Nếu như 3 năm trước, người dân cầm 1 tỉ đồng có thể mua nhà ở ngoại thành TP.HCM thì nay có 1,5 tỉ đồng chưa thể mua được nhà. Nhà ở giá rẻ đang dần biến mất trên thị trường.
Nhà ở giá rẻ ngày càng đội giá
Tại TP.HCM, trong 3 năm trở lại đây, giá căn hộ ở các quận huyện vùng ven đã lên mức 1,5-1,7 tỉ đồng một căn. Trong 10 tháng đầu năm 2020, các dự án nhà ở mới được chào ra thị trường thậm chí đã vọt lên ngưỡng trên 30 triệu đồng/m2; thậm chí là 40 triệu đồng/m2 dù chỉ là dự án ở ở các quận huyện ngoại thành. Điều này khiến căn hộ bình dân hay còn gọi là nhà ở giá rẻ tại TP.HCM dường như đã biến mất trên thị trường và giá thì ngày càng đội lên cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, giá nhà ở hiện chưa ổn định, không phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người mua. Hiện tại, nhà nước vẫn chưa giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Trong khi nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa phù hợp nhu cầu thị trường thì nhà ở giá rẻ gần như “biến mất”.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết trong 10 tháng năm 2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Điều này đã làm sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Đặc biệt, thị trường còn có tình trạng lệch pha cung - cầu về sản phẩm, thể hiện ở việc thiếu nhà ở thương mại vừa túi tiền và thừa nhà ở cao cấp hay các sản phẩm lưu trú du lịch. Ông Châu cho rằng sự lệch pha cung cầu này đang khiến áp lực nhà ở tại TP.HCM ngày càng khốc liệt đối với người dân đô thị, nhất là nhóm người trẻ, có thu nhập khiêm tốn hoặc đối tượng xếp ở nhóm dưới của tầng lớp trung lưu.
Ngoài ra, tình trạng thường thấy hiện nay là giá bán trên thị trường sơ cấp thì vẫn “neo” cao, trong khi giá trên thị trường thứ cấp giảm (phần lớn do chấp nhận bán cắt lỗ).
Đáng chú ý, số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2020, cơ quan này đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án. Trong đó, chỉ có 163 căn hộ thuộc phân khúc bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2), chiếm tỷ lệ 2,5%, giảm đến 98,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Thông tin từ Phòng quản lý Phát triển nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM) còn cho biết nhu cầu sở hữu căn hộ để ổn định cuộc sống của người dân thành phố ngày càng lớn và bức thiết. Hồ sơ xin đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội ngày càng nhiều, trong khi nguồn cung giảm dần.
Tuy nhiên, ở một số nơi giá nhà ở xã hội lại không chênh lệch quá xa so với nhà thương mại. Điều này làm cho đối tượng có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội.
Trước tình trạng này, ông Châu cho rằng Chính phủ cần sớm triển khai đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng. Việc này để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại 1, đô thị đặc biệt.
Nhà ở xã hội vẫn bế tắc
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ đã có một chương trình riêng về phát triển nhà ở xã hội với các biện pháp như miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn, giảm một số các loại thuế… Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội đến nay vẫn bế tắc.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà cho biết tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 5,2 triệu m2, song mới giải quyết được trên 40% nhu cầu.
Theo ông Hà, vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay là cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng. Thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều điểm bất cập. Bên cạnh đó, thiếu nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho người mua nhà ở theo quy định pháp luật cũng là một nguyên nhân quan trọng khác.
Ngoài ra, các địa phương cũng chưa bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội, chưa quan tâm xây dựng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, để tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội, UBND TP.HCM mới đây đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.
UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn. Sau đó, báo cáo thành phố tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn và đề xuất chuyển đổi sang nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nếu khai thác không hiệu quả.