Trong nhiều ngày qua đã có khá nhiều lời than phiền từ phía các doanh nghiệp rằng các bộ ngành đang tìm cách thoái thác những quy định trong nghị định 19/2016 và nghị định 35 của chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nâng cấp thông tư lên nghị định sẽ cản trở cải cách kinh tế?

Nhàn Đàm | 03/06/2016, 16:16

Trong nhiều ngày qua đã có khá nhiều lời than phiền từ phía các doanh nghiệp rằng các bộ ngành đang tìm cách thoái thác những quy định trong nghị định 19/2016 và nghị định 35 của chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đến thời điểm hiện tại, tức là mới chỉ sau hơn 1 tháng kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát hiệu lệnh cải cách kinh tế, đã có những cơ sở để nhận ra cuộc cải cách kinh tế được kỳ vọng sẽ không diễn ra theo hướng mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam và các chuyên gia kinh tế mong muốn. Ít nhất là về phía chính phủ, bao gồm các bộ ngành, vốn được xem là nơi đang nắm giữ chiếc chìa khóa của cánh cửa mang tên cải cách kinh tế. Trong nhiều ngày qua, có khá nhiều lời than phiền chủ yếu là từ phía các DN rằng các bộ ngành đang tìm cách thoái thác những quy định trong nghị định 19/2016 và nghị định 35 của chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hầu hết các DN đều hy vọng rằng đó sẽ chỉ là những sự ngần ngừ cuối cùng của các bộ ngành khi phải quyết định giữa cải cách nền kinh tế và rời bỏ những lợi ích cố hữu. Nhưng có vẻ như tất cả đã nhầm.

Một thực tế hiển nhiên đang có phần đi ngược lại với những kỳ vọng về cải cách kinh tế của đông đảo các DN, đó là các bộ ngành đang rất tích cực nâng cấp và tích hợp các thông tư của mình lên cấp nghị định, một động thái được đánh giá là gây ảnh hưởng rất xấu đến quá trình cải cách kinh tế. Cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết 17 bộ ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, và đã xác định được số nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Thậm chí một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định, như Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tích hợp 38 thông tư, Bộ giáo dục - Đào tạo 23 thông tư, Bộ Công Thương 23 thông tư, Bộ Y tế 70 thông tư, v.v..

Vì sao các bộ ngành lại cần tích hợp và nâng cấp các thông tư vào các nghị định, và vì sao quá trình này lại gây ảnh hưởng xấu đến cải cách kinh tế?

Về cơ bản, hai bộ luật mới được thông qua là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp quy định rằng kể từ ngày 1.7 tới đây sẽ chỉ có chính phủ được quyền trực tiếp ban hành các điều kiện kinh doanh thông qua các nghị định, và tất cả điều kiện kinh doanh dưới cấp nghị định (chẳng hạn như thông tư của các bộ ngành) sẽ vô giá trị và mất hiệu lực hoàn toàn. Điều này có nghĩa phần lớn trong số 7.000 điều kiện đầu tư kinh doanh hiện nay sẽ bị xóa bỏ, các bộ ngành sẽ không được quyền ban hành các thông tư quy định những điều kiện kinh doanh vốn là nguyên nhân hàng đầu tạo ra các rào cản trong môi trường đầu tư kinh doanh như trước nữa.

Tuy nhiên, những kỳ vọng đó nhanh chóng bị dập tắt. Trước hết là việc Quốc hội ngay sau đó đã thông qua một số luật mới, trong đó cho phép bộ trưởng của các bộ được ban hành điều kiện kinh doanh, một việc về nguyên tắc đã đi ngược lại với quy định của 2 luật Đầu tư và Doanh nghiệp trước đó cũng đã được chính Quốc hội thông qua. Sự bất hợp lý này đang đồng nghĩa với việc xóa đi phần lớn những thành quả mà hai bộ luật ấy đạt được, cũng có nghĩa các rào cản kinh doanh sẽ không được xóa bỏ một cách triệt để như nhiều người kỳ vọng.

Việc tích hợp và nâng cấp các thông tư lên nghị định của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại cũng có ý nghĩa tương tự. Nó đang hợp thức hóa việc giữ lại các điều kiện kinh doanh mà các bộ ngành đã đặt ra và về lý thuyết sẽ bị gỡ bỏ kể từ ngày 1.7 tới. Theo luật thì tất cả các điều kiện kinh doanh được ban hành dưới cấp nghị định trước ngày 1.7.2016 sẽ vô hiệu lực và bị gỡ bỏ, kể cả khi Quốc hội cho phép các bộ trưởng được ban hành các điều kiện kinh doanh mới thì cũng không ngăn được việc phần lớn trong số 7.000 điều kiện kinh doanh trước đó sẽ bị xóa bỏ. Tuy nhiên, việc nâng cấp và tích hợp các thông tư lên cấp nghị định lại đang mở ra một cánh cửa hợp pháp cho phép giữ lại phần lớn trong số gần 7.000 điều kiện kinh doanh sẽ bị xóa bỏ vào ngày 1.7 tới. Nói cách khác, các bộ ngành đang đạt được một chiến thắng kép, vừa được giữ lại quyền ban hành các điều kiện kinh doanh mới, lại vừa giữ được phần lớn các điều kiện kinh doanh cũ về lý thuyết sẽ bị xóa bỏ vào ngày 1.7 tới đây.

Điều này có nghĩa các rào cản kinh doanh đối với các DN trong nước sẽ không giảm đi, hoặc có giảm đi nhưng sẽ không đáng kể. Và dĩ nhiên là môi trường đầu tư kinh doanh với các DN sẽ không khá hơn trước là bao. Nhưng quan trọng hơn, việc tích hợp và nâng cấp thông tư thành nghị định như hiện tại, đang là một dấu hiệu cho thấy các lực cản với quá trình cải cách vẫn còn quá mạnh, không những không giảm đi mà còn có phần mạnh hơn trước. Vẫn biết vạn sự khởi đầu nan, nhưng khởi đầu nan theo kiểu khó khăn còn nhiều hơn và chồng chất hơn trước như thế này có lẽ không phải là một điềm lành, và nguy cơ cải cách nền kinh tế bị chết yểu từ ngay trong trứng nước có vẻ như đang tăng lên đáng kể.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cấp thông tư lên nghị định sẽ cản trở cải cách kinh tế?