Không ít tiếng cười và rất nhiều nước mắt là những gì khán giả sẽ trải nghiệm với tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc mang tên ‘Ngày không còn mẹ’ vào những ngày cuối năm 2017 này. Phim xoay quanh bi kịch của những gia đình có con bị thiểu năng nhưng không hề nhuốm màu bi lụy mà sáng lên sức mạnh của tình yêu thương.

Ngày không còn mẹ: Câu chuyện về tình mẫu tử lấy rất nhiều nước mắt của khán giả

Kim Vân | 14/12/2017, 06:34

Không ít tiếng cười và rất nhiều nước mắt là những gì khán giả sẽ trải nghiệm với tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc mang tên ‘Ngày không còn mẹ’ vào những ngày cuối năm 2017 này. Phim xoay quanh bi kịch của những gia đình có con bị thiểu năng nhưng không hề nhuốm màu bi lụy mà sáng lên sức mạnh của tình yêu thương.

Một ngày bình thường của bà Ae-soon bắt đầu bằng việc rầy la In-gyu – đứa con trai dù đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn mang trí tuệ của đứa trẻ lên 5! Ngày nào cũng vậy, dù khỏe hay bệnh, bà vẫn phải dậy sớm lo cho In-gyu từ những việc hết sức giản đơn như đánh răng, cạo râu, thay đồ, chuẩn bị bữa sáng rồi đưa con đi làm cùng.

Rồi đến một hôm, bà Ae-soon nhận ra thời gian bên cạnh đứa con trai khù khờ của mình đang cạn dần do khối u ở não ngày càng to. Viễn cảnh về cuộc sống của đứa con thiểu năng không thể tự làm được bất cứ việc gì khiến bà vô cùng lo lắng. Sự chậm phát triển trí tuệ của In-gyu có thể khiến cậu gặp nguy hiểm ở bất cứ đâu, bị lạc đường, bị tấn công, bị tai nạn giao thông, vv… Thế nhưng tình yêu vô bờ bến của người mẹ khiến bà không cam tâm gửi con vào trại tâm thần.

Và bà quyết định hành động, chuẩn bị cho con một cuộc sống tự lập thay vì ngồi đó ôm nỗi phiền muộn. Bà Ae-soon bắt đầu lên danh sách các việc cần làm, kiên nhẫn dạy con từ chuyện đánh răng, thay đồ cho đến nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, cách đi xe buýt, vv... Và quan trọng nhất là tìm được cho cậu một công việc phù hợp để con tự nuôi sống được bản thân về sau. Tiếp sức cho bà là những người dân tốt bụng trong khu phố, từ ông tổ trưởng, cô giáo trẻ cho đến vị cha xứ,.. Họ là những người góp phần làm cho cậu bé to xác In-gyu cảm thấy được yêu thương, được hòa nhập với xã hội và từ đó có những tiến bộ không ngờ.

Đề tài thiểu năng không phải là hiếm gặp trong điện ảnh, nhưng bằng góc nhìn rất riêng của mình, đạo diễn Cho Young-jun đã thổi vào phim, không phải sự bi lụy nhằm tìm kiếm sự cảm thông với những khó khăn của các bậc cha mẹ có con bị thiểu năng, mà là sự kiên cường, sẵn sàng đối mặt và vượt qua những khó khăn ấy. Tình yêu thương chính là sức mạnh biến điều tưởng như không thể thành có thể. Bộ phim vì thế trong nỗi đau vẫn ngời lên sự lạc quan, trong những giọt nước mắt vẫn có nụ cười.

Nữ diễn viên Goh Doo-shim và nam diễn viên Kim Sung-Kyun đã thể hiện không thể thành công hơn vai diễn hai mẹ con với đầy đủ các sắc thái, vừa yêu thương, vừa giận dỗi, khi mạnh mẽ, lúc xót xa…

Phim truyền hình Hàn Quốc từng có thời gian bị cho là sến khi khai thác một cách quá mức bi kịch của nhân vật, khiến các tập phim nối dài lê thê. Thế nhưng “căn bệnh sến made in Korea” hoàn toàn không xảy ra ở bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Cho. Những tình tiết gây khóc cười một cách hợp lý đã thực sự gây xúc động, chứng tỏ phim tâm lý Hàn Quốc ngày càng được thực hiện ở mức độ tinh tế và sâu sắc hơn.

Ngày không còn mẹ có mặt tại các rạp chiếu trên toàn quốc từ ngày 15.12.2017.

Kim Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày không còn mẹ: Câu chuyện về tình mẫu tử lấy rất nhiều nước mắt của khán giả