Ông Nathan Maung - tổng biên tập trang tin Kamayut Media - kể lại chuyện mình bị tra tấn tại Myanmar trước khi họ nhận ra ông là công dân Mỹ.
Ngày 9.3, Maung bị đưa đi thẩm vấn về hoạt động xuất bản của Kamayut Media cũng như vai trò của ông tại trang tin. Nhà báo này an toàn trở về Mỹ sau khi được thả vào ngày 15.6.
Maung kể lại: “3 - 4 ngày đầu là tồi tệ nhất. Tôi bị đấm và bị tát nhiều lần, dù tôi có nói gì thì họ vẫn đánh. Họ tát và đấm vào mặt, vào vai. Tôi không được đứng dậy, chân sưng tấy. Tôi không cử động được nữa”.
“Họ còng tay tôi ra sau lưng, che mắt tôi bằng nhiều mảnh vải. Họ không cho tôi ngủ trong 3 - 4 ngày. Tra tấn không ngừng”, Maung nói thêm.
Số lần tra tấn giảm dần từ ngày thứ 4 khi lực lượng an ninh biết nhà báo này là công dân Mỹ. Đến ngày thứ 8, một viên đại tá đến tháo vải che mắt.
Viên đại tá ghi lại lời khai và hỏi Maung muốn nói gì thêm không. Nhà báo này khẳng định nhân quyền của bản thân phải được tôn trọng, yêu cầu có luật sư bảo vệ ông trước mọi cáo buộc.
Sau đó viên đại tá cho biết Maung không bị buộc tội gì cả, nên sẽ được thả lúc tình hình lắng dịu.
Theo ông Maung, người đồng nghiệp Hanthar Nyein (vẫn đang bị giam) cùng một số tù nhân khác phải chịu tra tấn còn tàn nhẫn hơn.
“Có người bị giam cùng phòng với tôi trong ít ngày. Cơ thể anh ta đầy vết thương và bầm tím. Họ đặt tay anh ấy lên bàn rồi đánh. Xương không gãy nhưng rách da, bị thương nặng”, Maung kể.
Phía quân đội Myanmar từ chối bình luận về trường hợp của Maung, nhưng tuyên bố họ đối xử với người bị giam giữ đúng theo quy định pháp luật.
Đại sứ quán Mỹ đã chủ động liên hệ khi Maung được thả. Nhân viên ngoại giao Mỹ tích cực hỗ trợ ông cùng gia đình.
Theo thống kê do Tổ chức Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) thực hiện, từ lúc đảo chính xảy ra đến nay có hơn 5.200 người bị bắt giữ, lực lượng an ninh Myanmar giết hại hơn 881 người. Hình ảnh ghi lại cảnh xả súng, bắt bớ lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.