Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xu hướng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp nước ngoài đang "đổ bộ", chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Còn nếu e ngại mà không liên kết thì doanh nghiệp Việt sẽ giống như những chiếc đũa bị bẻ gãy một cách dễ dàng.

Bà Phạm Chi Lan: DN Việt sẽ bị bẻ gãy như chiếc đũa nếu không liên kết lại

Duyên Duyên | 02/06/2016, 14:27

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xu hướng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp nước ngoài đang "đổ bộ", chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Còn nếu e ngại mà không liên kết thì doanh nghiệp Việt sẽ giống như những chiếc đũa bị bẻ gãy một cách dễ dàng.

Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cùng làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn gây áp lực lên toàn bộ nền sản xuất nội địa. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Để cùng nhauvượt qua thách thức này, Tập đoàn Vingroup đãtổ chức lễ ký kết hợp tác với 250 doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì đây là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay.

Tập đoàn Vingroup vừa tổ chức lễ ký kết hợp tác với 250 doanh nghiệp để cùng nhaunâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa. Nhìn lại có thể thấy, đã có không ít lời hô hào, kêu gọi doanh nghiệp trong nước phải đoàn kết lại, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa đạt được thành quả nào. Bà nghĩ sao về việc này?

Tôi nghĩ lời kêu gọi là đúng nhưng cách làm phải khác. Kêu gọi doanh nghiệp liên kết,nhưng phải đi liền với việc bảo vệ, quan tâm người tiêu dùng Việt, chứ không phải một chiều, chỉ bảo vệ người sản xuất và người phân phối.

Có lẽ, điều mà chúng ta làm lâu nay chỉ mang màu sắc phong trào, sự vận động kêu gọi mang tính chính trị nhiều hơn việc ý thức đây là một hoạt động thị trường. Trong đó, vai trò của người sản xuất, người phân phối đều quan trọng như nhau, mỗi người đều có quyền lợi, có vị trí riêng của mình nên phải tôn trọng lẫn nhau.

Bao lâu nay, chúng ta đã không thể tạo dựng được sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt, kể cả những chương trình rất vất vả như của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Chương trình này đã mang biết bao hàng hóa về nông thôn nhưng cứ mãi một chương trình như vậy, có vài ba chục doanh nghiệp đi 1 đợt, làm rất vất vả, đi đến đâu phải làm nhiều thủ tục, bỏ nhiều tiền để tổ chức. Tất nhiên là sau đó cũng có nhiều doanh nghiệp mở thêm được các đại lý, chi nhánh ở các vùng nông thôn, nhưng cần phải thấy hệ thống phân phối ở nông thôn cho đến nay có thay đổi thì cũng là rất ít. Người ta vẫn bán hàng theo kiểu ở chợ, còn người tiêu dùng vẫn thích hàng giá rẻ là chính, mà chưa ý thức cũng như chưa có khả năng nhận biết hàng chất lượng.

Chính vì thế, hàng Trung Quốc với rất nhiều cách thức khác nhau, mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn đã tạo thành sức ép lớn cho hàng Việt. Tôi cho rằngchúng ta cần phải đi theo hướng căn cơ hơnvà hoạt động của Vingroup là một trong những hoạt động mà tôi rất trông chờ.

Ngoài chương trình liên kết của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mà bà vừa đề cập,còn có ví dụ nào khác về việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt tương tự như Vingroup đang làm không, thưa bà?

Tôi còn nhớ cách đây 10 năm có sáng kiến của Trung Nguyên với chuỗi cửa hàng G7. Thời điểm đó tôi thấy rất quý và tôi cũng cổ vũ rất nhiều để anh Vũ có thể thành công. Nhưng Trung Nguyên không có kinh nghiệm trong phân phối, ngoài chuỗi bán cà phê ra thìkhông kết nối được với các nhà sản xuất, nên mặc dù tham vọng rất lớn nhưng chương trình không đạt được nhiều thành công.

Tôi nghĩđã đến lúc các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam cần phải có thị trường nhiều hơn, khi mà Big C, Metro đều vào tay Thái Lan và là những đối thủ trực diện, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Việt, tạo ra cái khó cho các nhà sản xuất trong nước.

Theo bà, lợi ích lớn nhất của 250 doanh nghiệp Việt khi hợp tác với Vingroup là gì?

Tôi cho rằng đó là thị trường, và đócũng chính là nhu cầu của 250 doanh nghiệp Việt. Thị trường là số 1. Chúng ta hay nói những khó khăn của doanh nghiệp như môi trường kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng... và bản thân tôi cũng nói rất nhiều những điều đó. Nhưng nếu đi sâu vào doanh nghiệp thì số phận của họ được quyết định bởi thị trường.

Hàng làm ra không bán được thì chết. Và tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại ngày càng cảm thấy bán hàng khó khăn hơn?

Thứ nhất là do chi phíđầu vào liên tục tăng lên nên kéo theo giá thành tăng cao, lợi nhuận giảm đi. Thứ hai là hệ thống phân phối càng ngày càng hẹp lại trong khi của nước ngoài lại mở rộng ra.

Điều này chúng ta đã bàn đến khi nói về việc tuân thủ WTO quá mức, và sai lầm của chúng ta là chỉ quan tâm đến việc kiểm soát các chuỗi siêu thị lớn bằng việc đưa ra các điều kiện kinh tế khi họ vào Việt Nam, nhưng điều đó lại không hiệu quả đối với những doanh nghiệp đã vào Việt Nam từ trước đó, như Metro, Big C...

Và trên hết là không có quy định kiểm soát chuỗi các cửa hàng nhỏ, nên các chuỗi này, với khoảng 350 các cửa hàng nhỏ của nước ngoài đã tràn vào, chiếm lĩnh thị trường và cạnh tranh với cả các chợ truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, các nhà sản xuất Việt Nam hiện rất bí thị trường.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Vậy xu hướng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay?

Tôi cho là như vậy. Với những nhà phân phối như Vingroup, họ có sự phát triển rất ấn tượng, nhưng muốn cạnh tranh được thì phải dựa vào doanh nghiệp Việt. Tôi cho rằng Vingroup không thể cạnh tranh được nếu phân phối hàng ngoại, hàng Thái,vì làm sao bằng được doanh nghiệp Thái đã gắn bó với các nhà sản xuất của họ bao lâu nay.

Họ có trong tay biết bao nhà sản xuất của nước họ và các nước khác, bây giờ họ mang kinh nghiệm và những thứ họ có sang Việt Nam. Thậm chí, Thái Lan đã tuyên bố thẳng thừng là trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, lợi ích lớn nhất của họ là thị trường Việt Nam. Họ coi thị trường Việt Nam là của họ, đấy là tiếng nói chung của những nhà sản xuất và phân phối của Thái Lan, cho nên họ cùng nhau đi vào và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là điều có thể thấy được.

Vingroup không thể cạnh tranh bằng cách phân phối hàng Thái được, cũng không thể cạnh tranh bằng cách đưa hàng Trung Quốc vào, bởi hàng Trung Quốc không có được sự tín nhiệm ở người tiêu dùng Việt.Với những kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng Vingroup thừa hiểu những rủi ro có thể gặp phải nếu như làm ăn với Trung Quốc hay với doanh nghiệp các nước khác. Rất khó để cạnh tranh vớiHàn Quốc với Lotte, cạnh tranh với Nhật Bản khi các đại gia Nhật tuyên bố đến 2020 họ sẽ có 20 siêu thị lớn ở Việt Nam, cùng với chuỗi các cửa hàng nhỏ.

Bản thân Vingroup cũng thấy con đường của họ là phải liên kết với doanh nghiệp Việt để cùng nhau thúc đẩy đi lên. Đây là giải pháp cùng có lợi và tôi mong rằng sự hợp tác này sẽ kéo dài, bởi họ cùng chung lợi ích, chung đối tượng và hơn hết là họ cần có nhau để tồn tại trên thị trường, cùng thúc đẩy sự phát triển của thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Tôi thực sự mong và tin đây là sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều người lo ngại chosự hợp tác giữa các doanh nghiệp, đólà gian lận thương mại từ bên trong và bên ngoài. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Gian lận thương mại là vấn đề mà Nhà nước phải làm. Tôi cho rằng vai trò của Nhà nước vẫn vô cùng quan trọng bằng cách bảo vệ cho hàng Việt khỏi sự gian lận từ bên ngoài và phải kiểm soát cả hàng trong nước, bởi hiện nay vấn đề sản xuất hàng kém chất lượng, gây hại cho người tiêu dùng cũng rất nhiều.

Tuy nhiên, cái tốt của việc liên kết giữa Vingroup và các doanh nghiệp Việt là Vingroup sẽ tham gia việc giám sát chất lượng cũng như đầu tư vào để nâng cao chất lượng. Đây là cái chốt quan trọng và tôi nghĩ hai bên đi cùng với nhau đều phải thấy vấn đề sống còn của mình.

Nhà nước không cần thiết phải tham gia trực tiếp vào sự liên kết này, nhưng Nhà nước phải tạo dựng được khuôn khổ pháp lý, môi trường kinh doanh để cho cả 2 bên tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh từ phía bên ngoài có thể tràn vào.

Còn nếu e ngại mà không liên kết thì doanh nghiệp Việt sẽ giống như những chiếc đũa bị bẻ một cách dễ dàng.

Trên thế giới đã có những trường hợp nào liên kết, hợp tác thành công mà Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung có thể học tập, thưa bà?

Liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước là con đường mà các doanh nghiệp lớn ở các nước phát triển họ đã đi rồi, và tôi nghĩ rằng khôn ngoan như Vingroup cũng sẽ chọn để đi lên.

Không quá xa xôi, tôi còn nhớ trường hợp của Unilever, khi họ kỷ niệm 15 năm ở Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn này đã khẳng định rằng: Sức mạnh Unilever Việt Nam chính là sức mạnh của 150.000 doanh nghiệp Việt đi cùng với họ chứ không phải là của bản thân tập đoàn. Nếu không có 150.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đi cùng với họ thì họ không thể thành công được. Đó cũng chính là kinh nghiệm và bài học cho chúng ta.

Xin cảm ơn bà!

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà Phạm Chi Lan: DN Việt sẽ bị bẻ gãy như chiếc đũa nếu không liên kết lại