và Con đường” với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, mà còn thông qua đầu tư vào nền tảng xã hội và con người. Từ đầu thế kỷ này Trung Quốc đã tập trung xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo, tổ chức chính trị và cơ sở giáo dục của hầu hết các nước châu Phi có quan hệ ngoại giao với họ. Trong bối cảnh quan hệ giữa các nước phương Tây và châu Phi mờ nhạt thì Trung Quốc đã bổ sung vào khoảng trống.

“Vành đai và Con đường” chỉ là một phần của câu chuyện Trung Quốc

Nhiều quan chức và chuyên gia chính sách của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các khoản cho vay, đầu tư và các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên khắp thế giới. Đáp lại, tại cuộc họp G7 vào tháng 6.2021 chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã công bố sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (Build Back Better World, B3W), đây là dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu được thiết kế để cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở nam bán cầu. Sáng kiến B3W này nhằm mục đích vượt qua Bắc Kinh bằng cách cung cấp các dự án đầu tư thay thế để thu hút các nước chọn Mỹ thay vì Trung Quốc là đối tác ưu tiên.

Nhưng sáng kiến của Mỹ cho thấy giới hạn của Mỹ trong đánh giá về vai trò toàn cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, mà còn đầu tư rất nhiều trong phát triển các mối quan hệ riêng tư với giới tinh hoa của nhiều nước châu Phi trong các lĩnh vực giáo dục, chính trị, an ninh, kinh doanh. Tính đến năm 2018 có hơn 80.000 sinh viên châu Phi đang học tập tại Trung Quốc, trong khi vào năm 2003 chỉ chưa đầy 2.000. Những học bổng được cung cấp cho sinh viên châu Phi để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài, đồng thời cho sinh viên thấy câu chuyện thành công về sự phát triển của Trung Quốc.

Ngoài ra, từ năm 2018 Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc cho các quan chức chính phủ và các tùy viên quốc phòng châu Phi đến thăm Trung Quốc hàng năm. Các phái đoàn cấp cao từ 50 quốc gia châu Phi tham gia hoạt động hội thảo kéo dài hai tuần ở Trung Quốc và đến thăm các căn cứ của ba đơn vị vũ trang (hải quân, lục quân và không quân) của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhằm hiểu thêm khả năng quân sự của Trung Quốc. Năm 2018 có thêm một diễn biến phát triển mới khi các bên đã đồng ý mở rộng chương trình đào tạo do Trung Quốc cung cấp cho lực lượng gìn giữ hòa bình và cảnh sát châu Phi. Đối với Trung Quốc, những quan hệ quân sự mới này thể hiện khoản đầu tư quan trọng vào tương lai của nền ngoại giao Trung Quốc. Nếu được vun đắp phù hợp, một mạng lưới như vậy giúp thúc đẩy tin tưởng giữa quân đội Trung Quốc và châu Phi, đồng thời cũng là tiềm năng của các giao dịch vũ khí sinh lợi.

Nhưng không chỉ có các chương trình rộng rãi này, Trung Quốc cũng thường tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo cho giới tinh hoa đảng phái chính trị từ khắp lục địa châu Phi. Các khóa trình đó cũng tập trung hướng dẫn cách thức phát triển đảng, sự lãnh đạo của đảng và hoạt động tổ chức chính trị. Thông thường, các dự án như vậy cũng liên quan đến vai trò của công nghệ trong quản trị, tạo cơ hội cho các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp thị sản phẩm.

Bắc Kinh cũng đã tài trợ cho một loạt dự án nghiên cứu chung của Trung Quốc và châu Phi với tham gia của các trường đại học và tổ chức tư vấn, bao gồm hợp tác với các trường học ở 46 quốc gia châu Phi, tiêu biểu như hệ thống Viện Khổng Tử là một mạng lưới trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc. Mục đích của những mối quan hệ đối tác này nhằm tăng cường hiểu biết về văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ Trung Quốc trên khắp lục địa châu Phi. Đối với Bắc Kinh, tài trợ cho các dự án này cũng là một cách để xoay chuyển quan điểm thù địch của phương Tây với mô hình phát triển của Trung Quốc và cải thiện hình ảnh Trung Quốc trên thế giới.

Cuối cùng, và có lẽ đáng chú ý nhất, là vấn đề quan chức Trung Quốc và châu Phi đã khởi xướng một loạt các hoạt động đa phương quan trọng, trong đó có Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC). Diễn đàn này được tổ chức ba năm một lần và là một trong những cuộc họp ngoại giao theo định kỳ mà đối với giới lãnh đạo châu Phi được xem là có quy mô lớn nhất. Chiều ngược lại, Mỹ đã không tổ chức các sự kiện đáng kể tương tự nào kể từ Hội nghị thượng đỉnh nhà lãnh đạo Mỹ-Phi năm 2014 tại Washington của chính quyền Obama.

Cũng như “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”, trọng tâm của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi không chỉ phát triển cơ sở hạ tầng chung và các dự án cho vay. Diễn đàn cũng nhằm phát triển và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ phi chính phủ giữa các nước châu Phi và Trung Quốc. Ví dụ, tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi năm 2018, Bắc Kinh cam kết cung cấp tại châu Phi 50.000 cơ hội đào tạo mới cho các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng, du lịch và cứu trợ thảm họa; công bố kế hoạch hợp tác Đại học Trung Quốc-châu Phi mới; triển khai nhiều chương trình đào tạo cho các nhân viên thực thi pháp luật châu Phi. Bất chấp những hạn chế đi lại phải áp đặt do đại dịch COVID-19, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi năm 2021 tại Senegal cũng đưa ra những cam kết tương tự.

Thành quả gặt hái đầy triển vọng

Nhìn chung các hoạt động đã cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc với lục địa châu Phi gia tăng nhanh chóng. Nỗ lực của Trung Quốc cũng đã gặt hái thành quả. Ngày nay 63% người châu Phi tin rằng ảnh hưởng của Trung Quốc với lục địa châu Phi là “tích cực hơn” hoặc “rất tích cực”; hiện nay ngày càng nhiều quốc gia châu Phi xem mô hình phát triển của Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu, tiêu biểu như Benin, Botswana, Burkina Faso và Mali.

Nhưng ngoài vấn đề mức độ được ưa chuộng, ngoại giao của Trung Quốc tại châu Phi (bao gồm Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi) còn có được một số mục đích quan trọng khác. Trước hết, các hội nghị này được tổ chức tại Trung Quốc đã giới thiệu mô hình phát triển của Bắc Kinh. Nền tảng thương mại điện tử đang bùng nổ của Trung Quốc, cơ sở hạ tầng mới và các ứng dụng công nghệ trong quản trị đều được thể hiện cho những người tham gia. Tự sự về thành công của Trung Quốc sẽ giúp các quan chức xây dựng nên câu chuyện về tăng trưởng kinh tế của nước này có đầy tiềm năng ứng dụng ra thế giới.

Việc thúc đẩy các diễn đàn ngoại giao là cách lý tưởng để quảng bá các sản phẩm, thực tiễn và quy chuẩn của Trung Quốc. Một số quốc gia đã bắt đầu noi gương Bắc Kinh. Nhờ trợ giúp của Trung Quốc mà Nam Phi và Tanzania đã mở các trường đào tạo (trường đảng đào tạo các cán bộ đảng viên tương lai), tiêu biểu như: Học viện Lãnh đạo Julius Nyerere (tên của cố Tổng thống Tanzania) gần Dar es Salaam - thành phố lớn nhất ở Tanzania, hay như ở Nam Phi có trường đào tạo bên ngoài Johannesburg được trợ giúp của Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Các nhà giáo dục được đào tạo ở Trung Quốc còn thành lập Học viện Công nghệ Kampala, một trường đào tạo nghề gần thủ đô Kampala của Uganda.

Nhưng lợi ích mà Trung Quốc có được từ chính sách ngoại giao không chỉ giới hạn ở những thành quả thể chế này. Lời kể của những sinh viên nhận học bổng đến học tại các trường Trung Quốc cho thấy sau khi về nước họ thường nỗ lực cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc. Thông thạo tiếng Quan Thoại là một cách trực tiếp khác: ở các quốc gia không nói tiếng Anh, việc giao tiếp với đồng nghiệp dùng tiếng Trung có thể không dễ dàng. Các công chức có kỹ năng ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa Trung Quốc tự nhiên sẽ thúc đẩy giao tiếp và hợp tác trong các dự án phức tạp.

Mỹ cần nhiều hơn để có thể đối trọng với Trung Quốc tại châu Phi

Ngày nay Mỹ xem thường đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi trong vấn đề vốn xã hội và con người, như vậy là thiếu sót lớn. Trong khi các dự án dạng này đã nhanh chóng trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở châu Phi, trong tương lai sẽ phát huy vai trò rất tốt. Với việc Mỹ và châu Âu giảm số lượng học bổng, thị thực và các chương trình trao đổi cung cấp cho công dân các nước châu Phi, đồng thời còn gia tăng chống nhập cư, những nỗ lực này của Trung Quốc đã đáp ứng tốt hơn sự gia tăng nhu cầu ở châu Phi.

Theo một báo cáo gần đây của UNESCO, trong tổng số học bổng mà công dân châu Phi đi du học có 16% do Trung Quốc tài trợ, khiến Trung Quốc trở thành nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất. Ngay cả trong số các quốc gia thành viên phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ cũng chỉ đứng ở vị trí thứ năm. Nếu Washington thực sự muốn cải thiện quan hệ với lục địa châu Phi thì việc tăng cơ hội giáo dục cho học sinh châu Phi là một khởi đầu tốt.

Nếu sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” của Tổng thống Biden thực sự muốn thay đổi mối quan hệ của Washington với các nước đang phát triển, thì chính phủ Mỹ phải nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng kết nối giữa mọi người. Bất kể hệ tư tưởng của chính phủ như thế nào, các nhà hoạch định chính sách phải nghiêm túc xem xét tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với những công dân bình thường ở châu Phi và các quốc gia khác. Ngược lại, các hoạt động gây chia rẽ, chẳng hạn như Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ, có thể đẩy các quốc gia bị phân biệt hướng theo Trung Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đang bỏ quên việc Trung Quốc xây dựng sức mạnh mềm ở châu Phi