Báo Bưu điện Washington ngày 13.5 nêu Mỹ - Trung Quốc tăng căng thẳng, do TQ xây dựng công trình trên các bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bài báo dẫn lời Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, rằng Mỹ đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến Biển Đông "vì theo tôi, đó là một sự liều mà nước Mỹ phải làm”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama xem ra thất vọng trong vài tháng qua, khi TQ thực hiện chương trình cải tạo đất ồ ạt, xây đường băng và cơ sở quân sự trên biển Đông, một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Nhưng những phản đối của Mỹ đều rơi vào những cái tai điếc (chữ của báo Bưu điện Washington) và các quan chức Mỹ vất vả tìm cách kìm cương TQ thế nào đó để không làm leo thang căng thẳng quân sự lên tới mức độ nguy hiểm, theo các chuyên gia.
Cho đến nay, xem ra Mỹ miễn cưỡng buộc Bắc Kinh phải trả giá về vấn đề này, cũng như ngại gây tổn hại đến mối quan hệ Mỹ - Trung, theo các chuyên gia chính sách đối ngoại.
“ Việc TQ cải tạo đất gây căng thẳng cho khu vực và có nguy cơ buộc khu vực phải quân sự hóa. Các căn cứ của TQ trên các đảo này có thể được dùng để chặn các nước khác sử dụng lãnh hải quốc tế”.
Các chuyên gia cũng nói hoạt động đánh cá, tuần tra, khai thác dầu khí của nhiều nước đều bị đe doạ, nếu TQ sử dụng các căn cứ trên các đảo mới này để tuần tra ráo riết hơn.
Các căn cứ này cũng có thể để TQ áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, theo Chris Johnson của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế: “Quân đội TQ đã nói rõ rằng sẽ có ngày họ tuyên bố lập ADIZ. Vấn đề là khi nào, chứ không phải liệu họ sẽ tuyên bố hay không”.
Thượng nghị sĩ John McCain (đảng Cộng hòa) thuộc nhóm người vận động cho một phản ứng cứng rắn từ phía Mỹ, cụ thể là không mời TQ dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào năm 2016.
Ý tưởng khác là Lầu Năm Góc tính chuyện đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến gần quần đảo Trường Sa, để bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải, và nhấn mạnh rằng Mỹ không chấp nhận tuyên bố độc chiếm biển Đông của TQ.
Bắc Kinh đã nói “cực kỳ quan ngại” chuyện Mỹ tính đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến tuần tra gần quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) trên biển Đông.
Các kế hoạch này chưa được quan chức cấp cao trong chính phủ Obama xem xét, và các quan chức nói chưa có quyết định triển khai quân sự đến các đảo nhân tạo do TQ xây dựng.
Các nhà phân tích quân sự và chính sách đối ngoại ở Bắc Kinh, Washington và Manila nói những hoạt động này không ép được TQ ngưng cải tạo đất hoặc ngưng xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo. Nhưng theo họ, đó là cách phát một thông điệp mạnh mẽ hơn đến Bắc Kinh, cũng là để trấn an các đối tác và đồng minh châu Á rằng chính phủ Mỹ hứa bảo đảm an ninh cho khu vực này.
Ông Storey nói TQ có thể sẽ phản ứng lại, bằng cách cử tàu tuần tra biển sơn trắng ra đương đầu với tàu chiến Mỹ, nhằm vẽ chân dung Mỹ là một kẻ bắt nạt. Ông cũng đề cập nguy cơ tàu chiến Mỹ - TQ thể hiện những động thái hung hăng với nhau.
Năm 2001, một vụ đâm va giữa trời, giữa một máy bay tuần tra Mỹ với một chiến đấu cơ TQ, đã khiến phi công TQ chết và gây căng thẳng giữa hai nước. Năm 2013, tàu chiến Cowpens phải rời khỏi biển Đông khi một tàu chiến TQ phản đối tàu này hoạt động do thám ở hải phận quốc tế.
Tuy nhiên, vài người nói gợi ý của Lầu Năm Góc cũng hay, nhất là khi ngày càng tăng việc không có những hành động cụ thể.