Hầu hết hãng công nghệ lớn đang chi mạnh tay cho cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI).
Các hãng công nghệ lớn (Big Tech) gồm Amazon, Microsoft, Google, Meta Platforms và Apple đang trên đà chi tổng cộng 200 tỉ USD trong năm 2024 để mua cũng như duy trì các tài sản cố định như bất động sản và thiết bị, theo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Bernstein (Mỹ).
Theo các nhà phân tích của Bernstein, chi tiêu của các hãng công nghệ lớn cho tài sản cố định (còn được gọi là chi tiêu vốn) có thể vượt quá 1.000 tỉ USD trong 5 năm tới. Phần lớn chi tiêu vốn của các hãng công nghệ lớn dành cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đất đai, trung tâm dữ liệu, máy chủ và thiết bị mạng.
Trong những năm tới, các công ty này sẽ tập trung chi tiêu vào GPU (bộ xử lý đồ họa) và trung tâm dữ liệu cần thiết để hỗ trợ tham vọng phát triển AI tạo sinh.
Các nhà phân tích của Bernstein viết: “AI đã là chủ đề đầu tư trong hơn 18 tháng nay, nhưng quy mô của chu kỳ đầu tư này vẫn gây bất ngờ”.
Ước tính từ Bernstein thể hiện sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu của các hãng công nghệ lớn, từng dành hai năm qua để cắt giảm chi phí, gồm cả việc loại bỏ các tài sản như bất động sản. Các hãng công nghệ lớn đã bỏ ra khoảng 10% doanh thu hàng năm cho chi phí vốn những năm gần đây. Tỷ lệ đó sẽ tăng lên 14% hoặc 15% trong hai năm tới.
Theo những nhà phân tích, 200 tỉ USD được các hãng công nghệ lớn dự kiến chi tiêu trong năm 2024 vượt qua mức mà 90 công ty viễn thông tiếp theo thuộc S&P 500 sẽ chi tổng cộng cho các loại tài sản này vào 2025.
S&P 500 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất ở Mỹ. Nó được xem là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ.
S&P 500 gồm 500 công ty lớn nhất và có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính. Việc sử dụng số lượng lớn công ty giúp đảm bảo rằng chỉ số này là biểu hiện toàn diện hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.
Chỉ số S&P 500 được sắp xếp và duy trì bởi Standard & Poor's, công ty cung cấp các dịch vụ thông tin tài chính và chỉ số chứng khoán. Việc theo dõi và đánh giá hiệu suất của chỉ số này thường được sử dụng để đo lường sức khỏe tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên hầu hết công ty lớn nhất trong ngành công nghệ cùng nhau tăng chi tiêu vốn. Các nhà phân tích cho rằng mức chi này tương tự số tiền mà các hãng dầu khí lớn (Big Oil) như Exxon, Chevron, Total, Shell và BP bỏ ra vào năm 2013 (tổng cộng 166 tỉ USD) .
Phố Wall không thể chấp nhận được khoản chi tiêu mạnh tay của các hãng dầu khí lớn trong thời gian dài. Đến cuối năm 2013, các nhà đầu tư kêu gọi những công ty này ngừng chi tiêu cho siêu dự án và trả lại một phần số tiền đó cho cổ đông. Sự phản ứng dữ dội đó có thể không xảy ra với các hãng công nghệ lớn.
Các nhà phân tích của Bernstein viết: “Nếu không đầu tư, các hãng công nghệ lớn sẽ tự đặt mình vào thế bị suy yếu”.
Biên lợi nhuận của các hãng công nghệ lớn những năm tới có thể bị ảnh hưởng thêm do chi phí nhân sự và chi phí chung nếu họ ưu tiên tuyển dụng người mới cho các sáng kiến AI thay vì phân bổ lại lực lượng lao động hiện có.
Những nhà phân tích Bernstein lưu ý rằng những giai đoạn đầu tư lớn trước đây của các hãng công nghệ lớn kéo dài từ 1 đến 3 năm, nhưng chu kỳ này có thể dài hơn.
Họ viết: “Có lẽ chúng ta sẽ gặp phải tình trạng nhu cầu giảm sút vào một thời điểm nào đó, nhưng nếu AI thực sự là thế hệ internet tiếp theo thì đầu tư sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn”.
Apple muốn kể câu chuyện hoành tráng về AI mà không tăng chi phí đầu tư nhiều như Microsoft, Google, Meta
Hơn một năm rưỡi qua, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook đã phải trả lời nhiều câu hỏi từ các nhà phân tích Phố Wall về kế hoạch của ông với AI trong bối cảnh có những phàn nàn rằng nhà sản xuất iPhone không có gì để kể về AI.
Sau khi công ty báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2024 đầu tháng 5, Tim Cook nhấn mạnh rằng Apple sẽ sớm có thông tin chi tiết cụ thể về kế hoạch AI của họ.
“Chúng tôi tiếp tục cảm thấy rất lạc quan về cơ hội của mình trong lĩnh vực AI tạo sinh và đang đầu tư đáng kể”, Tim Cook nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời lưu ý rằng công ty đã chi 100 tỉ USD trong 5 năm qua cho nghiên cứu và phát triển.
Các hãng công nghệ lớn khác đã chi số tiền tương đương hoặc thậm chí lớn hơn cho nghiên cứu và phát triển trong cùng thời kỳ, nhưng họ cũng chi mạnh tay để xây dựng trung tâm dữ liệu lưu trữ các dịch vụ AI.
Microsoft đã bỏ chi phí đầu tư 14 tỉ USD trong quý 1/2024, Google chỉ kém đôi chút với 12 tỉ USD. Meta Platforms thông báo với các nhà đầu tư rằng hãng dự kiến bỏ ra chi phí đầu tư tới 40 tỉ USD trong năm nay.
Apple lại suy nghĩ khác. Chi phí đầu tư của Apple cho cả năm 2023 chỉ hơn 10 tỉ USD.
Kiếm được phần lớn tiền từ việc bán các thiết bị tiêu dùng, Apple đã phải trả giá cho lập trường này trong phần lớn thời gian năm nay, khi giá cổ phiếu của họ giảm 10% do các nhà đầu tư lo ngại rằng công ty đang tụt hậu trong cuộc đua AI.
Cổ phiếu của Meta Platforms, Google và Microsoft (đều kiếm tiền bằng cách bán phần mềm hoặc dịch vụ quảng cáo) đều đạt mức cao kỷ lục khi ba công ty chiến đấu để thống trị lĩnh vực AI mới nổi, dù các nhà đầu tư cũng ngần ngại trước số tiền tăng vọt vì những trung tâm dữ liệu và bộ xử lý chuyên dụng cần thiết để đào tạo mô hình AI.
Apple gợi ý rằng sẽ không áp dụng chiến thuật tương tự Microsoft, Google và Meta Platforms. Dù Apple dự kiến sẽ tiết lộ các tính năng AI mới tại hội nghị nhà phát triển thường niên vào tháng 6 tới và đại tu các dòng sản phẩm của mình bằng chip hỗ trợ AI, Giám đốc tài chính Luca Maestri cho biết các nhà đầu tư không nên mong đợi một sự thay đổi lớn trong cách công ty xử lý chi phí đầu tư.
Trả lời câu hỏi từ nhà phân tích, Luca Maestri lưu ý rằng thông lệ lâu đời của Apple là chia sẻ chi phí sản xuất công cụ với các nhà cung cấp, điều này giúp hãng giảm chi phí và duy trì dòng tiền trong hơn một thập kỷ.
Giám đốc tài chính Apple nói: “Chúng tôi cũng làm điều gì đó tương tự với các trung tâm dữ liệu. Chúng tôi có năng lực trung tâm dữ liệu của riêng mình và sau đó dùng cả năng lực từ bên thứ ba. Đây là một mô hình đã hoạt động hiệu quả với chúng tôi trong quá khứ, và công ty dự định tiếp tục đi theo hướng này trong tương lai".
Điều đó có thể tốt cho Apple, vì vẫn chưa rõ liệu các tính năng AI như chatbot chạy trực tiếp trên thiết bị có thúc đẩy người dùng mua điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay mới, vốn vẫn là nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn nhất của Apple.
Theo nhà phân tích Ben Bajarin của hãng Creative Strategies, dù các bộ xử lý tốt hơn có thể đóng vai trò là "điểm nhấn" với một số người dùng cần các công cụ AI cho mục đích sử dụng chuyên nghiệp, những tính năng này có thể không tạo ra sự bùng nổ doanh số bán hàng.
Ben Bajarin nói: “Đó sẽ là thứ giúp nâng cao doanh số bán hàng, nhưng tôi không kỳ vọng nó sẽ là siêu chu kỳ. Bạn phải cẩn thận để kiềm chế những kỳ vọng".