"Mỹ và Ấn Độ phải làm việc cùng nhau để đối đầu mối đe dọa từ Trung Quốc với an ninh và tự do". Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo nói điều này hôm 27.10 khi chuẩn bị hội đàm với các nhà lãnh đạo Ấn Độ.

Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn đối phó Trung Quốc

Nhân Hoàng | 27/10/2020, 13:57

"Mỹ và Ấn Độ phải làm việc cùng nhau để đối đầu mối đe dọa từ Trung Quốc với an ninh và tự do". Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo nói điều này hôm 27.10 khi chuẩn bị hội đàm với các nhà lãnh đạo Ấn Độ.

Theo Reuters, ông Pompeo đến New Delhi, thủ đô Ấn Độ hôm thứ 26.10 cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper để đối thoại chiến lược hằng năm vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong khu vực, khi quân đội Ấn đối đầu với Trung Quốc ở biên giới Himalaya đang tranh chấp.

Hôm nay là cơ hội mới để hai nền dân chủ lớn như chúng ta xích lại gần nhau hơn. Chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta có rất nhiều điều để thảo luận hôm nay: Sự hợp tác của chúng ta với đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán, để đối đầu với các mối đe dọa của Trung Quốc với an ninh, tự do nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong toàn khu vực”, ông Pompeo nói trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ - Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - Rajnath Singh.

Tổng thống Donald Trump xem hành động cứng rắn với Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông trước ngày bầu cử 3.11. Ông Pompeo đang cố gắng thúc đẩy các đồng minh để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh: “Chúng tôi kêu gọi Pompeo từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, tư duy tổng bằng không và ngừng nuôi dưỡng mối đe dọa Trung Quốc".

Ấn Độ cũng có những vấn đề riêng với Trung Quốc. Vào tháng 6.2020, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc ở biên giới. Kể từ đó, tâm lý chống Trung Quốc tăng cao ở Ấn Độ và chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tìm kiếm quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ.

Trong tháng này, Ấn Độ đã mời Úc tham gia các cuộc tập trận mà hải quân mà nước này tổ chức hàng năm với Mỹ và Nhật Bản, gạt bỏ lo ngại của Trung Quốc rằng các cuộc tập trận gây bất ổn trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói: “Trọng tâm của chúng tôi bây giờ phải là thể chế hóa và chính quy hóa hợp tác để đáp ứng những thách thức trong ngày và duy trì các nguyên tắc của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong tương lai”.

Hai nước sẽ ký một thỏa thuận quân sự cho phép Ấn Độ tiếp cận dữ liệu bản đồ và vệ tinh tiên tiến của Mỹ để có độ chính xác tốt hơn với tên lửa và máy bay không người lái của họ.

my-va-an-can-doi-xich-lai-gan-nhau-hon-de-chong-trung-quoc.jpg
Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo (đan tay vào nhau), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Mark Esper (trái) chụp ảnh với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - Subrahmanyam Jaishankar (đeo đồng hồ) và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - Rajnath Singh (phải) trước cuộc gặp ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27.10 - ảnh: Reuters

Ở diễn biến khác, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Mỹ vì nói Sri Lanka (quốc đảo ở Ấn Độ Dương) phải đưa ra “những lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết” liên quan đến mối quan hệ với Trung Quốc.

Bình luận của Đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo, thủ đô Sri Lanka được đưa ra trước khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đến đây hôm 27.10. Ông Pompeo đang có chuyến công du châu Á nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

"Chúng tôi kiên quyết phản đối việc Mỹ nhân cơ hội chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ để gieo rắc và can thiệp vào quan hệ Trung Quốc-Sri Lanka, đồng thời ép buộc và bắt nạt Sri Lanka", Đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo nói vào cuối ngày 26.10.

Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm kết nối châu Á, châu Âu và xa hơn nữa, trước sự báo động của Ấn Độ và Mỹ.

Đại sứ quán cho biết mối quan hệ của Trung Quốc với Sri Lanka đã kéo dài 2.000 năm và hai nước không cần bên thứ ba ra lệnh.

Chuyến đi của ông Pompeo tới Sri Lanka và sau đó đến Maldives (quốc đảo khác ở Ấn Độ Dương), được coi là một phần trong nỗ lực chống lại sự thống trị kinh tế của Trung Quốc với các nước nhỏ hơn đã khiến một số quốc gia này lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Trước chuyến đi, Dean Thompson, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, cho biết Sri Lanka phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để đảm bảo nền kinh tế độc lập về lâu dài.

Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại việc ông Pompeo thực hiện chuyến đi vào thời điểm Sri Lanka đang vật lộn với COVID-19.

“Có giúp ích gì cho công tác phòng chống dịch tại địa phương? Có phải vì lợi ích của người dân Sri Lanka”, Đại sứ quán Trung Quốc ở Colombo đặt câu hỏi.

Đại sứ quán cho biết một phái đoàn Trung Quốc do nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì dẫn đầu đã đến thăm Colombo trong tháng này nhưng đã giữ nhân sự và hoạt động ở mức tối thiểu, phù hợp với hướng dẫn ngăn chặn sự gia tăng ca mắc COVID-19.

“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những thực tiễn này với Mỹ, hy vọng sẽ cung cấp một số thông tin tham khảo cho chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ và việc xử lý quan hệ với các nước vừa và nhỏ”, Đại sứ quán Trung Quốc nói.

Bài liên quan
Cố vấn Nhà Trắng nói Trung Quốc là ‘mối đe dọa thế kỷ’
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực và gọi Bắc Kinh là “mối đe dọa thế kỷ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn đối phó Trung Quốc