Bệnh viện Đại học Oslo tại thủ đô Na Uy là một trong 22 địa điểm ở quốc gia châu Âu này thực hiện nghiên cứu quốc tế lớn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gồm các thử nghiệm về 3 phương pháp điều trị COVID-19 bằng thuốc, trong đó có thuốc trị sốt rét và thuốc chữa Ebola.
Theo Euronews, loại thuốc đầu tiên được thử nghiệm sẽ là Plaquenil, ban đầu được sản xuất để điều trị bệnh sốt rét, sau đó là thuốc trị bệnh Ebola.
Giám đốc điều hành Hội đồng nghiên cứu Na Uy, cố vấn đặc biệt cho WHO, ông John-Arne Rottingen cho biết, thuốc trị sốt rét giúp giảm viêm và hoạt động để chống lại ký sinh trùng, là một cơ chế tác dụng có thể xảy ra.
"Nhưng chúng tôi chưa biết liệu thuốc được phát triển để chống lại virus gây dịch Ebola và một số loại khác sẽ có tác dụng chống lại coronavirus hay không", ông Rottingen cho hay và nói thêm rằng đã có hàng trăm bệnh nhân đồng ý tham gia thử nghiệm và nghiên cứu sẽ tiếp tục "cho đến khi khẳng định rằng loại thuốc này là có tác dụng hiệu quả hay không”.
Người đứng đầu Hội đồng nghiên cứu Na Uy nhấn mạnh, "đây là một nghiên cứu quốc tế lớn, có sự tham gia cùng lúc của nhiều bệnh nhân từ nhiều quốc gia nhằm giúp nhanh chóng có được kết quả".
"Cần phải nói rằng đây không phải là một phương pháp chữa bệnh kỳ diệu, nhưng là một cái gì đó có thể có tác dụng trong điều trị tiêu chuẩn trong bệnh viện”, ông Rottingen nói thêm.
Viện Y tế Công cộng Na Uy tin rằng nghiên cứu này có thể rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 31.000 người trên thế giới cùng với hơn 660.000 trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ước tính sẽ mất ít nhất 3 tháng để hoàn thành các cuộc thử nghiệm, và sau đó, một loại thuốc điều trị có thể được phê duyệt.
"Ngay cả khi có bất kỳ một bệnh viện hoặc quốc gia nào xác nhận một trong những loại thuốc này có hiệu quả, chúng tôi sẽ dừng nghiên cứu và cung cấp cho mọi người”, Trưởng Khoa y học truyền nhiễm của bệnh viện Đại học Oslo, bà Anne-Ma Dyrhol Riise cho hay.
Trang Nhung (theo Euronews)