Báo Guardian ngày 21.5 đưa tin: một nhóm nghị sĩ cảnh báo chính phủ Anh phải chặn tình trạng tiền mặt của các quan chức Nga tham nhũng được “rửa” đang đe dọa an ninh của xứ đảo sương mù.
London là trung tâm tài chính của Anh, đã nhận dòng tiền mặt Nga chảy qua từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, và giới quan chức, đại gia Nga vẫn rất hứng thú với sự giàu có của họ ở London cũng như các địa danh sang trọng của châu Âu.
Trong báo cáo mang tựa Vàng của Moscow: nạn tham nhũng Nga ở Vương quốc Anh, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh viết chính phủ Anh lơi lỏng trong việc xử lý nạn rửa tiền cấp quốc tế, đang khiến dòng tiền “trôi thẳng vào tay các chế độ có thể gây hại cho nước Anh, quyền lợi của nước Anh và của các đồng minh".
Tài liệu nêu chính phủ Thủ tướng Theresa May đang gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, khi cho phép nhóm nắm quyền cai trị ở Ngasử dụng thành phố London để “rửa tiền” của họ và lách cách lệnh trừng phạt nước Nga.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Tom Tugendhat nói: “Chúng ta không thể cho phép họ “làm ăn như bình thường” nữa. Nước Anh phải nói rõ với nạn tham nhũng tràn lan từ Kremlin sẽ không còn được đón chào ở các thị trường của chúng ta và chúng ta sẽ hành động. Không còn lý do nào cho phép Anh làm ngơ”.
Báo cáo nói việc Anh yếu kém trong việc ngăn chặn dòng “tiền bẩn” được phát hiệntiếp sau vụ cựu đại tá tình báo phản Nga Sergel Skripal cùng con gái bị đầu độc ở thành phố Salisbury ngày 4.3, và dù Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ này, Nga vẫn luôn tuyên bố không dính líu.
Báo cáo viết: “Vào ngày 16.3, tức hai ngày sau khi chính phủ tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, chính phủ Nga vẫn kiếm được 4 tỉ USD từ bán cổ phiếu, mà gần một nửa số cổ phiếu này được các nhà đầu tư ở Anh mua. Sự dễ dãi này đã khiến chính phủ Nga có thể gây quỹ ở London, bất chấp những biện pháp mạnh mẽ mà chính phủ Anh đã thực hiện sau vụ tấn công ở Salisbury, dẫn đến các câu hỏi về quyết tâm của chính phủ trong việc chống nhà nước Nga hung hăng ”.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh nói: chính phủ Anh phải “làm rõ, rằng \Điện Kremlin không còn được đón chào ở các thị trường của chúng ta. Chúng ta phải đoàn kết trong nỗ lực giữ lời tuyên bố bằng những hành động, tại thủ đô, trong chính sách đối ngoại và với các đồng minh ở Mỹ, G7 và EU”.
Ông còn đề nghị Bộ Ngoại giao Anh lập chiến lược chống Nga dễ hiểu, có thể kết nối các công cụ tài chính, ngoại giao và quân sự, “để Anh có thể chống lại nhà nước Nga hung hăng”.
Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh đề nghị chính phủ Anh khắc phục những sơ hở trong việc cấm vận Nga, và gợi ý gia hạn cấm vận, để mở rộng nhóm mục tiêu bị trừng phạt là những người Nga thân cận chế độ của Tổng thống Putin.
Theo báo Independent, báo cáo không cung cấp thông tin mới về “tiền bẩn” của Nga được “rửa” ở Anh, chỉ dựa trên các thông tin đã công bố, các bài báo. Báo cáo thể hiện cả sự nghi ngờ chính phủ Anh liệu có điều tra và truy tố về chuyện này trong tương lai gần?
Và dù chính phủ Anh ngưng tiếp xúc cấp cao với Nga, nhưng các nước phương tây khác dù trục xuất những nhà ngoại giao Nga để ủng hộ Anh, lại vẫn tiếp xúc ở cấp cao với Nga.
Ví dụ Thủ tướng Đức Angela Merkel đến thành phố biển Sochi để gặp Tổng thống Putin ở tư dinh của ông hôm 18.5. Ở đó, ông tuyên bố sẽ chống bất kỳ toan tính nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm ngăn chặn dự án tuyến ống dẫn khí Nord Stream 2.
Đây là dự án sẽ giúp Nga xuất khẩu thêm khí đốt đến vùng Bắc Âu, nhưng mới đây, một quan chức chính phủ Mỹ nói: Washington quan ngại về dự án này, và các công ty tham gia dự án sẽ bị Mỹ trừng phạt nặng .
Trong tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng qua Nga để gặp Tổng thống Putin ở St Petersburg, trong khi chính phủ mới của Ý nói sẽ dỡbỏ lệnh cấm vận Nga.
Bích Ngọc (theo Guardian)