Tại một tiệm bánh pizza ở trung tâm thành phố Kabul, cả nhân viên lẫn khách hàng đều lo lắng về Taliban – lực lượng cầm quyền mới của Afghanistan.

Người dân Afghanistan có nỗi lo khác ngoài Taliban

Cẩm Bình | 01/09/2021, 09:51

Tại một tiệm bánh pizza ở trung tâm thành phố Kabul, cả nhân viên lẫn khách hàng đều lo lắng về Taliban – lực lượng cầm quyền mới của Afghanistan.

Cũng có những người lo nguy cơ nền kinh tế suy sụp và họ không thể nuôi sống gia đình hơn là việc phải để râu theo quy định Taliban đặt ra lúc cầm quyền trước đây. Số khác lo cho tương lai con cái, hoặc bị hoảng sợ trước cảnh tượng hàng chục nghìn người cố rời khỏi đất nước trong cuộc không vận quy mô lớn 2 tuần qua.

Khi Mỹ cùng đồng minh rút hết quân và Taliban kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, các kế hoạch ra đi vẫn được ấp ủ.

“Tôi phải rời khỏi đây để có thể nuôi gia đình”, ông Mustafa - nhân viên phục vụ của một quán thức ăn nhanh gần tiệm bánh pizza cho biết.

Gia đình Mustafa có 11 người, ông đang suy nghĩ khả năng sang nước láng giềng Iran tìm việc. Lương của ông bị cắt giảm 75% xuống còn dưới 50 USD/tháng kể từ khi Taliban chiếm đóng Kabul và hoạt động kinh doanh sa sút.

Chủ tiệm bánh pizza Mohammad Yaseen ghi nhận doanh thu ngày giảm mạnh. Với đà này ông không thể trả tiền thuê được nữa.

Yaseen lục lọi email cũ, tìm kiếm người quen có thể giúp ông định cư nước ngoài: “Tôi làm vậy không phải vì tôi mà là vì các con”.

Trái ngược với cảnh chen chúc sơ tán tuần trước, phần lớn thủ đô Kabul đã quay lại cuộc sống thường nhật. Giao thông lại đông đúc và hỗn loạn, các khu chợ mở cửa. Thậm chí cảnh sát đứng tại một số chốt giao thông hay vòng xoay chính là người từng làm việc dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani (tháo chạy khi Taliban tiến vào thủ đô).

1000.jpeg
Đường phố Kabul đông đúc trở lại, với sự xuất hiện của chiến binh Taliban - Ảnh: AP

Vài người bán rong mạo hiểm xoay xở kiếm sống bằng cách bán cờ Taliban. Shah Mohammad kiếm được đến 15 USD/ngày nhờ bán cờ đủ kích cỡ, trước đây việc bán vải lau xe chỉ giúp anh kiếm được 4 USD/ngày.

Trong công viên Chaman-e-Hozari rộng lớn, các cậu bé chơi đá bóng và cricket - môn thể thao bị Taliban cấm lúc cầm quyền trước đây. Tranh tường với hình ảnh người phụ nữ bồng con tuyên truyền chăm sóc sức khỏe, cờ Afghanistan, thủ lĩnh Mullah Abdul Ghani Baradar đứng cùng đặc phái viên Mỹ phụ trách đàm phán hòa bình cho Afghanistan Zalmay Khalilzad vẫn còn đó.

ng10001.jpeg
Người bán rong kiếm sống bằng cách bán cờ Taliban - Ảnh: AP

Tuy nhiên nỗi tuyệt vọng về tài chính vẫn phổ biến. Lương chưa được trả, các bộ thuộc chính phủ với hàng trăm nghìn công chức gần như không hoạt động mặc dù Taliban hối thúc mọi người sớm quay lại làm việc.

Bên ngoài ngân hàng quốc gia Afghanistan là hàng dài người chờ rút tiền. Taliban giới hạn số tiền mặt được rút mỗi tuần là 200 USD.

ng1000.jpeg
Hàng dài người xếp hàng chờ rút tiền - Ảnh: AP

Chủ cửa hàng vi tính nhỏ Noorullah không có khách kể từ khi Taliban tiến vào Kabul. Ông không trả nổi tiền thuê mặt bằng nữa.

“Các ngân hàng đóng cửa, người có tiền thì rời khỏi Afghanistan. Chẳng có ai đem tiền đến đây nữa”, Noorullah than vãn.

Noorullah không có cơ hội ra đi, cũng không định ra đi. Nếu nền kinh tế khởi sắc, thì ông sẽ ở lại dù cho Taliban cầm quyền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Afghanistan có nỗi lo khác ngoài Taliban