Giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn, tạo được lợi nhuận lớn hơn thì sẽ có nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Cách nuôi dưỡng nguồn thu như vậy mới là cách lâu dài.

Ngân sách đâu để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Trí Lâm | 11/01/2017, 11:02

Giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn, tạo được lợi nhuận lớn hơn thì sẽ có nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Cách nuôi dưỡng nguồn thu như vậy mới là cách lâu dài.

Trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mới đây, các đại biểu đều bày tỏ sự băn khoăn về tình khả thi của dự án luật.

Nổi cộm trong đó là quy định về hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Các đại biểu cho rằngquy định như hiện nay là quá rộng, gây khó khăn vềtài chính, ngân sách. Hơn nữa, với hơn 97% doanh nghiệp của Việt Namlà DNNVV thì lấy nguồn lực đâu cho đủ để hỗ trợ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý rằng việc dự thảo luật quy định Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho vay là sai cơ bản so với Luật Ngân sách nhà nước. Việc quy định hỗ trợ tài chính về thuế sẽ “phá vỡ” hệ thống chính sách thuế.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằngcần nghiên cứu kỹ theo tinh thần không được đụng đến những luật đang là rường cột cơ bản của nền kinh tế như các luật về ngân sách, thuế, đất đai...

Cũng băn khoăn về tính khả thi của dự án luật này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ: Nói giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng có giảm được không bởi vì trong 5 năm đầu sản xuất, DNNVV hòa vốn, không lỗ là giỏi, do đóviệc đưa ra chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệpcũng không giải quyết được vấn đề gì.

Do đó, dự án luật này được trả về để tiếp tục hoàn thiện, trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội - ảnh VPQH

Tại cuộc thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên đều cho rằng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật hiện nay là quá rộng, do đó cần rà soát lại. Việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian và phải đi theo xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc hỗ trợ nên tập trung vào những doanh nghiệp có xu hướng phát triển mạnh, phù hợp với mô hình tăng trưởng.

Bên cạnh đó phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không được phá vỡ, nhất là những trụ cột quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế, Luật Đất đai… Tuy nhiên, nếu có đủ điều kiện thì có thể sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại một kỳ họp với hình thức rút gọn.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị một số nội dung cần rà soát lại như việc hỗ trợ qua hình thức tín dụng, bù lãi suất, bởikhông thể hỗ trợ qua con đường ngân sách; rà soát lại số lượng các loại quỹ hỗ trợ, một số quỹ như Quỹ bảo lãnh, Quỹ hỗ trợ phát triển, Quỹ đầu tư mạo hiểm có thể duy trì, một số loại quỹ khác cần cân nhắc, tránh phân tán nguồn lực; cần xem xét lại kỹ thuật lập pháp, trong đó quy định việc xây dựng chương trình cần phải căn cứ theo quy định của luật.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề nói trên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằngchính sách hỗ trợ phải chia rõ theo hai hướng. Thứ nhất là phải có chính sách chung để hỗ trợ cho tất cả các DNNVV. Thứ hai, phải có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp mũi nhọn ở một số ngành nghề nhất định, từ đó có thể tạo ra thế mạnh trong sản xuất kinh doanh, tạo sức lan tỏa cho các doanh nghiệp khác.

“Cần phải xem ngành nào, loại hình doanh nghiệp nào cần quan tâm chứ không thể nào hỗ trợ cho tất cả. Những doanh nghiệp đi vào công nghệ mới, hiện đại, công nghệ xanh… tạo ra năng suất lao động cao thì cần ưu tiên”, ông Thịnh nói.

Theo chuyên gia này, việc dùng một phần ngân sách để hỗ trợ cho DNNVV là cần thiết. Mức độ hỗ trợ tùy từng thời kỳ khác nhau, tùy khả năng của ngân sách mà có những cách hỗ trợ khác nhau.

“Mặc dù tình hình ngân sách hiện nay hết sức khó khăn nhưng tôi nghĩ dùng một phần ngân sách để hỗ trợ cho các DNNVV là cần thiết. Đây là một biện pháp để giúp các DNNVV có được nguồn vốn tốt nhất để cải thiện sản xuất, có được trình độ sản xuất cao hơn, có được sản phẩm tốt để đáp ứng đòi hỏi được thị trường”, ông Thịnh cho hay.

Ông Thịnh nhấn mạnhkinh tế càng khó khăn thì càng phải hỗ trợ các doanh nghiệp và lấy đó nuôi dưỡng nguồn thu. Khi giúp các DNNVV có vốn, tạo được lợi nhuận lớn hơn thì sẽ có nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Cách nuôi dưỡng nguồn thu như vậy vẫn là cách lâu dài, gốc rễ.

“Có rất nhiều khoản chi mà chúng ta có thể tiết kiệm được để lấy kinh phí hỗ trợ cho các DNNVV. Vấn đề là chúng ta có đặt ra là phải hỗ trợ, nên hỗ trợ hay không mà thôi. Nếu đã thấy cần phải làm thì chúng ta có thể cắt giảm chi tiêu, lãng phí ở chỗ khác, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Cái lãng phí nhìn vậy thôi chứ rất lớn”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo PGS Thịnh, Nhà nước có thể đi vay ưu đãi rồi cho các DNNVV vay lại. Họ không cần lãi suất quá thấp, chỉ cẩn ở mức tiếp cận được là ổn rồi. Hiện nay vấn đề là họ không thể tiếp cận được tín dụng. Tất nhiên, để cho vay thì phải có những điều kiện đi kèm chứ không thể cho vay tràn lan.

Ông Thịnh cũng cho rằng không nên thành lập quá nhiều các quỹ, như vậy vừa không hiệu quả vừa khó quản lý, lại phân tán nguồn lực. Chỉ nên lập một số ít quỹ và quản lý thật tốt, kêu gọi xã hội hóa, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân sách đâu để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?