Lĩnh vực bất động sản và chứng khoán được cho là còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở thời điểm hiện nay. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền đổ vào hai lĩnh vực này.

Ngân hàng phải kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, chứng khoán

22/04/2021, 19:43

Lĩnh vực bất động sản và chứng khoán được cho là còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở thời điểm hiện nay. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền đổ vào hai lĩnh vực này.

Thông tin này được ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra tại buổi họp báo quý 1/2021 chiều nay 22.4. Theo đó, ông Tuấn Anh cho biết tính đến ngày 16.4 vừa qua, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.499.546 tỉ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020.

Tín dụng bất động sản hiện đang chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong 3 tháng đầu năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng vào bất động sản đạt khoảng 3%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 2,93%. Mức tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng mạnh phải kể đến quý 1/2019, tăng tới hơn 5,7%.

tin-dung-bds(1).jpg
Lĩnh vực bất động sản được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay - Ảnh: Internet

Còn dư nợ lĩnh vực chứng khoán đến hết quý 1/2021 là 45.300 tỉ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ. Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát chặt chẽ hoạt động cũng như đầu tư, giám sát chặt chẽ dòng tiền, kiểm tra, kiểm soát sau cho vay đối với các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 40%. Đối với khoản vay từ 4 tỉ đồng trở lên thì sẽ áp dụng hệ số rủi ro là 150% nhằm hạn chế tín dụng đi vào các lĩnh vực rủi ro.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, tại buổi làm việc riêng với Chính phủ mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo về dòng tiền đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Ngân hàng Nhà nước có báo cáo chi tiết về tình hình tăng trưởng tín dụng, dòng tiền vào hai lĩnh vực này. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành báo cáo này và dự kiến chính thức gửi Thủ tướng vào ngày 23.4.

Trước đó tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước ngày 17.4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành Ngân hàng cần tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán. Đối với tín dụng vào bất động sản cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ.

Về những lĩnh vực khác được dư luận quan tâm như: tiền tệ, lãi suất..., ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, với việc điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng đã làm giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay.

Tính đến ngày 16.4 vừa qua, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt.

Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 2.2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12.2020.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Bài liên quan
Thống đốc NHNN: ‘Tín dụng bất động sản được kiểm soát ở mức hợp lý’
Tính đến nay, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát ở mức hợp lý, chiếm 32,12% dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, tăng 8,11% so với cuối năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
26 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng phải kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, chứng khoán