Nếu như trong giấc mơ của một người bình thường sẽ là những hình ảnh mà ít nhiều họ đã "nhìn" thấy trong cuộc sống thì đối với những người khiếm thị bẩm sinh vốn thế giới xung quanh họ chỉ toàn là một màu đen, họ sẽ mơ những gì?

Người khiếm thị bẩm sinh mơ như thế nào?

24/10/2016, 10:32

Nếu như trong giấc mơ của một người bình thường sẽ là những hình ảnh mà ít nhiều họ đã "nhìn" thấy trong cuộc sống thì đối với những người khiếm thị bẩm sinh vốn thế giới xung quanh họ chỉ toàn là một màu đen, họ sẽ mơ những gì?

Đây có lẽ là thắc mắc không chỉ của riêng mình mà còn nhiều bạn khác. Hóa ra giọng nói, mùi hương trên cơ thể, cảm giác cầm nắm, cảm giác đặc điểm bàn tay của người khác,... chính là những gì mà người mù bẩm sinh sẽ "nhìn" thấy trong giấc mơ của họ. Chi tiết hơn, mời xem bên dưới.

Đầu tiên xin tiếp cận vấn đề bằng một thử thách nho nhỏ: hãy dành ra 1 phút để kể lại giấc mơ tối qua của bạn. Chắc chắn bạn sẽ từ từ nhớ lại diễn biến câu chuyện hoặc sự vật mà bạn gặp trong giấc mơ dù là mơ hồ hay một cách thật sự rõ ràng. Sở dĩ bạn làm được điều đó thì cũng giống như bao người khác: bạn biết do bạn đã từng thấy chúng. Những giấc mơ chủ yếu là hình ảnh trực quan, ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những thứ mà chúng ta thấy trong lúc còn tỉnh táo. Bởi thế trên thực tế. những người lớn lên cùng với chiếc TV đen trắng sẽ có xu hướng nhìn thấy các giấc mơ trong màu xám.
Tuy nhiên nếu như bạn không hề có bất cứ hình ảnh nào để dựng lên, não của bạn buộc phải sử dụng những vật liệu khác để xây dựng lên thế giới trong giấc mơ, tạo ra một giai đoạn của giấc ngủ chưa đầy thông tin nhận cảm và dưới góc độ nào đó, nó giúp người ta có thể tiếp tục đón nhận những ngày tháng sống sắp tới. Trên trang web khoa học thuộc Đại học Illinois, một người dùng quan niệm rằng: "Giấc mơ của chúng ta dựa trên những ký ức. Vì vậy một người chưa bao giờ có trải nghiệm "nhìn" sẽ không mơ bằng thị giác. Đây giống như việc người bình thường không thể có các giấc mơ hình ảnh siêu âm do mắt người không thể nhận diện được".

Tommy Edison, chủ nhân của kênh Youtube Blind Film Critic cho biết trong giấc mơ, "những người xung quanh hiện ra với tôi theo những cách mà tôi biết về họ". Edison là một người mù bẩm sinh và ông cho biết có thể tương tác với những người khác trong giấc mơ qua âm thanh, mùi vị và đôi khi là cảm giác chạm. Ông cho biết: "Nếu tôi đã từng gặp bạn trong mơ, những gì tôi biết sẽ là giọng nói của bạn và có thể là mùi nước hoa mà bạn xức. Nếu ai đó dẫn tôi đi trong quá khứ, tôi có thể biết được họ trong mơ trong qua cảm giác nắm tay".

Tuy nhiên đối với những người không bị mù thì nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đặc điểm nhận cảm trong giấc mơ giống như người mù sẽ rất hiếm xảy ra. Trong nghiên cứu công bố hồi năm 2014 trên tạp chí Sleep Medicine, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 50 tình nguyện viên theo dõi giấc mơ của họ trong suốt 4 tuần. 11 người được trong số đó là mù bẩm sinh, 14 người bị mù vào thời điểm nào đó trong quá trình trưởng thành và 25 người khác có thị giác bình thường được dùng làm nhóm đối chứng. Kết quả cho thấy các nhà nghiên cứu không hề phát hiện bất cứ khác biệt lớn nào giữa 3 nhóm dưới khía cạnh nội dung hoặc cảm xúc trong giấc mơ. Tuy nhiên họ phát hiện ra một số khác biệt lớn về cách họ trải nghiệm thế giới trong mơ.
Giống như trong cuộc sống bình thường ban ngày, giấc mơ của cả 2 nhóm người mù đều chủ yếu dựa vào 4 giác quan còn lại của họ: 86% số người mù cho biết rằng họ chí ít nghe được những âm thanh trong giấc mơ, trong khi nhóm người bình thường là 64%; 70% những người mù cho biết có cảm giác được chạm trong giấc mơ, trong khi chỉ có 45% người bình thường có được điều này; cuối cùng, tỷ lệ những người mù ngửi được mùi hương trong giấc mơ cao gấp đôi so với người có thị lực bình thường, với tỷ lệ là 30 so với 15%; cuối cùng, người mù có thể mơ thấy nếm được hương vị với tỷ lệ 18%, trong khi người thường chỉ có 7%.

Tuy nhiên nếu tập trung kỹ hơn vào nhóm những người đã từng được nhìn thấy trong đời nhưng sau đó bị mù thì khác biệt so với người bình thường nhỏ hơn. Cụ thể thì những người từng có ký ức nhìn thấy trong quá khứ vẫn có thể xây dựng nên giấc mơ của họ, lấp vào các khoảng trống hình ảnh bằng trí tưởng tượng của chính bản thân họ. Một người từng nhìn thấy nay bị mù cho biết rằng: "Đối với những người mà tôi từng được gặp sau khi mù, những gương mặt của họ trở nên mờ đi hoặc sẽ hiện ra hình ảnh mà tôi tưởng tượng ra. Tuy nhiên, những người thí dụ như mẹ tôi thì sẽ mãi mãi có gương mặt ở tuổi 30".
Thông thường thì những ký ức thị giác sẽ trở nên mờ nhạt theo thời gian, những hình ảnh sẽ càng trở nên mờ hơn và ít xuất hiện hơn, cuối cùng thì những người bị mù vào khoảng thời gian nào đó trong đời sẽ tiến tới có những giấc mơ giống như những người mù bẩm sinh.

Những người mù bẩm sinh trong nghiên cứu hồi năm 2014 cũng có xu hướng có nhiều ác mộng hơn. Từ phát hiện này góp phần củng cố thêm lập luận rằng những cơn ác mộng là một dạng diễn tạp cho những mối đe dọa trong cuộc sống thực sự. Theo đó thì những đứa trẻ vốn dễ bị tổn thương hơn so với người lớn nên cũng thường có những giấc mơ đáng sợ hơn. Tương tự như vậy, có thể là những người khuyết tật, mất đi thị giác, từ đó mất đi cảnh tượng bình thường nên não có xu hướng tạo nên các cuộc diễn tập nhằm giúp họ sẵn sàng hơn cho các tình huống nguy hiểm.

Và đối với Edison thì những cơn ác mộng ghê gớm nhất cũng như những giấc mơ hạnh phúc đều chủ yếu xảy ra bằng thính giác. Ông chia sẻ: "Tôi làm việc trong đài phát thanh trong thời gian dài nên tôi chủ yếu có những giấc mơ âm thanh. Khi băng ghi âm hết, tôi không còn âm thanh và tất cả mọi thứ còn lại chỉ là những khoảng không chết, tĩnh mịch hoàn toàn".

Theo Tinh Tế

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người khiếm thị bẩm sinh mơ như thế nào?