Tình trạng đình trệ của hệ thống y tế công Myanmar khiến số người chết trong thời kì đất nước chìm trong bất ổn chính trị tăng cao.
Lúc quân đội đảo chính vào ngày 1.2, nông dân Hla Min sống ở miền Trung Myanmar đang phải xạ trị thường xuyên để trị ung thư.
Điều trị bị ngừng khi các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Mandalay nghỉ việc tham gia biểu tình phản đối đảo chính. Quân đội nhanh chóng chiếm giữ nơi này cùng hàng loạt bệnh viện khác, dùng chúng làm cơ sở cho chiến dịch đàn áp đẫm máu. Nhiều nhân viên y tế cảm thấy lo sợ và từ chối đi làm.
Lúc đầu được đánh giá vẫn có cơ hội khỏi bệnh, nhưng biến cố trên khiến Hla Min chỉ còn sống chưa đến 3 tháng. Ông ủng hộ đội ngũ bác sĩ bệnh viện đa khoa Mandalay dù tình hình sức khỏe xấu đi.
“Tôi biết mình sắp chết. Tôi không đổ lỗi cho bác sĩ vì ngoài đường phố đang có rất nhiều người trẻ tuổi bị lực lượng an ninh bắn chết, so với họ thì cái chết của tôi chẳng đáng gì cả”, Hla Min trả lời phỏng vấn vào cuối tháng 4.
Một tuần sau thì ông qua đời.
Từ khi đảo chính xảy ra đến nay đã có hơn 860 người chết dưới nòng súng của lực lượng an ninh – từ người biểu tình, người chứng kiến biểu tình, thậm chí trẻ nhỏ. Con số tử vong còn tăng lên do hệ thống y tế công gần như tê liệt.
Hàng trăm mạng sống mất đi mỗi tuần vì phẫu thuật khẩn cấp không được thực hiện. Các chương trình tiêm phòng, kể cả tiêm phòng cho trẻ em, tạm ngừng. Nhiều bác sĩ từ chối làm việc cho quân đội, chuyển sang bệnh viện tư hoặc phòng khám chui, nhưng cơ sở tư nhân không thể cung cấp dịch vụ chuyên sâu như bệnh viện công lớn.
Kyaw Moe - bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Bệnh viện đa khoa Mandalay hiện đang làm việc ở cơ sở y tế tư nhân - chia sẻ: “Tôi biết có hàng trăm người chết mỗi tuần. Tôi rất buồn, tuy nhiên hạ bệ quân đội là điều quan trọng cho đất nước. Nếu không hành động thì thế hệ tương lai lẫn đất nước chúng ta sẽ chết”.
Khủng hoảng chính trị ập đến đúng lúc Myanmar phải đối phó với đại dịch COVID-19. Các thị trấn giáp Ấn Độ đang hứng chịu đợt bùng phát mạnh, vậy mà công tác xét nghiệm và chủng ngừa gần như dừng lại. Giới chuyên gia lo lắng vi rút sẽ âm thầm lây lan, khiến hệ thống y tế thất thủ trong thời gian tới.
10 năm qua, hệ thống y tế Myanmar đã phát triển đáng kể, đặc biệt là y tế dự phòng. Nhưng cuộc đảo chính làm mọi công sức tan biến: hàng loạt chương trình ngăn HIV, bệnh lao, bệnh sốt rét bị đình trệ, chiến dịch tiêm phòng sởi cùng nhiều bệnh khác cho gần 1 triệu trẻ em trong năm nay cũng không thể tiếp tục triển khai.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) - đơn vị cung cấp vắc xin cho chiến dịch trên - lo ngại dịch bệnh khác sẽ bùng phát sau khi mùa gió mùa kết thúc.
Là thành phần xã hội được kính trọng tại Myanmar, bác sĩ là một trong những nhóm khởi xướng phong trào biểu tình phản đối đảo chính ngay từ đầu. Sau này khi lực lượng an ninh mạnh tay đàn áp, đội ngũ nhân viên y tế tổ chức hoạt động cứu chữa cho người tham gia biểu tình bị thương.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận tình trạng tấn công nhân viên và cơ sở y tế Myanmar tăng vọt trong năm nay, khiến 14 người thiệt mạng. Liên Hợp Quốc ước tính quân đội đã chiếm đóng hơn 50 bệnh viện cùng cơ sở y tế.