Tại Diễn đàn Luxembourg hôm 9.10, các chuyên gia bày tỏ nguy cơ thảm họa hạt nhân đang ở mức cao nhất từ sau những ngày căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, theo báo Independent.

Nguy cơ thảm họa hạt nhân đang ở mức cao nhất từ sau chiến tranh lạnh

11/10/2017, 11:31

Tại Diễn đàn Luxembourg hôm 9.10, các chuyên gia bày tỏ nguy cơ thảm họa hạt nhân đang ở mức cao nhất từ sau những ngày căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, theo báo Independent.

Ông Blair nói Triều Tiên

Tại hội nghị hằng năm đề phòng thảm họa hạt nhân này (năm nay tổ chức lần thứ 10), các diễn giả chỉ ra những yếu tố chính khiến có mức đe dọa cao nhất này: quan hệ Nga-Mỹ xuống cấp, các mối đe dọa từ những tổ chức khủng bố và các chính thể "côn đồ", và cách hành xử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tập trung chỉ trích ông Trump

Việc Nga-Mỹ không thể đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của họ, vào lúc hai bên bất đồng địa-chính trị liên quan nội chiến Ukraine, nội chiến Syria đã tạo ra sự bất ổn, theo các diễn giả.

Nhưng các hành động của ông Trump mới khiến các đại biểu dự Diễn đàn Luxembourg (tổ chức ở Paris, Pháp) lo ngại nhất, vì ông Trump liên tục công khai dọa "hủy diệt hoàn toàn" CHDCND Triều Tiên, cùng khả năng ông hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran trong tuần này.

Đây là thỏa thuận G5+1-do Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các cường quốc khác (Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) đạt được với Iran hồi năm 2015- với Iran từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại là được quốc tế dở bỏ sự trừng phạt kinh tế Iran.

Ủy ban Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) cũng đồng ý với thỏa thuận bắt buộc có tên chính thức Hành động chung toàn diện (JCPOA) này.

Nhưng ông Trump từng gọi đây là “một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất mà Mỹ tham gia”, và nói từ nay đến thời hạn mới ngày 15.10 tới, ông sẽ quyết có nên hủy JCPOA hay không.

Theo quy định của Quốc hội Mỹ, cứ 3 tháng chính phủ phải lập báo cáo Iran có vi phạm JCPOA hay không, hoặc thỏa thuận này có ích cho quyền lợi an ninh quốc gia Mỹ hay không. Báo cáo này phải có chữ ký của Tổng thống Mỹ trước khi trình Quốc hội Mỹ.

Ngày 17.7 đã diễn ra sự xác nhận lần thứ 2 từ khi ông Trump nhậm chức. Ngày 15.10 tới là thời hạn ký xác nhận thứ 3. Sau thời hạn này, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết tái lập trừng phạt Iran hay không.

Các diễn giả cảnh báo nếu ông Trump hủy JCPOA, ông cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, với Bình Nhưỡng có thể tuyên bố rằng trong tương lai, bất kỳ một thỏa thuận quốc tế nào cũng có thể bị Mỹ phá hủy.

Triều Tiên đáng ghét nhưng chớ nên đánh phủ đầu

Tại Diễn đàn Luxembourg, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thừa nhận có một số khía cạnh của JCPOA gây thắc mắc khi được ký.

Nhưng nói “chuyện đã rồi, có quá trình kiểm tra và điều này có nghĩa ít nhất hiện nay đã trì hoãn được chương trình hạt nhân của Iran. Việc nhạy cảm, theo ý kiến tôi, là nên giữ gìn thỏa thuận này”.

Ông Blair nói chế độ Bình Nhưỡng "đáng ghét" nhưng không nên vung gươm, mà nên chọn hướng ngoại giao (với sự hỗ trợ của Trung Quốc) để chặn việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Chúng ta có thể dọa hành động quân sự... nhưng trừ phi có những yếu tố mà tôi không biết về sự yếu kém trong khâu phòng thủ của Triều Tiên hoặc sức mạnh của khả năng Mỹ, rất khó mà nghĩ một cuộc tấn công phủ đầu sẽ không gây ra hậu quả thảm họa”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry (thời các Tổng thống Carter, Reagan và Clinton) nói ông rụng rời khi nghe những lời lẽ hung hăng của ông Trump về khủng hoảng Triều Tiên: “Bỏ qua chuyện chính trị, tôi nghĩ kiểu ngôn ngữ đó kích động và tạo ra dạng điều kiện mà có thể có nghĩa Mỹ-Triều lao vào chiến tranh. Và hậu quả cuộc chiến tranh đó sẽ là thảm họa”.

Ông Perry bác bỏ nhận định về thất bại của JCPOA: “Tôi không đồng ý với những nhận định của ông ấy. Chúng ta có thể thấy thỏa thuận này thành công đáng kể trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, có lợi cho an ninh của chúng ta. Xem ra Tổng thống Trump nghĩ có thể hủy thỏa thuận này rồi tái thương lượng. Nhưng hủy thỏa thuận sẽ có hậu quả với khắp nơi, gồm châu Âu, trong lúc các đồng minh của chúng ta đều biết nó có hiệu quả”.

Ông Hans Blix, cựu lãnh đạo IAEA, nói “Gần đây Tổng thống Trump có trình bày quan điểm với LHQ. LHQ nói Iran đang tuân thủ JCPOA. Nay ông Trump muốn bỏ đi và đơn phương xé thỏa thuận, nói nó không hiệu quả. Nhưng thực tế là các nước khác tin nó hiệu quả và họ sẽ gìn giữ thỏa thuận này”.

Ông Viatcheslav Moshe Kantor, Chủ tịch Diễn đàn Luxembourg, nhấn mạnh rằng “hủy JCPOA sẽ là điều không thể tha thứ”, và cảnh báo nguy cơ Triều Tiên cố tình khiêu khích là “rất rõ ràng, có thể kích hoạt một dây chuyền toàn cầu tấn công hạt nhân”, nên Mỹ cần cẩn trọng xử lý cả hai vấn đề Iran và Triều Tiên.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Des Browne nhắc thậm chí nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ đều đề nghị ông Trump không hủy JCPOA: “Chúng tôi biết Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster đều đã trình quan điểm của họ. Xem ra đó là nhận định chung của thế giới, chỉ có vài ngoại lệ. Đây là một thỏa thuận có cộng đồng quốc tế và cả Iran ủng hộ. Nhưng chúng ta lại có ông Trump quyết chọn theo một con đường lạ và cô độc. Rất cực mới có được JCPOA nên cần đấu tranh xứng đáng để bảo vệ thỏa thuận này”.

Trung Trực (theo Independent)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ thảm họa hạt nhân đang ở mức cao nhất từ sau chiến tranh lạnh