Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell mới đây đã nhận định rằng việc Trung Quốc thao túng sông Mekong là “thách thức cấp bách” với Đông Nam Á và là "xu hướng đáng lo ngại" ở khu vực ASEAN.
Phát biểu trong hội thảo trực tuyến do Viện Hòa bình Mỹ và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore đồng tổ chức hôm 4.9, ông David Stilwell cho biết vấn đề dòng nước là một trong những "xu hướng đáng lo ngại" ở khu vực sông Mekong.
“Một thách thức đặc biệt cấp bách là việc Trung Quốc thao túng các dòng chảy của sông Mekong vì lợi ích riêng của họ, cái giá phải trả sẽ là rất lớn”, ông Stilwell khẳng định và trích dẫn một báo cáo gần đây “đề cập đến việc Bắc Kinh đã thao túng dòng nước dọc theo sông Mekong trong 25 năm, làm gián đoạn trong dòng chảy tự nhiên thông qua việc xây dựng và vận hành đập lớn".
Quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại sông Mekong đã "tàn phá mùa màng và đe dọa an ninh lương thực và nước trong toàn khu vực". “Những điều này tiềm ẩn nguy cơ bất ổn lớn hơn. Mỹ đang làm việc với các nước Mekong, Ủy hội Sông Mekong (MRC) và các đối tác quốc tế để đảm bảo các lời kêu gọi minh bạch dữ liệu nước từ Trung Quốc được phúc đáp”, ông Stilwell nói.
Ông cũng bày tỏ kỳ vọng các nước ASEAN cần tiếp tục sử dụng "tiếng nói tập thể mạnh mẽ" để thúc đẩy lợi ích của mình. “Lựa chọn ở đây là phải cho chủ quyền, cho những lợi ích tốt nhất cho đất nước, người dân và lợi ích quốc tế của họ. Sự lựa chọn ở đây là ủng hộ những quy tắc và chuẩn mực và tiếp tục thực hiện chúng, hoặc có các cách tiếp cận khác đúng đắn hơn”, ông Stilwell nhấn mạnh.
Những bình luận của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương là minh chứng mới nhất cho thấy sông Mekong đã trở thành mặt trận mới trong căng thẳng Mỹ - Trung sau hàng loạt vấn đề liên quan tới COVID-19, Hồng Kông, Biển Đông và Đài Loan...
Trong tuyên bố hôm 3.9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng đối tác Mekong - Mỹ khai mạc với 5 nước hạ nguồn. Ông Stilwell và ông Pompeo đã đưa ra chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Washington trong nhiều diễn đàn công khai trong những tháng gần đây, cũng đưa ra quan điểm của mình về ASEAN.
Thông qua các con đập ở thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc được cho là đang kiểm soát dòng chảy, tích trữ nhiều nước và hạn chế xả ra, gây ra những thay đổi thất thường đối với mực nước ở hạ nguồn, trong đó có tình trạng hạn hán, dẫn đến nguồn cung thủy sản và sinh kế của hàng chục triệu người bị đe dọa nghiêm trọng.
Về phần mình, phía Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc các đập ở nước này khiến mực nước sông Mekong thất thường. Bắc Kinh hồi tháng 2 cũng đã thông báo sẽ xả nước các đập thủy điện của mình trên sông Mekong để giúp các quốc gia vùng hạ lưu sông đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài, đồng thời sẽ xem xét chia sẻ thông tin về thủy văn để hỗ trợ thêm trong tương lai.
Cuối tháng 8, phát biểu trên một diễn đàn do Trung Quốc tổ chức (Hợp tác Mekong - Lan Thương), trong đó có sự tham gia 5 nước Đông Nam Á ở hạ lưu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm của sông Mekong.
Hoàng Vũ (theo SCMP)