Với mức lương không dưới 35.000 USD/tháng nhưng LĐBĐ Myanmar (MFF) vẫn quyết định chi để có chữ ký của “cáo già” Raddy Avramovic - cựu HLV trưởng tuyển Singapore. Trong khi đó LĐBĐ Việt Nam (VFF) vẫn đang tin tưởng vào “tài” cầm quân của HLV Hoàng Văn Phúc với giá… 100 triệu đồng/tháng.
Mức lương của ông Raddy Avramovic không được các bên tiết lộ, tuy nhiên căn cứ vào mức lương cũ hồi HLV lão luyện này nhận khi còn ở Singapore là 35.000 USD/tháng thì phía MFF chắc chắn phải chi rất đậm.
Ông Raddy Avramovic tuy mang lại những thành công vang dội cho bóng đá Singapore với kỷ lục 3 lần đưa đội bóng đảo quốc Sư tư giành chức vô địch AFF Cup (2004, 2007, 2012) nhưng có nhiều mâu thuẫn với báo chí thể thao Singapore. Vậy nên năm 2012, báo chí thể thao Singapore mới vào cuộc để “moi” ra tin ông Avramovic được LĐBĐ Singapore trả tới 35.000 USD/tháng và rất nhiều đặc quyền khác về nhà cửa, xe hơi, du lịch.
Mâu thuẫn giữa “Raddy” với báo chí Singapore được cho xuất phát từ việc HLV người Serbia không đồng ý bổ sung huyền thoại của bóng đá nước này là Fandi Ahmad vào thành phần BHL The Lions vì cho rằng “không phù hợp”. Ông Avramovic còn bóng gió dùng hình ảnh: “Bạn đi vào một cửa hàng điện thoại của Sony nhưng tôi không nghĩ bạn lại đòi mua điện thoại Samsung hay Motorola”. Chính kiểu nói ẩn dụ đó khiến người Sing tức giận vì dám nhạo báng thần tượng Fandi Ahmad của họ.
Trở lại chuyện Avramovic ký hợp đồng với LĐBĐ Myamar thì đó hẳn là quá trình thương thuyết lâu dài do HLV người Serbia rất “sang chảnh” vì có thành công, thương hiệu khi biến ĐTQG Singapore từ đội bóng thiếu tiềm lực nhân sự trở thành đội bóng giàu thành tích nhất Đông Nam Á. Suốt 1 năm từ khi hết hợp đồng với LĐBĐ Singapore (hết năm 2012), ông Avramovic chỉ ở nhà chơi không chứ không nhận làm việc với những lời đề nghị “kém giá trị” mà nhiều CLB lẫn ĐTQG ở ĐNÁ chào mời.
Giám đốc truyền thông của MFF Soe Moe Kyaw phát biểu sau khi bản hợp đồng ký kết: “Raddy là HLV giàu kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về bóng đá ĐNÁ. Chúng tôi tin tưởng ông ấy sẽ đưa bóng đá Myanmar lên tầm cao mới”. Sau bao năm lẹt đẹt ở đấu trường khu vực và không đủ sức cạnh tranh 4 vé vào bán kết AFF Cup, người Myanmar quyết thay đổi và mục tiêu để họ vượt qua là ĐT Việt Nam sa sút nhiều trong 3 năm qua.
Các cầu thủ Singapore cũng rất e ngại khi nghe tin thầy cũ dẫn dắt Myanmar. Tiền vệ đội phó Harris Harun nói: “Đội bóng nào mà ông ấy dẫn dắt cũng rất khó bị đánh bại”. Harris Harun là cầu thủ mà “Raddy” đã đưa vào lịch sử khi trở thành cầu thủ trẻ nhất chơi cho ĐTQG Singapore khi mới 16 tuổi 217 ngày lúc gặp Bắc Triều Tiên vào năm 2007.
Đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ là một ưu điểm lớn của Raddy Avramovic. “Ông ấy đã mang thế hệ cầu thủ trẻ chúng tôi vào ĐTQG và giúp chúng tôi phát triển, tỏa sáng. Tôi chắc chắn rằng Raddy sẽ làm điều tương tự với bóng đá Myanmar”, trung vệ đội trưởng tuyển Singapore - Baihakki Khaizan, cầu thủ Singapore có thu nhập “khủng” nhất với 1,5 triệu USD cho 4 năm ở CLB Johor Drul Ta (Malaysia League) nói. Baihakki Khaizan được Avramovic gọi vào ĐTQG khi mới 19 tuổi (2003) và đã chơi 103 trận cho “The Lions” và đoạt đủ cả 3 chức vô địch AFF Cup.
Trở lại với câu chuyện của bóng đá Việt Nam. Kể từ sau những thất bại thảm hại với thầy nội Hoàng Văn Phúc với cả ĐTQG (thua cả 5 trận ở vòng loại Asian Cup) và cả ĐT U.23 Việt Nam (bị loại ở vòng bảng SEA Games 27) đến giờ VFF vẫn “kiên định” giữ nhà cầm quân người Hà Nội, bất chấp ông Phúc “béo” ngỏ ý từ chức.
Có lẽ trong quan điểm của VFF ở vòng loại Asian Cup thì ĐTQG đá quá te tua rồi mà AFF Cup 2014 còn đến tận 10 tháng nữa nên chẳng việc gì phải vội. Vả lại, lương của ông Phúc “béo” chỉ có 100 triệu/tháng (chưa thuế), tính ra quá bèo. “trảm” ông Phúc vào lúc này thì lại mang tiếng ĐTQG không có HLV trưởng mà việc thuê HLV ngoại vào lúc này vừa đắt vừa… phí.
Không chỉ Myanmar lo xa mà ngay cả Tuyển Phillippines vừa rồi cũng đã thuê HLV người Mỹ Thomas Dooley từng thi đấu ở 2 kỳ World Cup 1994, 1998 thì người ta càng thêm ngán ngẩm kiểu làm việc thiếu kế hoạch, không đường lối của VFF.
Đăng Khoa