Trên trang facebook của mình, ngày 4.4.2018, luật sư Lương Văn Lý cho rằng: “Vụ phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư nay đã ngã ngũ. Có 53 vị được công nhận, 41 vị hoặc bị loại, hoặc tự nguyện rút lui”, “Thêm một đòn rất bạo liệt đã được chính những công chức, viên chức cấp cao của chính quyền này giáng vào tính cách mạng, vào những giá trị vẫn được xem là cốt lõi của hệ thống chính trị này”.

Ngành giáo dục cần lắm một cuộc chấn hưng toàn diện

14/04/2018, 01:56

Trên trang facebook của mình, ngày 4.4.2018, luật sư Lương Văn Lý cho rằng: “Vụ phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư nay đã ngã ngũ. Có 53 vị được công nhận, 41 vị hoặc bị loại, hoặc tự nguyện rút lui”, “Thêm một đòn rất bạo liệt đã được chính những công chức, viên chức cấp cao của chính quyền này giáng vào tính cách mạng, vào những giá trị vẫn được xem là cốt lõi của hệ thống chính trị này”.

Sự xuống cấp của nền giáo dục nước ta không chỉ ở mặt ngoài, ở phương pháp, mà đã ở tận cốt lõi, tâm hồn, giá trị bên trong - Minh họa: nguồn internet

Rất đồng ý với ông. Đúng là “thêm một đòn bạo liệt”, vì trước đây và trong vòng vài năm nay, liên tiếp những đòn bạo liệt đánh vào các giá trị cao nhất, cốt lõi nhất của xã hội mà bộ Giáo Dục Đào Tạo (GD-ĐT) phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ và phát triển.

Nước Pháp, một trong những trung tâm giáo dục - văn hóa lâu đời của thế giới, xem Nền Tảng Căn Bản của Kiến Thức, Kỹ Năng, Văn Hóa cho Công Dân là giá trị cốt lõi của nền giáo dục. Sứ Mạng của nền Giáo Dục là trang bị cho học sinh, sinh viên nền tảng đó đủ để họ thành một công dân tích cực của xã hội tương lai

Việt Nam ta, cho dù có những khác biệt về nền chính trị và cách tổ chức xã hội, tôi tin vẫn chia sẻ những giá trị chung với thế giới trên khía cạnh nhân bản, khai phóng, đạo đức học thuật... của môi trường giáo dục, những giá trị chung của xã hội như tính trung thực, lòng nhân ái, lòng kính trọng, yêu thương giữa nhà giáo và học sinh, sinh viên... Đó là các giá trị kết nối các thành viên của một xã hội, các giá trị của một xã hội lành mạnh và tiến bộ. Đáng buồn và đáng lo thay, nhìn lại những gì đã xảy ra, các giá trị cốt lõi có tính kết nối đó đang bị xâm phạm rất nặng nề.

Các đây hai năm, những cô giáo ở Hà Tĩnh bị điều đi ngoài giờ để “phục vụ lễ tân cho Liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh” và sau đó “còn phải đi cùng quan khách tới một nhà hàng ở TX. Hồng Lĩnh ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò” mà nhiều người nhận xét rằng có tính cách “bia ôm”! Nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một trong nhiều sự việc tương tự hay tệ hơn đã xảy ra. Có chăng những Bạc Hạnh, Bạc Bà chen chân vào ngành giáo dục?

Các vụ bạo hành học đường liên tiếp xảy ra. Cô giáo nhà trẻ đánh đập trẻ, thầy đánh trò, trò đánh thầy, thầy đâm trò, trò đâm thầy... Chuyện phụ huynh vào trường bắt cô giáo quỳ xin lỗi thì thật đã khiến người ta kinh sợ cho tương lai giáo dục nước nhà. Vài tuần sau đó lại thêm phụ huynh vào trường đánh vào bụng cô giáo đang mang thai... Nền Giáo Dục Việt Nam đã giận dữ được chưa?

Bằng giả, bằng gian, vài mươi năm trước xuất hiện lén lút, giờ thì tràn lan! Hãy hòa vào đám đông xã hội để nghe những thông tin rao bán bằng cử nhân, tiến sĩ với đủ mức giá. Con số giáo sư được phong cùng với trình độ giáo sư được phong khiến người ta ngao ngán. Càng ngao ngán hơn khi nhìn cách xét duyệt của Hội đồng Chức danh Nhà nước. Phải chăng vàng, thau, thật, giả lẫn lộn ngay ở tầng lớp được xem là tinh hoa? Một số giáo sư, tiến sĩ có uy tín và tự trọng không còn muốn đứng chung sân khấu với các giáo sư, tiến sĩ giấy. Xã hội còn lại bao nhiêu lòng tin vào mức độ tri thức và đạo đức của cái tập thể có trách nhiệm bắt nhịp, cầm cương, hướng dẫn tri thức và đạo đức? Nền Giáo Dục Việt Nam đã khóc được chưa?

Có mối liên hệ nhân quả một cách biện chứng giữa những sự việc nêu trên không?

Thực trạng đã khiến người ta đau lòng về bức tranh giáo dục trước mắt, cách phản ứng của giới chức quyền có trách nhiệm càng khiến người người ta thất vọng! Bộ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo, người lãnh đạo cao nhất ngành giáo dục quốc gia cho rằng việc những cô giáo ở Hà Tĩnh bị điều đi ngoài giờ để “phục vụ lễ tân ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò” chỉ là "chuyện vui vẻ thôi".

Các vụ bạo hành học đường từ chục năm nay, càng lúc tần số càng dầy, tính chất càng nghiêm trọng, mà chưa thấy một kế hoạch chính trị nghiêm túc nào được đưa ra, thậm chí chưa có sự bày tỏ mối quan tâm thích đáng từ lãnh đạo. Chỉ có vài biện pháp chắp vá cùng với vài phát biểu trống rỗng để xoa dịu dân chúng.

Vụ phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, sau các phản ứng của dư luận xã hội, sau yêu cầu rà soát của Thủ tướng, nay đã ngã ngũ. Có 53 vị được công nhận, 41 vị hoặc bị loại, hoặc tự nguyện rút lui! Rà soát 94 hồ sơ, 41 bị loại vì lý do rành rành là thiếu minh chứng, sai quy định. Việc xét duyệt phong chức danh vốn từ lâu bị công chúng nghi ngờ, giờ cho thấy có quá nhiều khuất tất. Bài xã luận của tờ SGGP ngày 4.4.2018 lên tiếng về “sự gian dối trong kê khai” và yêu cầu “một sự xử lý nghiêm khắc” chứ không thể “huề cả làng”. Ngay bản thân vị Chủ tịch Hội đồng Chức danh Nhà nước, đương kim Bộ trưởng bộ GD-ĐT cũng có điều tiếng.

Cách ứng xử thông thường trên thế giới của một vị lãnh đạo trước cáo buộc như thế là lên tiếng minh bạch quan điểm, vị thế của mình. Sau đó đứng qua một bên cho các điều tra độc lập được tiến hành. Việc làm này không chỉ để tự khẳng định sự trong sạch của mình, mà còn có ý nghĩa quan trọng bảo vệ tính minh bạch và trung thực trong ngành giáo dục nói riêng và trong xã hội nói chung. Điều đáng kinh ngạc và đáng thất vọng là cho tới nay, gần hai tháng sau các lùm xùm, Bộ trưởng bộ GD-ĐT vẫn chưa lên tiếng với công chúng.

Theo quan sát của tôi, sự xuống cấp của nền giáo dục nước ta không chỉ ở mặt ngoài, ở phương pháp, mà đã ở tận cốt lõi, tâm hồn, giá trị bên trong. Tham nhũng, gian lận, dối trá... đã tới mức đục ruỗng môi trường giáo dục chưa? Chúng ta cùng bình tĩnh xem những gì đã xảy ra, những gì lãnh đạo đã ứng xử, có phải những giá trị cao quý nhất đã bị tàn phá tới tận cốt lõi hay không? Nhà dột từ nóc, căn bệnh xã hội này chỉ có thể được điều trị bắt đầu từ nóc nhà: Việt Nam đang rất cần người lãnh đạo có tầm tri thức cao, thiết tha với đạo đức, có đủ uy tín đ tạo niềm tin, gợi cảm hứng, xốc tinh thần, tập hợp những nguồn lực xã hội xây dựng lại nền móng đạo đức giáo dục nước nhà.

Vẫn biết, đạo đức xã hội bị suy thoái tới mức này có trách nhiệm toàn xã hội, nhưng điểm đột phá cho công cuộc chấn hưng toàn diện nên là ngành giáo dục. Vừa bởi vị trí quan trọng của ngành, vừa bởi ngành đang cho thấy có rất nhiều bất cập trong việc vực dậy đạo đức trong sáng, cao đẹp của ngành.

Phải chăng đây mới là vấn nạn lớn nhất, vấn nạn trung tâm của mọi vấn nạn trong ngành giáo dục?

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục bị tuyên án 12 năm tù
HĐXX cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch NXB Giáo dục) 12 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành giáo dục cần lắm một cuộc chấn hưng toàn diện