Trong những năm gần đây, giới thiết kế và các nghệ sĩ đã chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và tương lai của đại dương bằng các dự án nghệ thuật dưới nước.
Dự án công viên khổng lồ dưới nước đang triển khai tại Mỹ
Tại Mỹ, một dự án quy mô lớn về môi trường đang được triển khai. Đó là công viên khổng lồ dưới nước ReffLine dài 11,2km ở bãi biển Miami và rạn san hô nhân tạo ở Floria.
Dự án đang được thiết kế bởi Shohei Shigematsu của công ty kiến trúc OMA, cùng với một nhóm các nhà thiết kế, sinh học biển, nhà nghiên cứu và kỹ sư ven biển. ReffLine định hướng trở thành môi trường sống quan trọng cho các sinh vật rạn san hô có nguy cơ tuyệt chủng, thúc đẩy đa dạng sinh học và tăng cường khả năng phục hồi ven biển.
ReffLine sẽ được xây dựng nhờ một loạt các đơn vị mô đun hình học cụ thể được triển khai và xếp chồng lên nhau theo địa hình của đáy biển.
Theo nhóm nghiên cứu, vật liệu ban đầu sẽ bao gồm bê tông và đá vôi vì về mặt hóa học chúng giống với chất nền có trong các rạn san hô tự nhiên.
Dự án công viên ReffLine dự kiến sẽ được xây dựng theo 7 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên có thể hoàn thành vào tháng 12. 2021.
Dự án sẽ là nơi thu hút đông đảo khách du lịch quan tâm đến sinh thái cũng như những người yêu nghệ thuật.
Nghệ thuật cứu đại dương
Theo Hiệp hội Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), các lãnh địa rạn san hô thúc đẩy sự đa dạng sinh học và khoảng một phần tư số cá trên đại dương phụ thuộc vào chúng để tồn tại. Trong những năm gần đây, san hô của Nam Florida đã bị chết với tỷ lệ chưa từng có do dịch bệnh và tẩy trắng, được cho là do nước ấm lên - và đó không phải là vấn đề địa phương mà là vấn đề toàn cầu. Đáng báo động một nghiên cứu gần đây cho thấy hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, Great Barrier Reef, đã mất đi 50% tuổi thọ của san hô trong 3 thập kỷ qua.
Trong những năm gần đây, thế giới nghệ thuật và thiết kế đã chú ý đến tương lai quan trọng mà các rạn san hô phải đối mặt. Vào năm 2019, Pantone đặt tên là Living Coral là màu của năm, cảnh báo rằng màu sắc sống động này đang biến mất khỏi đáy đại dương, khi nhiệt độ nước tăng lên đã tẩy trắng dần các khu vực này.
Cùng năm đó, nhà bảo tồn và nhà điêu khắc dưới nước Jason deCaires Taylor đã trình làng một tác phẩm điêu khắc công cộng có tên "Ocean Siren" ngoài khơi bờ biển Queensland, Úc mô tả sự đổi màu khi nhiệt độ nước biển dao động.
"Ocean Siren" là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được đưa vào Bảo tàng Nghệ thuật Dưới nước (MOUA) của Úc, ở Townsville. Giờ đây, dự án công viên ReefLine của Mỹ gia nhập MOUA cũng như các bảo tàng nghệ thuật dưới nước ở Cancun và Florida với vị trí là điểm thu hút nghệ thuật dưới biển mới nhất.
Những nhà nghiên cứu, thiết kế và nghệ sĩ tham gia dự án mong rằng dự án dưới nước sẽ là “cách trải nghiệm nghệ thuật hoàn toàn khác biệt”.