Theo Yao Yang - nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc, nước này cần học hỏi từ Mỹ về cách khuyến khích đổi mới, gồm cả việc cởi mở hơn và vượt qua nỗi lo bị tụt lại phía sau.
Thế giới số

Nhà kinh tế hàng đầu: Để có được công nghệ tốt nhất, Trung Quốc hãy bình tĩnh và học hỏi từ Mỹ

Sơn Vân 20/05/2024 12:20

Theo Yao Yang - nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc, nước này cần học hỏi từ Mỹ về cách khuyến khích đổi mới, gồm cả việc cởi mở hơn và vượt qua nỗi lo bị tụt lại phía sau.

Yao Yang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc nên xem xét nhu cầu của chính mình thay vì mù quáng và lo lắng chạy theo mọi điều Mỹ đã làm, hãng thông tấn The Paper (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải) đưa tin.

“Không phải ai cũng cần đổi mới từ đầu”, Yao Yang phát biểu tại một diễn đàn đổi mới dành cho giới trẻ ở Thượng Hải hôm 19.5.

“Khi Mỹ phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn, chúng ta cũng làm theo các mô hình đó và hiện Trung Quốc có hơn 20 công ty, thậm chí còn nhiều hơn cả Mỹ. Trung Quốc có cần nhiều như vậy không? Tôi không nghĩ vậy”, Yao Yang nhấn mạnh.

Ông cho biết công chúng Trung Quốc quá lo lắng về việc sẽ đi sau Mỹ về mặt công nghệ.

“Không thể vượt Mỹ về mọi mặt”, Yao Yang nói.

Trong cuộc nói chuyện, Yao Yang đề cập đến “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, một thuật ngữ mà Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã sử dụng nhiều lần để định hướng nền kinh tế đi theo con đường thiên về công nghệ hơn nhằm phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trung Quốc đang hy vọng nghiên cứu công nghệ cao và khả năng dẫn đầu trong các lĩnh vực tiên phong sẽ củng cố chỗ đứng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thế nhưng, Yao Yang nói: “Phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới không thể được hiểu là công nghệ tiên tiến nhất. Đôi khi tiên tiến nhất không phải là tốt nhất”.

Ông cho rằng không nhất thiết phải luôn đổi mới ngay từ đầu, vì đôi khi những thay đổi nhỏ trong lĩnh vực truyền thống cũng có thể rất quan trọng.

Theo Yao Yang, để tạo ra một môi trường đổi mới, Trung Quốc cần học hỏi từ các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn Mỹ.

Ông cho biết Mỹ đã không ngừng dẫn đầu sự đổi mới trong thế kỷ qua vì đây là một xã hội cởi mở với người nhập cư. “Khi nhìn vào bất kỳ công ty nào ở Thung lũng Silicon (Mỹ), ít nhất 60 hoặc 70% nhân viên đều sinh ra ở một quốc gia khác”.

Yao Yang nói: “Trung Quốc cũng cần phải cởi mở và Thượng Hải nên đi đầu trong việc nới lỏng hệ thống đăng ký hộ khẩu. Chúng ta cần thu hút những người trẻ tuổi để thành lập doanh nghiệp ở Thượng Hải, không chỉ giới trẻ Trung Quốc, mà cả những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới”.

Hệ thống đăng ký hộ khẩu của Trung Quốc từ lâu bị cho là nguyên nhân gây ra sự phân chia dân số giữa cư dân thành thị và nông thôn, đồng thời hạn chế người dân ở nơi họ sinh ra (tức gây khó khăn cho việc chuyển đến và định cư tại tỉnh thành khác nơi đã đăng ký hộ khẩu - PV). Những năm gần đây, các siêu đô thị ở Trung Quốc đã nới lỏng các quy định hộ khẩu để cạnh tranh thu hút tài năng trẻ.

Nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc nói yếu tố then chốt thứ hai cho sự đổi mới là một thị trường tư bản phát triển vì nó khen thưởng khả năng sáng tạo. Theo ông, Thượng Hải có những lợi thế to lớn và thị trường chứng khoán ở đây có thể đóng vai trò khuyến khích sự đổi mới.

Trung Quốc đã dồn nguồn lực kinh tế vào hoạt động nghiên cứu và phát triển khi cuộc đua công nghệ toàn cầu đang chuyển sang giai đoạn cao trào. Vào tháng 1, trước những nỗ lực kiềm chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ, Trung Quốc đã công bố kế hoạch biến những đổi mới trong nước thành sản phẩm thương mại. Cường quốc châu Á này đã thành lập 5 cơ sở sản xuất quy mô thí điểm tiên tiến, liên kết nghiên cứu trong phòng thí nghiệm với sản xuất hàng loạt.

nha-kinh-te-hang-dau-de-co-duoc-cong-nghe-tot-nhat-trung-quoc-hay-binh-tinh-va-hoc-hoi-tu-my.jpg
Theo nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc, không phải lúc nào cũng cần phải đổi mới từ đầu - Ảnh: Simon Song

Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, khoảng 200 mô hình ngôn ngữ lớn đã được giới thiệu ở nước này, nơi các dịch vụ của công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) không có sẵn.

Theo thử nghiệm gần đây từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), Ernie 4.0 của Baidu và GLM-4 của Zhipu AI đứng đầu bảng xếp hạng các mô hình ngôn ngữ lớn Trung Quốc, nhưng các đối thủ nước ngoài vẫn dẫn đầu về khả năng tổng thể.

Báo cáo đánh giá SuperBench của Đại học Thanh Hoa đã kiểm tra 14 mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ làm nền tảng cho chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Kết quả cho thấy các mô hình ngôn ngữ lớn nước ngoài, chẳng hạn GPT-4 của OpenAI và Claude-3 của Anthropic, đã dẫn đầu về nhiều khả năng, gồm cả hiểu ngữ nghĩa, tạo mã lập trình và sự liên kết với các lệnh của con người.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra "sự chênh lệch rõ ràng" về khả năng tạo mã lập trình và vận hành trong môi trường thực tế giữa các mô hình ngôn ngữ lớn nội địa với mô hình nước ngoài hàng đầu.

Báo cáo này nhằm mục đích “cung cấp các tiêu chí đánh giá khách quan và khoa học” để kiểm tra số lượng mô hình ngôn ngữ lớn ngày càng tăng gần đây, theo một bài đăng trên WeChat của Trung tâm Nghiên cứu Mô hình Cơ bản thuộc Đại học Thanh Hoa, nơi tiến hành đánh giá cùng Phòng thí nghiệm Trung Quan Thôn do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

Các gã khổng lồ công nghệ và công ty khởi nghiệp Trung Quốc đã chạy đua để phát triển mô hình ngôn ngữ lớn riêng kể từ khi OpenAI tung ra một số công cụ AI tạo sinh gây tiếng vang, gồm cả chabot ChatGPT và mô hình chuyển văn bản thành video Sora. OpenAI được Microsoft đầu tư hơn 10 tỉ USD.

Hôm 14.5 vừa qua, OpenAI đã giới thiệu mô hình AI đa phương thức mới nhất GPT-4o, có thể thực hiện cuộc trò chuyện sống động như thật, tương tác với cả văn bản lẫn hình ảnh, tìm kiếm và trả lời câu hỏi dựa trên dữ liệu mới nhất.

Báo cáo của Đại học Thanh Hoa tương đồng nhận xét trước đó từ Thái Sùng Tín, đồng sáng lập và Chủ tịch Alibaba. Ông cho biết các hãng công nghệ Trung Quốc đi sau khoảng 2 năm so với các công ty hàng đầu Mỹ trong cuộc đua AI toàn cầu, với lý do OpenAI đã vượt qua phần còn lại của ngành công nghệ trong đổi mới AI.

Bản cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, có hiệu lực từ ngày 4.4, khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các chip AI tiên tiến và thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Thái Sùng Tín nói rằng các hãng công nghệ Trung Quốc đang tiếp tục tìm cách giảm thiểu tác động của những hạn chế này, gồm tìm nguồn cung ứng chip lý tiên tiến từ các nhà cung cấp khác và tích trữ chip hiện có sẵn trên thị trường. Ví dụ, gã khổng lồ tìm kiếm Baidu năm ngoái đã đặt mua chip AI từ Huawei, theo trang SCMP.

Thái Sùng Tín nhận định: “Tôi nghĩ trong năm tới hoặc 18 tháng tới, việc đào tạo về các mô hình ngôn ngữ lớn vẫn có thể được tiến hành, dựa trên lượng dữ liệu mà mọi người có sẵn”.

“Việc đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn đòi hỏi tính toán hiệu suất cao hơn, trái ngược với các ứng dụng mà nhiều người gọi là suy luận. Vì vậy, về mặt suy luận thì có nhiều lựa chọn. Bạn không cần phải có chip mạnh và cao cấp như phiên bản mới nhất của Nvidia”, ông lý giải.

Chủ tịch Alibaba dự đoán rằng trong dài hạn, Trung Quốc sẽ phát triển khả năng của riêng mình để tạo ra những chip AI cao cấp này.

Bất chấp những thách thức mà các nhà phát triển mô hình ngôn ngữ lớn Trung Quốc phải đối mặt, báo cáo của Đại học Thanh Hoa cho thấy Ernie 4.0 của Baidu và GLM-4 từ Zhipu AI (công ty khởi nghiệp được thành lập bởi một sinh viên Đại học Thanh Hoa) đã dần thu hẹp khoảng cách với những mô hình ngôn ngữ lớn tốt nhất thế giới về thành tích tổng thể.

Thử nghiệm cho thấy một lĩnh vực mà mô hình ngôn ngữ lớn Trung Quốc hoạt động tốt hơn là các tác vụ bằng ngôn ngữ văn bản tiếng Trung. Kimi của công ty khởi nghiệp Moonshot AI, Tongyi Qianwen 2.1 của Alibaba, GLM-4 và Ernie 4.0 được xếp hạng trong top 4 ở hạng mục đó, dù GPT-4 vẫn đứng đầu về lý luận ngôn ngữ văn bản tiếng Trung.

Moonshot AI, Zhipu AI cùng với Baichuan và MiniMax được người dân địa phương gọi là “bốn con hổ AI mới” của Trung Quốc vì là những công ty khởi nghiệp về AI có khả năng sáng tạo hứa hẹn nhất đất nước.

Được thành lập vào năm 2019 và có trụ sở tại Bắc Kinh, Zhipu AI đã huy động được 2,5 tỉ nhân dân tệ (347 triệu USD) kể từ năm ngoái, từ các nhà đầu tư liên kết với nhà nước, công ty đầu tư mạo hiểm và các hãng công nghệ lớn như Tencent Holdings, Ant Group, Meituan, Xiaomi và Alibaba.

Moonshot AI (cũng có trụ sở tại Bắc Kinh) đã huy động được 1 tỉ USD trong vòng tài trợ vào tháng 2, theo nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Bài liên quan
Cựu CEO Google từng định mua TikTok, nêu 4 lý do khiến Trung Quốc đi sau Mỹ về AI
Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, cho biết ông từng cân nhắc khả năng mua TikTok nhưng hiện đã từ bỏ ý định sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà kinh tế hàng đầu: Để có được công nghệ tốt nhất, Trung Quốc hãy bình tĩnh và học hỏi từ Mỹ