Lượng hàng hóa trong từng giỏ hàng của người tiêu dùng TP.HCM trong vài ngày qua đã giảm mạnh, không còn hiện tượng mua gom. Áp lực cung ứng, phân phối hàng hóa cũng đã tạm ổn.
Áp lực về cung ứng hàng hóa dần ổn định
Tại buổi họp báo của tổ công tác tối 19.7, theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định giãn cách xã hội toàn khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, ngành công thương đã có một số phương án chuẩn bị nguồn hàng trong điều kiện tất cả các địa phương siết chặt phòng chống dịch bệnh.
Qua theo dõi, đặc biệt trong ngày 19.7 cho thấy áp lực phân phối đã tạm ổn. Lượng hàng các doanh nghiệp chuẩn bị tăng mỗi ngày. TP.HCM cũng đã triển khai nhiều phương án phụ trợ để tăng nguồn cung ứng hàng hóa với hàng trăm điểm bán hàng lưu động, bán thực phẩm giá bình ổn đã cung cấp thêm nhiều địa chỉ mua sắm thực phẩm cho người dân.
Mặt khác, theo quan sát của các hệ thống bán lẻ, lượng hàng hóa trong từng giỏ hàng của người tiêu dùng trong ngày cũng đã giảm mạnh, không còn hiện tượng mua gom như những ngày trước. Cũng nhờ áp lực phục vụ tại chỗ được giải tỏa, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm có nhiều thời gian tiếp nhận và thực hiện đơn hàng online.
Nhiều giải pháp cung ứng hàng hóa cho TP.HCM
Về giải pháp cung ứng hàng hóa, ông Phương nói rằng trước khi các địa phương xung quanh bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, công tác thu mua, vận chuyển hàng hóa về TP.HCM đã gặp một số khó khăn, vướng mắc do vài nơi áp dụng các giải pháp một cách cứng nhắc và máy móc. Do đó, thành phố đã đề xuất với các Bộ, ngành để thống nhất các hướng giải quyết.
Sở Công Thương cũng đã rà soát lại toàn bộ nguồn cung ứng để dự báo các khả năng làm giảm nguồn cung. Với nỗ lực của các hệ thống phân phối, cộng với mạng lưới thu mua của nhiều đơn vị, những yêu cầu trong cung ứng hàng hóa đã được giải quyết. Nhiều đơn vị đã tìm được nhà cung cấp dự phòng để tiếp tục đảm bảo nguồn cung.
Ngoài ra, ngành công thương TP.HCM cũng liên hệ với Sở Công Thương các tỉnh, thành miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên để hỗ trợ rà soát, cung cấp danh sách nhà cung ứng và đơn vị sản xuất lương thực thực phẩm có khả năng cung ứng cho TP.HCM. Từ đó, thành phố kết nối với các hệ thống phân phối để thu mua, vận chuyển nguồn hàng về TP.HCM. Cạnh đó, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin các nhà cung ứng phía Bắc để hỗ trợ cho thành phố.
Ngành công thương TP.HCM còn kiểm tra lại các khó khăn trong khâu logistic, vận chuyển hàng hóa để đề xuất thêm phương án vận chuyển bằng tàu cao tốc. Sáng 19.7, hai chuyến tàu đầu tiên đã cập bến TP.HCM, vận chuyển hàng hóa cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Trong thời gian tới, ông Phương cho biết TP.HCM sẽ triển khai rộng hơn để các hệ thống khác đăng ký vận chuyển hàng hóa theo phương thức này. Cùng với đó, Sở Công Thương đã vận động được nhiều doanh nghiệp logistic tham gia kết nối với các đơn vị có nguồn cung hàng hóa để tự tổ chức đưa hàng hóa về thành phố, kết nối với điểm bán nhằm kịp thời cung ứng cho người dân.
Cũng liên quan đến cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản gửi TP Thủ Đức, các quận huyện về kết nối, hỗ trợ cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn. Trong đó, Sở Công Thương đề nghị một số chợ đang tạm dừng hoạt động rà soát, tổ chức các điểm bán phù hợp tại khu vực chợ (ưu tiên các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả) và đảm bảo các quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Sở Công Thương đề nghị các đơn vị cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cung cấp thông tin năng lực cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu (mặt hàng, số lượng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận…); đầu mối liên hệ hỗ trợ kết nối với phương thức thuận tiện, nhanh chóng để UBND TP Thủ Đức và quận - huyện triển khai đến các tiểu thương chợ truyền thống, các đơn vị có nhu cầu.
Xử nghiêm trường hợp găm hàng, thu lợi bất chính
Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa có văn bản khẩn về việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường TP.HCM yêu cầu các Đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và TP.HCM đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM yêu cầu các Đội quản lý thị trường theo địa bàn được phân công, theo lĩnh vực phụ trách nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Việc này để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh trái phép nhằm thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận khác. Trong đó, chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch COVID-19, các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường yêu cầu các Đội chú trọng công tác tra cứu trực tuyến, kiểm soát các giao dịch, chào bán hàng hóa theo hình thức kinh doanh online qua các trang mạng xã hội (facebook, zalo, viber…), ứng dụng giao dịch trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử để kịp thời kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…; kịp thời xử lý những thông tin phản ánh qua đường dây nóng.
Đơn vị này còn phân công công chức thường xuyên giám sát, kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa và phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và giá hàng hóa.