Quê tôi ở xứ Cà Mau bạt ngàn rừng tràm, rừng đước - nơi bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã như rùa, rắn, hươu, nai... Ở đó, còn có cả những câu chuyện “để đời” của bác Ba Phi về rắn hổ ở rừng U Minh. Nhưng giờ đây, muốn tận mắt thấy rắn hổ chúa, hổ mang to bằng bắp đùi, nặng vài chục ký như trong truyện thì chỉ có ở Trại rắn Đồng Tâm.
Du lịch

Năm Tỵ về Đồng Tâm xem rắn

Lê Phong Phú 05/02/2025 20:35

Quê tôi ở xứ Cà Mau bạt ngàn rừng tràm, rừng đước - nơi bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã như rùa, rắn, hươu, nai... Ở đó, còn có cả những câu chuyện “để đời” của bác Ba Phi về rắn hổ ở rừng U Minh. Nhưng giờ đây, muốn tận mắt thấy rắn hổ chúa, hổ mang to bằng bắp đùi, nặng vài chục ký như trong truyện thì chỉ có ở Trại rắn Đồng Tâm.

Nằm ở phía ngoại thành của TP.Mỹ Tho - thành phố già nhất ở vùng ĐBSCL, Trại rắn Đồng Tâm hiện đang nuôi và cho sinh sản hơn 400 loài rắn khác nhau, từ các loài không độc đến các loài có nọc độc cực mạnh. Nơi đây được ví như “vương quốc rắn” độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Tất tần tật về rắn

Biết ý định của tôi về trại rắn để tìm hiểu, đại úy Lương Minh Hải, nhân viên chăm sóc rắn của Trung tâm nuôi trồng, chế biến dược liệu thuộc Trại rắn Đồng Tâm cho biết: “Ở đây đang nuôi nhiều loài rắn ở các vùng miền trong nước, thậm chí có cả những loài nguy cơ tuyệt chủng. Mỗi con rắn đều có chế độ dinh dưỡng riêng, bảo đảm khỏe mạnh. Ngoài việc phục vụ cho du lịch, trại rắn còn nghiên cứu ứng dụng trong y học, bào chế thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, trại rắn nuôi, nhốt và chiết xuất nọc nhiều nhất là 2 loài rắn hổ mang và hổ chúa”.

ran.jpg
Lấy nọc rắn - Ảnh: Phong Phú

Vừa giới thiệu, anh Hải dắt tôi vào khu vực trung tâm nuôi rắn. Những con hổ mang dài mấy sải tay, bự bằng cổ chân, da xám xịt đang trườn mình phơi nắng. Phía đối diện là những cặp rắn đang được ghép đôi sinh sản. Chỉ tay về phía xa, khu vực những chuồng nuôi có khung sắt kiên cố, anh Hải nói: “Đây là khu vực nuôi rắn hổ chúa - loài rắn chúa tể ở rừng khiến ai cũng phải rợn gai óc mỗi khi nhắc tới nó. Con lớn nhất tầm 20kg, dài hơn 2m”.

Rồi anh Hải mở cửa chuồng, một con có màu da vàng đọt chuối lù lù xuất hiện. Anh ra hiệu cho tôi lùi lại, rồi cẩn trọng gắp con mồi đưa vào cửa. Tôi chỉ kịp nghe tiếng gió thì con mồi trên dụng cụ cho ăn thường ngày của anh Hải đã biến mất, kèm theo đó là những hơi thở dồn dập đặc trưng của họ nhà rắn hổ.

Anh Hải có kinh nghiệm 25 năm “bầu bạn” với loài rắn hổ chúa ở trại nên không mấy bất ngờ với những tò mò của tôi về đặc tính của chúng. Để rắn ăn nhanh, anh Hải phải xử lý con mồi chết hẳn. Theo kinh nghiệm, nếu để con mồi cử động thì hổ chúa và hổ mang phải tiết nọc trong quá trình ngậm mồi và chờ con mồi đến khi không còn cử động mới nuốt.

Món khoái khẩu của chúng là các loại rắn tạp như lục xanh, ráo trâu được trung tâm nuôi ở khu vực riêng. Thú vị nhất ở trại rắn là chuyện duy trì sinh sản. Ở trại rắn, anh Hải được giao nhiệm vụ ghép đôi sinh sản và theo dõi, ấp trứng, chăm sóc con non của rắn hổ chúa.

“Mùa sinh sản của rắn hổ chúa thường bắt đầu vào tháng 4. Chúng giao phối và sau đó 2 tháng thì đẻ trứng. Mình phải cẩn thận đưa trứng vào khu vực ấp kỹ thuật và theo dõi. Khi rắn nở, phải tách riêng và tập cho rắn non ăn, thậm chí với con yếu phải đút mồi, bơm thức ăn. Nếu thực hiện đúng thì đảm bảo tỷ lệ khỏe mạnh đạt từ 75%”, anh cho biết.

ran-2.jpg
Trại rắn Đồng Tâm được ví như "Vương quốc rắn" - Ảnh: TTXVN

Nếu như anh Hải sành rắn hổ chúa như hát “6 câu vọng cổ” thì đại úy Nguyễn Danh Hiếu lại là chuyên gia với 25 năm trong nghề nuôi rắn hổ mang.

“Công việc của chúng tôi đối mặt với nguy hiểm mỗi ngày, nhưng với tình yêu nghề và mong muốn cứu sống nhiều người bị rắn cắn, anh em luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Mỗi ngày, chúng tôi vào việc với ý thức và trách nhiệm, tỉ mỉ từng thao tác, bởi trong chăm sóc rắn độc thì không cho phép sơ suất”, anh Hiếu nói.

Không chỉ nuôi rắn để lấy huyết thanh cứu người, Trại rắn Đồng Tâm còn thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền về cách xử lý khi bị rắn cắn, nâng cao nhận thức cho người dân vùng sông nước, nơi nguy cơ rắn độc luôn rình rập.

Du lịch ngắm rắn

Chị Trần Tuyết Anh, hướng dẫn viên du lịch tại Trại rắn Đồng Tâm đang chăm chú đưa du khách đi tham quan. Trên tay chị vừa cầm những con rắn ráo dài loằng ngoằng đưa cho du khách sờ, ướm thử vào tay, cổ. Chị cẩn thận cầm cây nạng dài có móc sắt, kéo từ ngọn cây trong khu vực nuôi một con rắn cạp nong và nói: “Đây là loài rắn độc hơn cả rắn hổ mang, hổ chúa. Nhưng chúng chỉ là hung thần vào ban đêm, còn ban ngày thì chúng ngủ và hiền khô, vô hại y như các loài rắn thông thường nếu như ta không tác động vật lý vào chúng”. Nhìn màn biểu diễn của chị Tuyết Anh mà đoàn khách du lịch từ Nga, Nhật Bản vỗ tay, trầm trồ thán phục.

Vốn dĩ rất sợ rắn nhưng từ khi xin được việc làm hướng dẫn viên tại Trại rắn Đồng Tâm, chị Tuyết Anh trở nên dạn dĩ hơn. Buổi đầu nhập môn, chị theo chân anh Hải, anh Hiếu để biết tất tần tật về các loài rắn; cách phân biệt loài nào là rắn độc và loài không độc... Giờ đây chị đã thuộc làu đặc tính từng loài.

Chị cho biết: “Trung tâm thường xuyên đón khách nước ngoài, dù sợ rắn nhưng nhiệm vụ làm hướng dẫn du khách nên tôi buộc phải thích nghi. Trải qua 12 năm gắn bó với nghề, giờ tôi không còn cảm giác sợ nữa, trái lại cảm thấy rất yêu mến chúng, nhất là khi bắt, đưa cho du khách sờ, cầm thử (với các loài rắn không độc)”.

ran-1.jpg
Hướng dẫn viên giới thiệu các loài rắn không độc cho khách tham quan - Ảnh: Phong Phú

Anh Ahshu-Hari (25 tuổi), du khách đến từ Nhật Bản chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi trở lại Việt Nam. Chuyến này được công ty du lịch hướng dẫn về ĐBSCL và đến tham quan trại rắn. Tôi rất ấn tượng với nơi này. Công tác bảo tồn ở đây sẽ giúp ích nhiều cho công việc nghiên cứu của tôi”.

Điều đặc biệt, mỗi con rắn tùy theo lứa tuổi, cân nặng và tình hình sức khỏe, nhân viên sẽ lựa chọn thời gian phù hợp để khai thác nọc phục vụ nghiên cứu. Mỗi giọt nọc rắn ở đây được ví như “vàng lỏng”, là nguyên liệu quý để sản xuất huyết thanh giải nọc độc, cứu sống hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm.

Với thao tác điêu luyện, anh Hiếu nhấc con hổ mang nặng 5kg, cẩn thận tay ép đầu, tay cầm ly lấy nọc. Du khách lúc này trố mắt, "nín thở" chờ kết quả. Chất lỏng màu vàng nhợt từ từ đọng lại lớp dày dưới đáy cốc trên tay anh Hiếu, đó được ví như “vàng lỏng” - là “nguồn sống” trong điều trị rắn cắn.

Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn, Trung tâm Chế biến dược liệu - Trại rắn Đồng Tâm đưa chúng tôi đến Khoa Điều trị rắn cắn. Thời điểm cuối tháng 11, khoa đã tiếp nhận 996 trường hợp cấp cứu, trong đó hơn 80% do rắn độc cắn. Thượng tá Tuấn cho hay: “Nếu không ứng cứu kịp thời rất nguy hiểm đến tính mạng. Nhờ chiết xuất nọc rắn và công nghệ bào chế huyết thanh nên hầu như tỷ lệ cấp cứu thành công 100%”.

Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn, trong đó rắn độc chủ yếu thuộc hai họ rắn hổ và rắn lục. Tại Trại rắn Đồng Tâm, các nhà khoa học đã thành công trong việc nhân giống và bảo vệ nhiều loài như rắn hổ mang, hổ chúa, rắn ráo trâu, rắn lục đuôi đỏ.

“Chúng tôi không chỉ tập trung vào nghiên cứu mà còn mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của loài rắn đến cộng đồng. Qua đó, thay đổi cách nhìn nhận của mọi người, từ sợ hãi đến hiểu và bảo vệ loài vật này”, đại úy Lương Minh Hải chia sẻ thêm.

Bài liên quan
Nhân năm Tỵ, cần tìm hiểu đúng về khả năng phi thường của loài rắn
Theo chu kỳ âm lịch 12 năm của phương Đông, năm 2025 là Năm Rắn - một loài vật tượng trưng cho sự khôn ngoan và biến hóa. Có rất nhiều điều kỳ lạ về loài này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
3 giờ trước Sự kiện
Nhân dịp đầu xuân năm mới Ất Tỵ 2025, ngày 5.2, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm Tỵ về Đồng Tâm xem rắn