Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, cả nước nhập khẩu 1,48 triệu tấn thép, trị giá 577 triệu USD. Con số này tăng 16,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng trước đó.
Tính đến hết tháng 10.2015, lượng sắt thép cả nước nhập về là 12,62 triệu tấn, tăng 34% về lượng.
Đáng báo động, trong số đó, nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong tháng 10 là 965.000 tấn, tăng 25,5%. Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 10 tháng qua từ Trung Quốc là 7,71 triệu tấn, tăng tới 62,1% và chiếm tới 61,1% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Số lượng thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam mỗi năm một tăng đến “chóng mặt”. Năm 2010 mới chỉ có 25.000 tấn, 2011 lên 54.000 tấn… và mỗi năm một tăng gấp nhiều lần. Trung Quốc hiện là nguồn xuất khẩu thép lớn nhất sang Việt Nam.
Đáng nói, trong nhiều năm nay, báo chí liên tục đưa tin về việc thép Trung Quốc ngập tràn thị trường nội nhưng tình hình không những không có dấu hiệu đổi khác mà còn trầm trọng hơn.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, đơn giá nhập khẩu sắt thép các loại bình quân trong 10 tháng năm 2015 giảm 25,2% . Với diễn biến này, trị giá nhập khẩu chỉ là 6,28 tỉ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Ngoài ra, trong tháng 10.2015, cả nước nhập khẩu hơn 276 triệu USD sản phẩm từ sắt thép, giảm 4,7% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10.2015, tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước là 3,26 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 10 tháng năm 2015, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc với trị giá đạt 1,13 tỉ USD, tăng 39,8%; từ Hàn Quốc là hơn 910 triệu USD tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước…
Điều đáng nói, đã có một lượng lớn phôi thép Trung Quốc khi nhập khẩu vào Việt Nam lẽ ra phải chịu thuế suất 9% nhưng được "phù phép", cho một hàm lượng Bo, Crom vào thành phôi hợp kim nhằm được hưởng thuế 0%. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết.
Theo thống kê của Hiệp hội Sắt thép quốc tế, năm 2015 Trung Quốc trở thành quốc gia “siêu” xuất khẩu sắt thép. Hàn Quốc vẫn được xem là nước đứng đầu trong nhập khẩu sắt thép xây dựng giá rẻ của Trung Quốc, sau đó là khu vực Mỹ Latinh, và Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3.
Nguyên nhân Trung Quốc trở thành quốc gia cung cấp vật liệu xây dựng cho nhiều quốc gia là do tác động của nhu cầu của thị trường nội địa giảm nên nhà nước này đã tận dụng các chính sách mở cửa của các nước khác và giải quyết tình trạng ế ẩm hàng hóa.
Việc nhập khẩu một lượng lớn sắt thép từ Trung Quốc gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Nhiều doanh nghiệp thép đã phá sản hoặc phải giảm công suất vì không thể cạnh tranh với thép giá rẻ. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, có khoảng 20% các doanh nghiệp sẽ phá sản.
Hoàng Long