“Nếu đồng ý để người dân gửi vàng vào ngân hàng lấy lãi suất, thì sẽ trao thêm cho nó chức năng phương tiện lưu thông (tín dụng). Khi một vật có thêm chức năng, người ta sẽ tăng cường giữ nó, thay vì buông nó ra, tức là làm tăng “vàng hoá” – TS Nguyễn Đức Thành nói.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VNBA) mới đây đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia và phát hành chứng chỉ vàng để huy động vàng trong dân cho đầu tư phát triển kinh tế.
Theo VNBA, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) cho rằngvàng nhàn rỗi trong dân là nguồn lực kinh tế rất lớn, nếu không tận dụng sẽ lãng phí. Thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.
“Đặc biệt, thông qua Sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệthay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước…”- ông Long nói.
Trả lời báo điện tử Một Thế Giới, ông Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biếtkhông tán thành việc huy động vàng trong dân như đề xuất.
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, việc huy động vàng trong dân đã được bàn đến nhiều và cũng đã từng nhiều lần thực hiện với mục đích tạo nguồn vốn cho ngân hàng. Tuy nhiên, về điều kiện quản lý cũng như nhiều thứ không đảm bảo, để xảy ra nhiều sơ hở, tiêu cực và mất mát nhiều, không thanh toán lại cho dân nên gây ra rối loạn thị trường. Theo đó, tín dụng bằng vàng cũng “có vấn đề”.
“Muốn thành lập sàn vàng phải đảm bảo được quyền lợi cho dân, Nhà nước phải đứng ra thanh toán, đảm bảo sẽ được trả lại cho dân trong bất kỳ thời điểm nào. Cùng với đó là có đội ngũ nhân sự có trình độ cao, lượng vốn cao để vận hành” – ông Kiêm nói.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, TS Bùi Kiến Thành nhận địnhkhông cần thiết phải huy động 500 tấn vàng trong dân bởi vì vấn đề huy động vàng là chuyện cũ rích rồi. Nhiều lần huy động vàng trong dân khiến người dân cũng mất đi niềm tin khá nhiều. Hơn nữa, người dân luôn nghĩvàng là thứ có thể tích trữ lâu dài, giảm thiểu rủi ro trước nguy cơ lạm phát của nền kinh tế nên người dân có thói quen trữ vàng.
Theo ông Thành, khi xưa, mỗi lần mà ngân hàng trung ương phát hành giấy bạc cần một số vàng nào đó để bảo đảm, nhưng đã lâu rồi, nhiều nước trên thế giới đã bỏ việc này.
“Cái bảo đảm cho việc phát hành giấy bạc chính là sức khỏe của nền kinh tế chứ không phải là có vàng hay không có vàng. Vậy huy động mấy trăm tấn vàng làm gì” – ông Thành nói.
Nói thêm về điều này, ông Thành cho biếttrách nhiệm phát hành giấy bạc để phục vụ nền kinh tế là của ngân hàng trung ương. Luật pháp cho phép các ngân hàng trung ương tạo ra nguồn tiền để cung ứng cho nền kinh tế đủ lượng tiền để phát triển, chỉ cần không nhiều quá để khỏibị lạm phát, không ít quá để khỏibị thiểu phát.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, tư duy "huy động" vàng trong dân là tư duy sai lầm, dai dẳng và rất khó sửa. Khi vàng được cất giữ trong dân, nó giống như mọi tài sản khác, như nhà cửa, đồ đạc… Nó chỉ có giá trị ưu việt về cất giữ tài sản.
“Nếu đồng ý để người dân gửi vàng vào ngân hàng lấy lãi suất, thì sẽ trao thêm cho nó chức năng phương tiện lưu thông (tín dụng). Khi một vật có thêm chức năng, người ta sẽ tăng cường giữ nó, thay vì buông nó ra, tức là làm tăng “vàng hoá”. Điều này tương tự đúng với đô la”- ông Thành nói.
Theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước đã mất rất nhiều công sức để làm một việc chưa có trong 25 năm nay, là loại vàng và tiếp đó là ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng. Vậy mà nhiều người vẫn cứ nói là phải "huy động" vàng và đô la trong dân.
Trước đó, ông Thành cũng nêu quan điểm trước báo giới rằngvàng cũng chỉ là một loại hàng hóa nên cần phải được trả về cho người dân, cho xã hội và thị trường. Khi vàng được trả về với một thị trường vận hành bình thường, nhà nước không can thiệp thì hàng hóa phải có nhiều chủng loại, nhiều thương hiệu.
Trí Lâm