Chính quyền Tổng thống Biden tuần qua khiến giới quan sát bất ngờ với tuyên bố tái khởi động đàm phán về Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA).
Động thái nối lại đàm phán thương mại đình trệ của chính quyền Tổng thống Joe Biden làm dấy lên hy vọng Mỹ bình thường hóa quan hệ với Đài Loan, nhưng giới quan sát cho rằng mọi chuyện vẫn còn phải chờ xem Washington dám chọc giận Trung Quốc đến mức nào?
Ở lần trao đổi trực tuyến hôm 10.6, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cùng quan chức Đài Loan cấp cao Đặng Chấn Trung bàn bạc vấn đề triệu tập cuộc họp dựa trên khuôn khổ TIFA. Bà Tai còn khẳng định Nhà Trắng sẵn sàng làm việc với hòn đảo tự trị về những vấn đề 2 bên cùng quan tâm trong các tổ chức đa phương, ông Deng cũng cam kết Đài Loan sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại và thúc đẩy toàn cầu hóa.
Đài Loan khởi động đàm phán TIFA nhằm đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Hai bên từ năm 1994 đến năm 2016 đã tổ chức 10 lần làm việc, tuy nhiên sau đó đàm phán dừng lại vì cựu Đại diện Thương mại Robert Lighthizer (dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump) không hài lòng việc Đài Loan chặn hàng xuất khẩu Mỹ và ông tập trung đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Lời khẳng định Đại diện thương mại Tai đưa ra được giới chính trị Đài Loan xem như dấu hiệu quan trọng tỏ rõ sự ủng hộ mạnh mẽ mà chính quyền Tổng thống Biden dành cho hòn đảo tự trị.
Nghị sĩ Kha Kiến Minh thuộc đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền tại Đài Loan nhận xét quan hệ song phương đang phát triển ổn định: “Quốc hội Mỹ thông qua hàng loạt đạo luật có lợi cho Đài Loan, 3 Thượng nghị sĩ Mỹ tuần trước sang thăm, thông báo tặng 750.000 liều vắc xin COVID-19”.
Phó Tổng thư ký DPP Lâm Phi Phàm ca ngợi nối lại đàm phán TIFA rất có ý nghĩa cho phát triển quan hệ. Trước đó, quan chức đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan Tô Trinh Xương cũng đánh giá chính quyền Tổng thống Biden có nhiều động thái thân thiện.
Theo giáo sư quan hệ quốc tế Lý Đại Trung thuộc đại học Đạm Giang, loạt động thái thân thiện thời gian qua cho thấy chính quyền Tổng thống Biden không những kế thừa nỗ lực “kết thân hơn nữa” từ chính quyền tiền nhiệm mà còn thúc đẩy quan hệ tiến xa hơn, vì làm vậy đem lại lợi ích chiến lược cho họ.
“Tuy nhiên, liệu Tổng thống Biden có lựa chọn bình thường hóa quan hệ với Đài Loan hay không thì vẫn còn phải chờ xem, vì làm vậy, chắc chắn khiến Trung Quốc rất tức giận”, giáo sư Lý cho biết.
Giáo sư quan hệ quốc tế Hoàng Giới Chính, thuộc đại học Đạm Giang nhấn mạnh giới chức an ninh quốc gia lẫn đội ngũ phụ trách chính sách Trung Quốc của Mỹ đều hiểu rõ một Đài Loan mạnh mẽ là nhân tố cần thiết để duy trì hiện trạng ở eo biển Đài Loan lẫn lợi ích Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Mặc dù vậy họ tin rằng Washington nên giữ vững chính sách một Trung Quốc, không ảo tưởng rằng Đài Loan đánh giá quá cao thiện chí và ủng hộ từ Mỹ”, giáo sư Hoàng nhắc nhở.
Ông nói thêm: “Tái khởi động đàm phán TIFA có ý nghĩa về mặt chính trị và thắp lên hy vọng đạt thỏa thuận thương mại song phương. Nhưng đàm phán TIFA chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng và Nhà Trắng sẽ không nhượng bộ lợi ích thương mại để đổi lấy tiến triển trong quan hệ”.
Về chuyến thăm Đài Loan của 3 Thượng nghị sĩ Mỹ mới đây, giáo sư Hoàng phân tích: “Đây rõ ràng là bước đi đã tính toán kỹ càng. Đúng là di chuyển bằng máy bay quân sự cho thấy rõ Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Mỹ đều chấp thuận chuyến thăm, nhưng Thượng nghị sĩ không phải quan chức cấp cao, thời gian công du ngắn ngủi và chẳng có cuộc gọi chính thức nào”.