Ngày 21.7, rất đông người chen chúc tại Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Hoàng Mai, Hà Nội) để chờ xét nghiệm COVID-19 dịch vụ.
Tại Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đã diễn ra tình trạng người dân chen chúc nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn, khiến nhiều người lo lắng. Trước tình trạng chen lấn chờ lấy mẫu xét nghiệm để có thể hoàn thành các thủ tục di chuyển ra vào tại Hà Nội, đại diện của đơn vị này cho biết đã nhắc nhở người dân nhưng do nhu cầu người dân quá lớn dẫn đến quá tải khiến lực lượng bảo vệ cũng bất lực.
Việc phải có bằng được giấy xét nghiệm có kết quả âm tính COVID-19 là điều kiện bắt buộc để các lái xe và những người thường xuyên phải di chuyển giữa các tỉnh có thể đi lại các chốt kiểm soát. Giấy có giá trị trong vòng 3 ngày. Hiện nhiều tỉnh, thành như: Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang... yêu cầu người vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính giá trị trong 2 đến 3 ngày.
Chính vì sự chen lấn, không đảm bảo khoảng cách của người dân, dễ dẫn đến việc lây lan dịch bệnh nguy hiểm, Thường trực Ban Bí thư đã có công đện khẩn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bão giãn cách tại nơi tập trung đông người, nâng cao ý thức phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư đã yêu cầu toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Các tỉnh cần chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt.
Thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các vùng, địa phương có nguy cơ cao, nhằm kiểm soát kịp thời và khống chế hiệu quả, không để dịch lan rộng. Triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và ngành Y tế cần tiếp tục chỉ đạo kịp thời các địa phương xây dựng kịch bản, giải pháp cụ thể phòng, chống dịch như: phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị...
Các cấp, các ngành chủ động phối hợp, đề xuất các chính sách để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về huy động, sử dụng nguồn lực; bảo đảm đầy đủ hàng hoá thiết yếu; chủ động nguồn lực để mua sắm trang, thiết bị, vật tư y tế; các giải pháp, phương án hỗ trợ, chi viện hiệu quả cho các địa phương gặp khó khăn, địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, khu vực đông dân cư.
Lực lượng vũ trang ngoài việc tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương có các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ. Kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh xuyên tạc, kích động, chống phá làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cản trở công tác phòng, chống dịch. Tránh tâm lý chủ quan khi đã áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là sau khi tiêm vắc xin; tránh khai thác đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.