Nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với hơn 500 tỉ USD xuất nhập khẩu mỗi năm được xem là mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics.

Logistics là mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp công nghệ

Tuyết Nhung | 20/04/2021, 15:38

Nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với hơn 500 tỉ USD xuất nhập khẩu mỗi năm được xem là mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics.

Tiềm năng lớn

Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học - Công nghệ ngày 20.4 đã tổ chức hội thảo "Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho doanh nghiệp". Logistics được xem là ngành cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải biển, đường hàng không, đường bộ và quản lý hàng hóa khai báo hải quan hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng, phục vụ chuỗi cung ứng cho ngành hàng bán lẻ.

Nhìn nhận lĩnh vực này năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định đây là một trong những năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Mặc dù chính phủ các nước nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và đặc biệt ưu tiên lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu, nhưng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, các quy định về cách ly, giãn cách xã hội, có những thời điểm, toàn bộ hoạt động gần như bị tê liệt...

804538a61426e678bf37.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo - Ảnh: T.N

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong khi một số nơi, các hoạt động logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, thì một số phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại trở nên quá tải do số lượng người mua hàng và đơn giao hàng tại nhà tăng đột biến. Trong cả hai trường hợp, nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ gặp khó khăn rất lớn để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Thị trường logistics toàn cầu nửa cuối năm 2020 chủ yếu được thúc đẩy bởi việc khôi phục dòng chảy thương mại quốc tế. Hơn nữa, các chính sách thuận lợi hóa thương mại, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 được thực hiện bởi Chính phủ cũng đang hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường.

Theo Báo cáo “Tác động của COVID-19 đến thị trường chuỗi cung ứng và logistics theo ngành dọc (ô tô, sản phẩm tiêu dùng nhanh, y tế, năng lượng và tiện ích, máy móc và thiết bị công nghiệp), phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải), quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 3.215 tỉ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện nay 95% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.

Mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp

Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết thời gian qua sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử đã và đang khiến thói quen tiêu dùng thay đổi từ mua bán truyền thống sang mua hàng trực tuyến.

Bên cạnh đó, nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với hơn 500 tỉ USD xuất nhập khẩu mỗi năm, quy mô vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt đều rất lớn. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics có thể tìm kiếm cơ hội.

0e62abfccf7d3d23646c.jpg
Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: T.N

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và khởi nghiệp (startup) đã ứng dụng công nghệ giúp thay đổi ngành logistics lên một tầm cao mới, đồng thời, giúp chủ hàng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Thứ trưởng Tùng khẳng định: "Dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng. Do đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp. Đồng thời sẽ hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường; tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam... Hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của các doanh nghiệp mà còn cần những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước".

Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14.2.2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Bài liên quan
TP.HCM chú trọng kỹ năng nghề, đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Logistics là mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp công nghệ