Đạp xe để rèn luyện sức khỏe trong mùa dịch cũng là cách để tận hưởng không khí trong trẻo của bình minh, hoàng hôn, đạp xe để ngắm cảnh sông nước, thả lỏng tinh thần khoải mái, giải tỏa những áp lực trong cuộc sống.

Người dân hào hứng đạp xe sau khi cuộc sống dần trở về bình thường mới

Tô Văn | 14/10/2021, 10:50

Đạp xe để rèn luyện sức khỏe trong mùa dịch cũng là cách để tận hưởng không khí trong trẻo của bình minh, hoàng hôn, đạp xe để ngắm cảnh sông nước, thả lỏng tinh thần khoải mái, giải tỏa những áp lực trong cuộc sống.

Chọn môn xe đạp để rèn luyện sức khỏe

Từ khi tỉnh An Giang ra văn bản chủ trương cho phép các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời trong tình hình mới, thì trên các con đường thành phố TP.Long Xuyên xuất hiện nhiều người lái xe đạp ở các công viên hoặc đường phố.

Những chiếc xe đạp được người chạy đầu tư với mức giá trung bình, thấp, cao (tùy theo túi tiền-PV) thì mục đích của họ để phục vụ cho việc rèn sức khỏe trong mùa dịch. Việc người dân chọn môn xe đạp vì đây là môn chơi ít tập trung đông người nhất, đồng thời lôi cuốn sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội.

1-xe-dap-lx.jpg
Đạp xe trong mùa dịch dần quay trở lại và có thể ghi nhận đây là trao lưu, lôi cuốn sự tham gia của mọi tầng lớp - Ảnh: Tô Văn

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, tại các phường Mỹ Phước, Bình Khánh, Mỹ Long và tại các tuyến đường trên TP.Long Xuyên, cứ khoảng sáng sớm hay gần cuối giờ chiều, sẽ xuất hiện vài người lái xe đạp ở các công viên hoặc đường phố.

Ông Trần Thanh Tuấn (48 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) cho biết, bản thân thường xuyên thích luyện tập thể dục thể thao ngoài trời. Nhưng trong mùa dịch này, ông chỉ chọn môn xe đạp để giúp cơ thể dẻo dai hơn và giảm bớt lão hóa.

“Cơ thể của tôi đến lứa tuổi trung niên bắt đầu lão hóa nên thường khá yếu. Vì thế, tôi không thể chơi những môn vận động mạnh. Vì vậy, chỉ có xe đạp là thích hợp cho việc tôi luyện tập, đồng thời không vi phạm quy định tập trung đông người”, ông Tuấn bộc bạch.

Cũng theo ông Tuấn, đạp xe ngoài việc rèn luyện sức khỏe còn có cái thú được ngắm cảnh đồng quê, sông nước. Từ đó sẽ giải tỏa, giảm tress trong công việc. Ngoài ra, trong mùa dịch COVID-19 việc tăng sức đề kháng rất quan trọng, chính vì thế việc đi xe đạp rất hữu ích.

3-xe-dap-lx.jpg
Những chiếc xe đạp được người chạy đầu tư với mức giá trung bình, thấp, cao (tùy theo túi tiền) thì mục đích của họ để phục vụ cho việc rèn luyện sức khỏe trong mùa dịch - Ảnh: Tô Văn

Tương tự, chị Hồng Chi (một công chức tỉnh An Giang) cho biết, cứ cuối giờ chiều sau khi đi làm về là bản thân chị xách xe đạp ra chạy vài vòng công viên cho tinh thần thoải mái, và giữ vóc dáng.

“Xe đạp là phương tiện rèn luyện sức khỏe không hề lạ lẫm. Đó là chiếc xe gắn bó với mỗi người từ lúc bé cho đến khi bạn làm quen với xe máy, xe ô tô. Nhưng sau nhiều năm dùng loại hình giao thông nhanh và tiện lợi này thì ít ai nhớ đến chiếc xe đạp ngày nào. Hiện nay, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, người ta ăn uống thừa chất nhưng lười vận động. Tập thể dục thì không tập, cần đi đâu là leo lên xe máy hay ô tô. Năng lượng không tiêu hao tích tụ trong người gây ra mỡ thừa. Vì vậy, đạp xe đạp là cách vận động để đốt cháy mỡ thừa hiệu quả, nhanh nhất”, chị Chi nói.

Chị Chi cho biết thêm, bản thân là nữ rất thích đạp xe dạo quanh phố phường, ngoài việc đạp xe giúp cho cơ bắp săn chắc, đốt cháy mỡ thừa, tăng cường tim mạch.. Nó cũng giúp mình giải tỏa những áp lực công việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày.

Từ dòng xe đạp bình dân đến với dòng xe đạp đẳng cấp

Theo giới chơi xe đạp, hiện nay trên khắp đất nước hình thành các nhóm chơi xe, đó là các câu lạc bộ, hội nhóm, diễn đàn.. mang tính xã hội bình đẳng, quy tụ những người cùng sở thích về xe đạp. Có rất nhiều diễn đàn, hội nhóm nổi tiếng với hàng trăm bài viết, trao đổi, tư vấn được đăng lên mỗi ngày, nhằm giúp các thành viên trong diễn đàn hoàn thiện kỹ năng chơi xe, vừa khuyến khích cho các cuộc đi mang tính khám phá và chinh phục.

2-xe-dap-lx.jpg
Ông Nàm (một dân chơi xe đạp mắc tiền) cho biết, chơi xe đạp theo các dân chơi là một thú vui tao nhã và thách thức, nó không ồn ào, không khói xăng, chinh phục các con đường ngắm nhìn mọi lúc, mọi nơi, để mang lại cho chính mình một sức khoẻ bền bỉ và thân hình gọn chắc - Ảnh: Tô Văn

Ông Nàm (52 tuổi, ngụ phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên) vừa dắt chiếc xe đạp trị giá 45 triệu đồng vừa mới ráp xong khoe với người viết bài. Ông Nàm cho biết, xe chơi cho những người theo trào lưu chạy xe đạp không phải là những chiếc xe thông thường. Đó là những chiếc xe đạp đường trường mang những thương hiệu nổi tiếng, như Giant, TrinX, Trek, BMW, Hummer, Fixed gear, Đài Loan.. màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng đa dạng, khỏe khoắn, phù hợp với đường phẳng và vẫn có thể dùng cho các vận động viên đua đường trường. Hay dòng xe MTB (Mountainbike), có cấu tạo chuyên dùng cho các cung đường đồi núi, nhưng khá đắt tiền nên ít ai có thể sở hữu. Do địa hình đường chạy lẫn điều kiện kinh tế mà rất ít người sẵn sàng chi tới vài trăm triệu đồng để chơi xe đạp, mà đa số hài lòng với những chiếc có giá khoảng chục triệu đồng.

“Thực tế chơi xe đạp vừa dễ mà cũng vừa khó. Dễ ở chỗ, nếu chỉ mua một chiếc xe hạng trung bình thì hầu như ai cũng làm được, song khó vì để theo đuổi đam mê thì vừa đòi hỏi đầu tư tài chính, vừa tốn thời gian. Người bình thường ít biết rằng một chiếc cổ phốt thương hiệu danh tiếng có giá tới cả chục triệu đồng, càng khó tin rằng có những mẫu xe đạp mà tại Việt Nam mới chỉ hiện diện vài chiếc, hiếm như xe hơi Rolls-Royce vậy. Đã chơi xe thì phải biết về đồ phụ tùng, và không phải cứ muốn là có ngay cặp bàn đạp, chiếc yên… ưng ý. Như chú thấy đấy, cặp bánh xe của tôi giá thị trường lúc đó là 24 triệu đồng, tôi mê mẫn nhưng không có tiền. Vì vậy, mỗi ngày bỏ ống heo và chờ thiệt giảm giá nhiều năm trời mới sở hữu được nó đó. Hiện bây giờ chính quyền đã cho phép người dân tập thể dục. Vì vậy, mỗi sáng là tôi lấy con xe này ra rảo vào vòng thì bắt gặp nhiều ánh mắt ngưỡng mộ, đồng thời cảm thấy sức khỏe của mình tốt lên so với hai tháng trước”, ông Nàm nói.

4-xe-dap-lx.jpg
Cặp bánh xe đạp trị giá 24 triệu đồng, ông Nàm phải nhiều năm tích cóp dành dụm mới sở hữu được nó - Ảnh: Tô Văn

Ông Nàm cho biết thêm, chơi xe đạp theo các dân chơi là một thú vui tao nhã và thách thức, nó không ồn ào, không khói xăng, chinh phục các con đường ngắm nhìn mọi lúc, mọi nơi, để mang lại cho chính mình một sức khoẻ bền bỉ và thân hình gọn chắc. Qua vòng quay của bánh xe, tâm hồn con người ngày càng thoải mái, yêu đời và hình thành một lối sống đẹp hơn. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện ở TP.Long Xuyên có rất nhiều nhóm chuyên chơi xe đạp mắc tiền trong mùa dịch điển hình nhóm ông bảy Triết (phường Mỹ Long). Nhóm này, chơi xe đạp với giá vài trăm triệu đồng cho mỗi chiếc là chuyện bình thường.

Trước đó, vào ngày 11.10, ông Lê Văn Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký văn bản số 1133/UBND-KGVX về việc chủ trương cho phép các hoạt động Thể dục thể thao (TDTT) ngoài trời trong tình hình mới.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang thống nhất chủ trương cho phép người dân được tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe ngoài trời, nhưng không tập trung quá 10 người tại một điểm và trong cùng một thời điểm, đảm bảo tuân thủ 5K và các quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ y tế.

Sở Văn hóa, thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp với Sở y tế và UBND các địa phương hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện, đảm bảo người dân tham gia hoạt động thể dục thể thao ngoài trời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào mức độ, nguy cơ, điều kiện dịch bệnh của từng khu vực và địa phương quyết định và tự chịu trách nhiệm, đồng thời hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân hào hứng đạp xe sau khi cuộc sống dần trở về bình thường mới