Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), từ đầu năm cho đến hết tháng 9, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 3% hồi đầu năm lên 14,7% với 6.648 tỉ đồng.

Ngân hàng NCB báo lỗ 180 tỉ đồng, nợ xấu tăng mạnh lên trên 14%

Hoài Lam | 28/10/2022, 15:55

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), từ đầu năm cho đến hết tháng 9, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 3% hồi đầu năm lên 14,7% với 6.648 tỉ đồng.

Tính đến cuối tháng 9, tiền gửi của khách hàng tại NCB là 64.334 tỉ đồng, giảm 0,3% so với đầu năm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tiền gửi chảy vào hệ thống NCB ghi nhận chiều hướng đi xuống. Trong khi đó, cho vay khách hàng đạt gần 45.164 tỉ đồng, tăng hơn 8,5% so với đầu năm.

Trong quý 3, hoạt động chính của NCB lỗ thuần 2,13 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi tới hơn 439 tỉ đồng. Ngoại trừ lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư sụt giảm 56% (chỉ còn hơn 24 tỉ đồng), đa số nguồn thu ngoài lãi đều tăng trưởng hơn cùng kỳ.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 97% so với cùng kỳ, thu được hơn 24 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi gần 12 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 863 triệu đồng. Hoạt động khác thu được hơn 3,2 tỉ đồng tiền lãi, cùng kỳ lỗ gần 49 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này tăng vọt, từ mức 1.249 lên 6.650 tỉ đồng, tức là tăng tới hơn 430% so với đầu năm và chiếm 14,7% (từ mức khoảng 3% đầu năm).

Trong số nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt từ 603 tỉ đồng lên xấp xỉ 2.463 tỉ đồng, tức là tăng hơn gấp 3 lần. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) còn tăng vọt từ 181,8 tỉ đồng lên gần 2.832 tỉ đồng, tức là tăng gấp 14,6 lần. Nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) cũng tăng gần 3 lần, lên mức 1.353 tỉ đồng.

Nợ xấu của NCB tăng đột biến có thể do chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực kể từ 30.6 vừa qua. Theo đó, các khoản nợ tái cơ cấu không được trả nợ đúng kỳ sau thời điểm này sẽ ngay lập tức trở thành nợ xấu, và các khoản nợ khác của cá thể đi vay đó tại cùng hoặc các tổ chức tín dụng khác sẽ cùng bị xếp hạng tại nhóm nợ thấp nhất.

Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu tăng quá mạnh như tại NCB cũng là điều khá kỳ lạ trong bối cảnh ngành ngân hàng nỗ lực kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

ncb.jpg
Ngân hàng NCB lỗ 180 tỉ đồng, nợ xấu tăng mạnh lên trên 14%

Giải trình về việc lợi nhuận sau thuế quý 3/2022 trên báo cáo tài chính riêng lẻ và báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng bị lỗ, NCB cho biết, lợi nhuận sau thuế TNDN lỗ và giảm 261 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021 do thu nhập lãi thuần giảm 442 tỉ đồng. Mặc dù, theo ngân hàng này, thu nhập phi tín dụng của ngân hàng tăng 38 tỉ đồng, chi phí hoạt động giảm 38 tỉ đồng, chi phí dự phòng giảm gần 85 tỉ đồng.

Về lợi nhuận sau thuế lũy kế từ đầu năm đến hết quý 3/2022: Thu nhập phi tín dụng của ngân hàng tăng 173 tỉ đồng, tương đương với mức tăng 122%. Trong đó, thu nhập thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng 76 tỉ đồng, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 34 tỉ đồng; thu nhập thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 5 tỉ đồng; thu nhập thuần từ hoạt động khác tăng 59 tỉ đồng.

Tuy nhiên, mức tăng từ thu nhập phi tín dụng không đủ bù đắp mức giảm của thu nhập lãi, giảm 637 tỉ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 69 tỉ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế TNDN của ngân hàng bị lỗ và giảm 344 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân thu nhập lãi thuần giảm và chi phí dự phòng rủi ro tăng bởi ngân hàng đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện trích lập xử lý theo phương án cơ cấu lại; đồng thời ngân hàng này tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đối với báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, những nguyên nhân ở trên cũng khiến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong quý bị lỗ và giảm 260 tỉ đồng so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lũy kế 9 tháng bị lỗ và giảm 345 tỉ đồng so với cùng kỳ 2021.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
26 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng NCB báo lỗ 180 tỉ đồng, nợ xấu tăng mạnh lên trên 14%