Tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX, đại biểu cho rằng dù có cải tiến cỡ nào đi chăng nữa thì TP.HCM luôn loanh quanh vướng mắc về vốn. Vì vậy, Trung ương cần xem xét tỷ lệ điều tiết vốn hợp lý để TP.HCM không bị vướng vốn, các dự án thuận lợi, đô thị phát triển nhanh.
Ngày 8.12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX bước sang ngày làm việc thứ hai, với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, thu ngân sách và đầu tư công.
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn trước tình trạng nguồn vốn đầu tư công được phân bổ đã ít nhưng tiến độ giải ngân lại chậm khiến nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, tính đến hết tháng 11.2019, vốn cân đối ngân sách TP.HCM đã giải ngân đạt 58,9% so với kế hoạch và dự kiến giải ngân đạt 90% kế hoạch vốn do UBND TP giao. Trong khi đó, tổng số vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu đã giải ngân đến hết là 1.316 tỉ đồng, đạt 66,9% kế hoạch đã được Thủ tướng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư giao (1.969 tỉ đồng).
Bà Huỳnh Mai cho biết, tỷ lệ giải ngân chậm là do khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công năm 2014, một số dự án vốn lớn vướng mắc về thủ tục đầu tư. Nhiều dự án giải ngân chậm do chủ đầu tư không chủ động đề xuất nhu cầu cho từng dự án, không kiểm tra giám sát để báo cáo cấp trên điều chỉnh kế hoạch vốn. Đặc biệt, có 4.000 tỉ đồng chưa thể giải ngân do vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.HCM còn thực hiện chậm, kéo dài, đôi khi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, người dân phản ứng quyết liệt và ít hợp tác trong quá trình thực hiện các bước của công tác bồi thường.
Trong khi đó, chủ đầu tư chưa quan tâm, đẩy nhanh công tác quyết toán dự án hoàn thành. Một số dự án thực hiện điều chỉnh nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; việc thực hiện giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án còn hạn chế, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư công, làm kéo dài thời gian trình, thẩm định và phê duyệt dự án.
Ngoài ra, vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn gặp khó khăn do vướng thủ tục điều chỉnh dự án. Vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ giải ngân thấp do vướng hồ sơ thủ tục pháp lý.
Để đẩy nhanh vốn đầu tư công, bà Mai cho hay TP.HCM sẽ điều tiết nguồn vốn từ các dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân khả thi; dự án nào tốt thì bố trí thêm nguồn vốn, đồng thời cắt nguồn vốn ở các dự án không hiệu quả.
Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, có nhiều dự án triển khai nhưng sau đó thoái vốn lại do khi triển khai vướng công tác giải phóng mặt bằng khiến việc giải ngân chậm, không đạt tiến độ thực hiện buộc phải trả vốn lại. Điều này dẫn đến nghịch lý vừa thiếu vốn, vừa thừa vốn. Khi thừa vốn phải chuyển vốn sang dự án có tính khả thi cao nhưng dự án đó lại không nhiều.
"Đây là nghịch lý lạ lùng, vừa thiếu vốn mà lại vừa thừa vốn, khi thừa vốn chúng ta cố gắng chuyển vốn sang dự án có tính khả thi cao, nhưng những dự án này lại không nhiều nên lại tiếp tục bị kẹt vốn", ông Thắng nhận định.
Đại biểu Thắng cho rằng dù có cải tiến cỡ nào đi chăng nữa thì TP.HCM cũng luôn loanh quanh vướng về vốn. Vì vậy, Trung ương cần xem xét tỷ lệ điều tiết vốn hợp lý để TP.HCM không bị vướng vốn, các dự án thuận lợi, đô thị phát triển nhanh.
Theo tờ trình của UBND TP.HCM về tình hình kế hoạch đầu tư công năm 2019 và kế hoạch đầu tư công năm 2020, dự kiến kế hoạch năm 2020, khả năng cân đối, nguồn vốn Trung ương là 8.198,552 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 3.153,561 tỉ đồng; vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 5.044,991 tỉ đồng.
Đối với vốn ngân sách thành phố, UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua nguồn vốn cân đối ngân sách bố trí cho kế hoạch đầu tư công năm 2020 là 33.952,364 tỉ đồng. Đồng thời, cho phép UBND TP.HCM bố trí vốn theo khả năng cân đối ngân sách, huy động vốn đến đâu bố trí vốn đến đó, thực hiện nhiều giải pháp nhằm huy động thêm các nguồn vốn khác để chi cho đầu tư công, phấn đấu tổng mức vốn cho đầu tư công năm 2020 đạt chỉ tiêu Trung ương giao.
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, để bảo đảm mức dư nợ của thành phố trong hạn mức cho phép đủ điều kiện triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, UBND TP.HCM đã đề xuất 3 phương án. Trong đó, có phương án kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ điều tiết thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, tỉ lệ điều tiết là 18% (Quốc hội đã quyết định). Giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ điều tiết là 24% (tăng 6% trong 5 năm). Giai đoạn 2026-2030, tỉ lệ điều tiết là 33% (tăng 9% trong 5 năm), bằng mức điều tiết của năm 2003.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá tỉ lệ ngân sách hiện nay được Trung ương điều tiết cho thành phố 18% là cực kỳ thấp, thậm chí là thấp nhất thế giới. Do vậy, UBND TP.HCM đang nghiên cứu, kiến nghị Trung ương điều chỉnh tỉ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, có đề nghị tăng tỉ lệ điều tiết hợp lý đối với TP.HCM để bảo đảm thành phố có điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Phan Diệu