Chỉ vì nhưng tin đồn quái ác, vô căn cứ như dùng thuốc bảo vệ thực vật gây ung thư, hoa "dẫn dụ tà ma"... mà hiện nay hoa giấy bán Tết Mậu Tuất chưa có ai hỏi mua. Nhiều khả năng đó là "chiêu thức" của thương lái nhằm ép giá người trồng hoa giấy.
Tin đồn quái ác
Trong lúc nhà vườn xứ Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) tất bật chuẩn bị vụ hoa, kiểng bán Tết Mậu Tuất thì hàng trăm gia đình chuyên trồng hoa giấy ở các xã Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Phú Mỹ… đang hết sức lo lắng.
Ở làng nghề trồng hoa giấy tại ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, ông Huỳnh Thanh Tâm, Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất hoa giấy, đang chăm sóc 2.000 chậu hoa bán tết, buồn rầu nói:
“Thời điểm này nhà vườn tập trung chăm sóc để chuẩn bị cho các chậu hoa giấy đâm bông, cũng là lúc thương lái từ các tỉnh thành tìm đến đặt hàng. Nhưng năm nay chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán mà chẳng thấy ai đến đặt hàng, bỏ tiền cọc. Nguyên nhân cũng vì mấy tin đồn quái ác”.
Ông Tâm cho biết chỉ riêng ấp Lân Đông đã có gần 200 gia đình, hơn 20 năm nay chuyên sản xuất hoa giấy, chủ yếu bán vào dịp Tết Nguyên đán. Nhà nào trồng ít thì mỗi mùa Tết đưa ra thị trường 1.000 - 2.000 chậu hoa lớn nhỏ, nhà sản xuất nhiều thì số lượng lên đến 3.000 - 4.000 chậu, bình quân mỗi mùa tết, làng hoa giấy Phú Sơn đưa ra thị trường hơn 1 triệu chậu hoa.
“Mọi việc bắt đầu từ những ngày trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, khi hoa đã sẵn sàng đưa ra thị trường thì bất ngờ có nhiều thương lái tự nhiên bỏ luôn tiền đặt cọc, không chịu xuống lấy hoa theo hợp đồng dù nhà vườn liên tục điện thoại thúc giục. Thậm chí nhiều thương lái đã lấy hoa đi bán còn cho xe tải chở hoa về trả cho nhà vườn, với lý do không bán được. Những người chịu lấy hoa đi bán thì buộc nhà vườn phải giảm giá từ 30 - 40%, nếu không giảm họ không lấy”, ông Tâm nhớ lại.
Hoang mang vì những năm trước hoa giấy là mặt hàng bán rất chạy trong dịp tết, ông Tâm và nhiều nhà vườn ở ấp Lân Đông bỏ công tìm hiểu thực hư vì sao hoa bị ế đột ngột.
Hỏi thăm mãi, cánh thương lái mua hoa mới cho biết: trên mạng xã hội lan tràn thông tin hoa giấy sản xuất ở Phú Sơn, Vĩnh Hòa sử dụng 1 loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất độc gây bệnh ung thư. Ngoài ra còn có tin đồnhoa giấy có tác dụng “dẫn dụ tà ma” vào nhà, khiến gia đạo bất annên mọi người sợ, không dám mua về chưng Tết.
Chính những tin đồn đó đã khiến riêng vụ hoa Tết Đinh Dậu, người trồng hoa giấy ở ấp Lân Đông bị tồn đọng hơn 60% sản phẩm, thiệt hại hơn 10 tỉ đồng, theo thông tin từ ông Võ Tấn ĐứcChủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn.
Ông Đứccho biết sau đó ông và nhiều người, kể cả các cán bộ lãnh đạo UBND xã Phú Sơn, đã đi tìm hiểu thực hư chuyện các nạn nhân bị ung thư chết sau khi mua hoa giấy về chưng Tết và xác định đó chỉ là tin đồn thất thiệt.
Đơn cử như trường hợp bà N. ở ấp Đông Kinh, xã Vĩnh Hòa (giáp ranh ấp Lân Đông) bị nói là chết doung thư sau khi sử dụng chất kịch độc sản xuất hoa giấy lâu năm, sau khi xác minh thì người nhà bà N. nói bà chết do ung thư tử cung, chẳng liên quan gì đến hoa giấy.
Trường hợp ông B. ở TP.Bến Tre bị ung thư chết sau khi mua hoa giấy về chưng Tết, xác minh sự thật thì ông này bị bệnh ung thư lâu năm, sau Tết bệnh trở nặng nên đã chết. Chỉ là tình cờ trong những ngày Tết con cháu của ông có mua hoa giấy về chưng.
“Không có trường hợp nào mua hoa giấy về chơi Tết rồi bị ung thư chết, đúng là tin đồn quái ác. Tui cũng không nghe nói trường hợp nào mua hoa giấy về chưng Tết rồi bị tà ma kéo đến quấy phá tan nhà nát cửa. Nếu nói như vậy thì mấy trăm gia đình chuyên nghề trồng hoa giấy ở Phú Sơn, Phú Mỹ, Vĩnh Hòa đều bị bệnh ung thư và tà ma phá nhà hay sao?”, ông Tâm bức xúc nói.
Trong lúc người trồng hoa ở ấp Lân Đông chưa có cách gì giải oan cho hoa giấy thì thiệt hại đã hiển hiện trước mắt, ngay mùa hoa Tết năm nay.
Nhiều chủ vườn ở ấp Lân Đông bày hoa giấy bán bên đường nhưng chưa có người mua - Ảnh: Thanh Anh
Nhiều nhà vườn không thể bán được hoa hoặc bán được rất ít, như trường hợp bà Bùi Thị M. tồn đọng 2.000 chậu hoa, bà Nguyễn Thị P. tồn 3.000 chậu. Thậm chí nhiều người còn bị thương lái nợ tiền mua hoa từ trước Tết Đinh Dậu đến nay chưa trả, người ít vài chục triệu đồng, người nhiều hơn 200 triệu đồng, bản thân ông Tâm cũng bị trả về hơn 500 chậu hoa và còn bị nợ hơn 100 triệu đồng.
Chiêu trò để ép giá?
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, trong quá trình chăm sóc, sản xuất hoa giấy, nhà vườn đều sử dụng những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành mua từ các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên thị trường. Sau khi khiến người trồng hoa giấy bị thiệt hại nặng trong dịp Tết Đinh Dậu thì mùa hoa Tết năm nay tin đồnlại tục xuất hiện xuất hiện, khiến làng hoa giấy gặp rất nhiều khó khăn.
Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất, người trồng hoa giấy ấp Lân Đông chỉ dám sản xuất khoảng 700.000 chậu hoa giấy vì sợ không có người mua, giảm rất nhiều so với các năm trước, nhưng phần lớn là các chậu hoa còn tồn đọng từ năm trước được chăm sóc lại.
Về thông tin thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất gây ung thư, ông Sơn cho biếtngười trồng thực ra chỉ sử dụng 1 hợp chất chống rụng cánh hoa giống dạng keo, được chiết xuất từ các loại thảo dược do Khoa Ứng dụng công nghệ sinh học thuộc Trường đại học Cần Thơ sản xuất và người trồng hoa giấy đã sử dụng hơn 5 năm qua.
Nhiều nhà vườn ở Chợ Lách cũng sử dụng hợp chất này cho các loại hoa khác. Ưu điểm của hợp chất này là duy trì thời gian nở của hoa giấy từ 3 ngày lên 5 ngày hoặc lâu hơn, nhưng không quá 15 ngày tùy liều lượng sử dụng.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT H.Chợ Lách, cho biết hợp chất chống rụng cánh hoa mà dư luận cho rằng có khả năng gây ung thư thực chất là hợp chất Tria Coltanol (thuộc nhóm rượu) có tính chất ngăn cản sự hình thành tầng rơi đối với thực vật và cho đến nay chưa có kết luận khoa học nào chứng minh mối quan hệ giữa chất này với bệnh ung thư cả.
Anh Nguyễn Văn Thiện, người có nhiều năm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) khẳng định, các loại thuốc có đặc tính chống rụng hoa, rụng trái lâu nay bày bán trên thị trường đều là hợp chất hữu cơ, nên nói các chất này gây bệnh ung thư cho nhà nông và người tiêu dùng là hoàn toàn vô căn cứ.
Theo Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, sau khi ông cùng các cán bộ UBND xã tìm hiểu kỹ tin đồn thì xác định nhiều khả năng đây là mộtchiêu thức kinh doanh không lành mạnh của thương lái, nhằm ép giá người trồng hoa giấy.
“Rõ ràng là sau khi có tin đồn, nếu nhà vườn đồng ý hạ giá bán 30-40%/chậu thì thương lái vẫn mua, còn không hạ giá bán thì họ không mua, thậm chí trả hàng lại. Làng nghề sản xuất hoa giấy ở ấp Lân Đông đang được xã và huyện Chợ Lách xây dựng thành điểm du lịch sinh thái miệt vườn, tin đồn quái ác này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà vườn.
Thực tế thì lâu nay hoa giấy bán Tết được ưa chuộng vì nhiều người quan niệm loài hoa này mang lại tài lộc, còn thông tin hoa “dẫn dụ tà ma” vào nhà chỉ là tin đồn thổi, mang màu sắc mê tín dị đoan”, ông Sơn cho biết.
Thanh Anh