Năm 2021, biên chế hành chính của thành phố Hà Nội là 9.003 biên chế, trong đó, biên chế công chức là 7.927 biên chế, giảm 115 biên chế so với năm 2020.

Năm 2021, Hà Nội sẽ giảm 115 công chức so với năm 2020

Lam Thanh | 09/12/2020, 12:19

Năm 2021, biên chế hành chính của thành phố Hà Nội là 9.003 biên chế, trong đó, biên chế công chức là 7.927 biên chế, giảm 115 biên chế so với năm 2020.

Hà Nội giảm 115 công chức

HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội, năm 2021.

ha-noi-bien-che.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội trình bày tờ trình

Theo nghị quyết, năm 2021, biên chế hành chính của thành phố là 9.003 biên chế, trong đó, biên chế công chức là 7.927 biên chế, giảm 115 biên chế so với năm 2020. Số giao đúng theo biên chế của Bộ Nội vụ giao năm 2021, tại Quyết định số 796/QĐ-BNV, ngày 13.10.2020; Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1.076 chỉ tiêu, giảm 361 chỉ tiêu so với năm 2020.

Biên chế sự nghiệp là 135.383 biên chế, trong đó, biên chế viên chức là 116.380 biên chế, giảm 6.385 biên chế so với năm 2020, gồm: Giảm trừ từ nguồn biên chế dự phòng còn chưa sử dụng: 2.585 biên chế; Giảm do chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ để giảm biên chế hưởng lương ngân sách (theo Kế hoạch số 44/KH-UBND, ngày 19.2.2019, của UBND Thành phố về nâng mức tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021): 30 đơn vị sự nghiệp với 1.913 biên chế.

Giảm biên chế viên chức giáo dục khối mầm non: 734 biên chế do giảm 9.838 học sinh; Giảm biên chế viên chức tại các trường Cao đẳng nghề: 201 biên chế do giảm 1.352 học sinh, sinh viên; Giảm biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp ngoài giáo dục, y tế theo chủ trương tinh giản biên chế (đảm bảo lũy kế giảm 10%): 256 biên chế; Giảm biên chế viên chức theo tỷ lệ tự chủ từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp y tế đã tự chủ một phần chi thường xuyên: 696 biên chế.

Ngoài ra, biên chế sự nghiệp còn có lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 10.464 chỉ tiêu, giảm 405 chỉ tiêu so với năm 2020. Lao động hợp đồng theo định mức: 8.539 chỉ tiêu, giảm 391 so với năm 2020 do giảm cô nuôi theo giảm của số học sinh khối Mầm non.

Nghị quyết cũng yêu triển khai có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; rà soát trùng chéo chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt ở các nhiệm vụ phức tạp, giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan, đơn vị.

Tập trung các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đây là nội dung quyết định đến khả năng có tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp được 10% giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, tính toán thành lập các trường liên cấp, đẩy mạnh thành lập các trường ngoài công lập.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan, chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc; nâng cao dịch vụ công mức độ 3 và 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới công tác tuyển dụng; nâng cao chất lượng đánh giá công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật lao động; thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên và đột xuất. Xác định chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô phải là yếu tố hàng đầu quyết định đến hiệu quả công tác tham mưu tại tất cả các ngành, lĩnh vực.

Đặt tên 27 tuyến phố mới

Hà Nội cũng đặt tên 27 đường, phố mới (trong đó có: 10 đường, phố mang tên địa danh và tên khác; 17 đường, phố mang tên danh nhân) và điều chỉnh độ dài 03 phố của 11 quận, huyện, thị xã.

Cụ thể như sau:

1. Phố Hạ Yên Quyết (quận Cầu Giấy): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính và Mạc Thái Tổ, đến ngã ba giao cắt tại di tích đình Hạ Yên Quyết.

2. Phố Nguyễn Thị Duệ (quận Cầu Giấy): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Trung Kính tại ngõ 219, đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Quốc Trị tại Tòa nhà A6D khu tái định cư Nam Trung Yên.

3. Phố Hồ Văn Chương (quận Đống Đa). Cho đoạn đường khép kín vòng quanh Hồ Văn Chương có điểm đầu và điểm cuối tại ngã ba chùa Bụt Mọc (số 127 ngõ Trung Tả).

4. Phố Nguyễn Hy Quang (quận Đống Đa): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Lương Bằng tại số nhà 60-62, đến ngã ba giao phố Hoàng Cầu tại số nhà 9 (hiện là ngõ 9 Hoàng Cầu).

5. Phố Phú La (quận Hà Đông): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Văn Khê, đối diện phố Hà Cầu, đến ngã ba giao cắt đường 24m Khu đô thị Văn Phú thuộc Tổ dân phố 6 - phường Phú La.

6. Phố Hoàng Công (quận Hà Đông): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Mậu Lương (đối diện cổng Tổ dân phố 9,11 phường Mậu Lương), cạnh sân bóng Mậu Lương, đến Chung cư thu nhập thấp 19T1 Mậu Lương.

7. Phố Hoàng Đôn Hòa (quận Hà Đông): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Quang Trung tại số nhà 339-341 và cổng chào Tổ dân phố 9, đến ngã ba giao cắt phố Văn Khê, đối diện Khu đô thị mới Phú Lương.

8. Phố Nguyễn Phan Chánh (quận Hoàng Mai): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nam Sơn cạnh trụ sở Công ty viễn thông Hà Nội, đến Ngã ba giao cắt phố Bằng Liệt tại cầu Bắc Linh Đàm.

9. Phố Bùi Quốc Khái (quận Hoàng Mai): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Bằng Liệt tại Lô BT.1A, đến ngã ba giao cắt đường quy hoạch 21m tại Trường Tiểu học Chu Văn An của phường Hoàng Liệt.

10. Phố Đạm Phương (quận Hoàng Mai): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Hoàng Liệt tại Lô CCKV1,2, đến Ngã ba giao cắt tại Lô BT01 khu Đô thị bán đảo Linh Đàm, đối diện bể bơi Linh Đàm.

11. Phố Nam Sơn (quận Hoàng Mai): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Hoàng Liệt tại chợ Xanh, đến Ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phan Chánh tại Lô BT01 khu Đô thị bán đảo Linh Đàm.

12. Phố Văn Tân (quận Hoàng Mai): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Linh Đường tại tòa nhà HUD3, đến Ngã ba giao cắt phố Bằng Liệt tại lô CT1, Al, A2 Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm.

13. Phố Phú Hựu (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Ái Mộ tại ngõ 118 (mặt sau của Trường mầm non Hồng Tiến), đến ngã tư giao cắt phố Hoàng Như Tiếp tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.

14. Phố Hoàng Minh Đạo (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Hoàng Như Tiếp tại công viên Bồ Đề Xanh, đến ô quy hoạch E.1/P2 phường Gia Thụy.

15. Phố Phạm Khắc Quảng (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Phúc Lợi tại Tòa nhà Ruby City 1, đến ngã ba giao cắt ô quy hoạch C.6/CXTP phường Giang Biên.

26. Phố Nguyễn Thời Trung (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Văn Linh tại đoạn giữa ngõ 68, đến ngã ba giao đường Thạch Bàn tại điểm đối diện số 4 Thạch Bàn.

17. Đường Phú Mỹ (quận Nam Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Mỹ Đình tại số 246 Mỹ Đình (cổng làng Phú Mỹ), đến ngã ba giao cắt đường Lê Đức Thọ (hiện là ngõ 63 Lê Đức Thọ).

18. Phố Hà Kế Tấn (quận Thanh Xuân): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Trường Chinh tại ngõ 153 cạnh Cầu Phương Liệt (bắc qua sông Lừ), đến ngã ba giao cắt cuối phố Lê Trọng Tấn tại cầu qua sông Lừ.

19. Đường Mỹ Trung (Thị xã Sơn Tây): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Hữu Nghị, đối diện số nhà 119 Hữu Nghị, đến cổng Công ty TNHH MTV Thông tin M3.

20. Đường Cổng Ải (huyện Ba Vì): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Quảng Oai tại số nhà 158, đến ngã ba giao cuối đường Chùa Cao tại chân chùa Cao.

21. Đường Đông Hưng (huyện Ba Vì): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Quảng Oai tại số nhà 280, cạnh Trường THPT Quảng Oai, đến ngã ba giao cắt đường Tây Đằng tại đình Tây Đằng.

22. Đường Vũ Lâm (huyện Ba Vì): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt đường Quảng Oai tại Chi cục Thuế huyện Ba Vì, đối diện đường Gò Sóc, đến ngã tư giao cắt đường Quảng Oai, đối diện tỉnh lộ 412 đi Suối Hai.

23. Đường Đặng Công Chất (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Hà Huy Tập tại số 518 và cửa hàng xăng dầu Yên Viên, đến ngã ba giao cắt đường Dương Hà.

24. Đường Giáp Hải (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường gom hầm chui cầu Thanh Trì, đến hết địa phận huyện Gia Lâm tại ngã tư giao cắt đường vào Khu đô thị Ecopark, tỉnh Hưng Yên.

25. Đường Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt đường Nguyễn Huy Nhuận - Nguyễn Bình, đối diện số 1 đường Nguyễn Bình, đến ngã ba giao đê Bát Tràng tại thôn 5 xã Đông Dư.

26. Phố Thượng Phúc (huyện Thường Tín): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Hùng Nguyên, đối diện Bưu điện huyện, đến ngã ba giao cắt phố DKĐT Nguyễn Phi Khanh tại cổng UBND huyện.

27. Phố Nguyễn Phi Khanh (huyện Thường Tín): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt tỉnh lộ 427, đối diện đình, chùa Phúc Lâm của thị trấn Thường Tín (cạnh trường THPT Thường Tín), đến ngã ba tại ô quy hoạch bể bơi Hồng Hà (TDP Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín).

Cùng với đó, điều chỉnh độ dài 3 tuyến đường, phố:

1. Phố Lâm Hạ (quận Long Biên): Cho đoạn từ điểm cuối phố Lâm Hạ tại ngã ba phố Lâm Hạ - Hoàng Như Tiếp, đến ngã ba giao cắt phố Hồng Tiến, đối diện số nhà 140. Kéo dài: 160m; rộng: 30m.

2. Phố Nguyễn Lam (quận Long Biên): Cho đoạn từ điểm cuối phố Nguyễn Lam tại ngã tư phố Mai Phúc - Nguyễn Lam, đến ngã tư giao cắt ngõ 45 đường Nguyễn Văn Linh, cạnh Nhà máy nước số 2 của TP. Hà Nội. Kéo dài: 755m; rộng: 30m.

3. Phố Vũ Đức Thận (quận Long Biên): Cho đoạn từ điểm cuối phố Vũ Đức Thận tại ngã tư phố Vũ Đức Thận - Việt Hưng, đến ngã tư giao cắt ngõ 45 đường Nguyễn Văn Linh, cạnh Nhà máy nước số 2 của TP. Hà Nội. Kéo dài: 405m; rộng: 30m.

Bài liên quan
Nghiên cứu luật hóa việc xử lý cán bộ, công chức về hưu
Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, luật hóa cụ thể đảm bảo tương ứng với quy định của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2021, Hà Nội sẽ giảm 115 công chức so với năm 2020