Tổng thống Jair Bolsonaro bị phạt hơn 100 USD vì không đeo khẩu trang tại buổi mít tinh vận động tranh cử do ông dẫn đầu.
Ngày 12.6, hàng nghìn xe máy tập trung để tham gia một cuộc mít tinh ở bang Sao Paulo do Tổng thống Jair Bolsonaro dẫn đầu. Phát biểu trước đám đông, ông Bolsonaro tiếp tục phản đối việc đeo khẩu trang và nói rằng sẽ dự định dỡ bỏ các yêu cầu về khẩu trang đối với những người đã được tiêm vắc xin COVID-19.
“Bất cứ ai chống lại đề xuất này là vì họ không tin vào khoa học. Nếu đã được tiêm vắc xin thì không có cách nào khiến vi rút có thể lây truyền”, ông Bolsonaro nói.
Quan chức bang Sao Paulo cho biết đã phạt ông Bolsonaro, nghị sĩ Eduardo, con trai ông Bolsonaro và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Tarcisio Gomes vì không đeo khẩu trang và không tuân thủ các biện pháp phòng dịch tại cuộc mít tinh. Mỗi người bị phạt 552,71 Real, đương đương khoảng 108 USD.
Hiện vẫn có rất ít sự đồng thuận về mặt khoa học về việc liệu những người đã tiêm vắc xin có nguy cơ lây lan vi rút hay không. Để phòng tránh mọi rủi ro, người dân vẫn được khuyến khích tiếp tục đeo khẩu trang cho dù đã tiêm vắc xin.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa đến 12% dân số Brazil được tiêm đầy đủ hai liều vắc xin. Nhiều chuyên gia y tế Brazil cho biết có thể bỏ khẩu trang sau khi phần lớn dân số đã được tiêm chủng.
Tổng thống Bolsonaro đã tổ chức các cuộc mít tinh trên khắp Brazil để vận động cho cuộc bầu cử vào năm tới. Đây không phải lần đầu Tổng thống Brazil bị phạt vì không đeo khẩu trang. Hồi tháng 5 vừa qua, ông Bolsonaro cũng từng bị chính quyền bang Maranhao phạt tiền sau khi cáo buộc ông tham gia sự kiện tụ tập đông người ở bang này mà không áp dụng bất cứ một biện pháp phòng dịch nào.
Ông Bolsonaro cũng từng phản đối quyết định phong tỏa và giãn cách xã hội của các quan chức địa phương. Ông cho rằng các biện pháp này có thể làm nền kinh tế Brazil sụp đổ và cách ly chỉ dành cho những người đã bị nhiễm bệnh.
Hơn 480.000 người Brazil đã tử vong do COVID-19, con số này lớn thứ hai sau Mỹ. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng ở Brazil diễn ra chậm chạp. Thượng viện Brazil vào tháng trước đã mở một cuộc điều tra xem liệu ông Bolsonaro, vốn là một người hoài nghi tác dụng của vắc xin, có đang cố tình trì hoãn việc tiêm chủng tại nước này hay không.
Trong khi đó tại Anh, các ca nhiễm mới COVID-19 do biến thể Delta đang tăng nhanh trở lại. Điều này đã khiến Thủ tướng Boris Johnson trì hoãn việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch theo kế hoạch trong tháng này.
Cụ thể, mức độ lây nhiễm hàng ngày đã tăng gấp 3 lần trong vài tuần qua. Ngày 12.6, Anh ghi nhận 7.738 ca mắc COVID-19 mới, giảm nhẹ so với 8.125 ca vào ngày trước đó - mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ ngày 26.2.
Thủ tướng Boris Johnson nói trên Sky News: “Rõ ràng là biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ dễ lây lan hơn và cũng đúng là các ca nhiễm bệnh đang tăng nhanh… Đó là một vấn đề nghiêm trọng, đáng quan tâm”.
Quyết định này của ông Johnson nhận được nhiều sự ủng hộ, bao gồm Hiệp hội y khoa Anh. Chủ tịch hội đồng Hiệp hội y khoa Anh cho biết: “Có một nguy cơ rất lớn là việc nới lỏng sớm tất cả hạn chế sẽ làm mất tác dụng những nỗ lực trước đó của chương trình tiêm chủng và đối mặt với số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng cao”.
Trước đó, chính phủ Anh thông báo sẽ thực hiện kế hoạch mở cửa giai đoạn 4 của đất nước vào ngày 21.6, xóa bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch, bao gồm cho phép các hộp đêm mở cửa trở lại.
Tính đến nay, Anh đã ghi nhận gần 128.000 ca tử vong vì COVID-19, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.