Nhà Trắng ngày 3.5 bày tỏ quan ngại với hành động quân sự hóa trên Biển Đông mới nhất của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo quốc gia châu Á sẽ nhận phải hậu quả ngắn lẫn dài hạn.
Đài CNBC một ngày trước trích dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc vừa triển khai hệ thống tên lửa chống hạm YJ-12B và phòng không HQ-9B trên ba cơ sở tại Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép).
Khi được hỏi về thông tin này, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: “Chúng tôi biết về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp bày tỏ quan ngại với họ về việc này, và sẽ có những hậu quả ngắn lẫn dài hạn”.
Theo các nguồn tin của CNBC, các hệ thống tên lửa được Bắc Kinh đưa đến đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn trong vòng 30 ngày trở lại đây. YJ-12B cho phép tấn công các tàu nổi trong phạm vi 295 hải lý (gần 550 km), còn các tên lửa HQ-9B được cho có khả năng nhắm các mục tiêu là máy bay, kể cả máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý (gần 300 km). Nếu được xác thực, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tên lửa đến Trường Sa.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận gì, trong khi Bộ Ngoại giao nước này ngang nhiên tuyên bố hành động triển khai tên lửa chỉ vì “an ninh quốc gia” và không nhằm vào quốc gia nào.
Eric Sayers, cựu cố vấn cho Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, đánh giá hành động triển khai tên lửa là "sự leo thang nghiêm trọng", và phản ứng trước mắt mà Washington có thể thực hiện là hủy bỏ lời mời Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) dự kiến diễn ra vào tháng 7.
Theo ông Eric: “Trung Quốc xem lời mời góp mặt RIMPAC là dấu hiệu cho thấy nước này được công nhận là một trong những cường quốc hàng hải của thế giới, nhưng Bắc Kinh không nên được cho phép quân sự hóa tuyến hàng hải mở này và cũng không nên được tiếp tục xem là thành viên được chào đón của cộng đồng hàng hải”.
Vào tháng trước, Đô đốc Philip Davidson, người được đề cử thay ông Harry Harris giữ chức Tư lệnh PACOM, nhận định Trung Quốc có thể sử dụng “các cơ sở đang hoạt động” trên Biển Đông để thách thức sự hiện diện của Mỹ.
Cẩm Bình (theo Straits Times)