Nói về vấn đề xã hội hóa (XHH) trường đại học Phạm Văn Đồng, ông Đặng Ngọc Dũng - Phó chủ tịch đương nhiệm UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng “lịch sử thay đổi mà hoạt động không tốt và không hiệu quả mà chúng ta cứ để như thế thì rõ ràng chúng ta không sáng suốt, trái tim chúng ta lạnh lùng quá”.

Nhiều thế hệ lãnh đạo Quảng Ngãi lên tiếng về việc xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng

Lê Đình Dũng | 10/01/2019, 16:45

Nói về vấn đề xã hội hóa (XHH) trường đại học Phạm Văn Đồng, ông Đặng Ngọc Dũng - Phó chủ tịch đương nhiệm UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng “lịch sử thay đổi mà hoạt động không tốt và không hiệu quả mà chúng ta cứ để như thế thì rõ ràng chúng ta không sáng suốt, trái tim chúng ta lạnh lùng quá”.

>>Kế hoạch ‘xã hội hóa’ ĐH Phạm Văn Đồng của tỉnh Quảng Ngãi

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “XHH là chủ trương lớn của nhà nước, nhất là trên lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa giúp chúng ta tăng sức cạnh tranh, giảm kinh phí và chi nhân lực để xây dựng hạ tầng. Trong xu thế kinh tế thị trường nhất thiết chúng ta phải làm,tuy nhiên làm thế nào, ở đâu, như thế nào vẫn chưa có quy định rành rọt và rõ ràng của chính phủ. Vì vậy vẫn còn những trường hợp cần vừa làm vừa nghiên cứu vừa học tập lẫn nhau, cho nên mức độ này nó kéo dài ra”.

Không thay đổi, 'trái tim chúng ta lạnh lùng quá'

Ông cũng cho rằng, một cơ sở của nhà nước đang hoạt động không có hiệu quả, kém hiệu quả thì cần phải tác động thay đổi,phát huy thế mạnh về đất đai, tài chính, nguồn lực để giảm gánh nặng ngân sách, tạo hành lang mạnh mẽ cho các lực lượng xã hội có thể tham gia được để nâng chất lượng dịch vụ…

“Cái đó chúng ta phải tính chứ không phải vì một cơ chế thay đổi, lịch sử thay đổi mà hoạt động không tốt và không hiệu quả mà chúng ta cứ để như thế thì rõ ràng chúng ta không sáng suốt, trái tim chúng ta lạnh lùng quá. Nó phải thay đổi và thay đổi thế nào là cả một quá trình”.

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đương nhiệm.

“Vì vậy cho nên đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và tôi cùng một số ban ngành đã trực tiếp làm việc với trường Phạm Văn Đồng để chia sẻ thông tin việc này, qua cuộc làm việc đó thấy hầu hết cán bộ nhân viên trường chưa thông việc này lắm.Cho nên đồng chí bí thư và tôi thống nhất với nhau là dãn tiến độ này ra. Đồng thời, UBND tỉnh thành lập một tổ công tác do tôi phụ trách có chức năng nghiên cứu các phương án để báo cáo UBND tỉnh đểtrình Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phương án cho trường Phạm Văn Đồng hoạt động tốt hơn", ông Dũng nói.

“Chúng ta phải cổ súy cho sự thay đổi, thay đổi như thế nào mà đảm bảo nguồn lực của nhà nước không bị thất thoát; đảm bảo trình độ, tư duy, ý chí và năng lực của cán bộ, giáo viên nơi đó phải đua với sự phát triển của xã hội. Thay đổi như thế nào để người dân tiếp cận tốt nhất với sự tiến bộ về khoa học giáo dục. Chúng ta không nên ủng hộ cái cũ đang dở dang không phát huy; chúng ta giữ nó lại thì đó không phải là sự tiến bộ

Chúng tôi khẳng định tìm kiếm phương án tối ưu, tiết kiệm tốt nhất về ngân sách, phát huy tối đa lợi ích về đất đai, tài nguyên và đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Cái nào chính phủ chưa có cơ chế, chính sách thì chúng ta trình thưa, cái nào có rồi và phù hợp với địa phương thì chúng ta áp dụng,cái nào thuộc thẩm quyền cá nhân thì cá nhân quyết định, cái nào thuộc thẩm quyền tập thể thì phải thông qua tập thể” - ông Phó chủ tịch khẳng định.

Được biết, ngoài việc các công ty tư nhân lập đề án xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng, chính trường này cũng đã lập một đề án đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động giai đoạn 2019 - 2025 đang chờ phê duyệt.

Cần có sự minh bạch, rõ ràng

Là một người góp phần trong việc xây dựng nên trường ĐH Phạm Văn Đồng, ông Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND Quảng Ngãi giai đoạn 2001 - 2006 chia sẻ ông chưa nắm được tinh thần xã hội hóa của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đương nhiệm. Nhưng qua nắm tâm tư tình cảm của các thế hệ cán bộ, nhân viên trường đại học Phạm Văn Đồng thì thấy họ rất lo lắng, băn khoăn.

“Xã hội hóa là chủ trương đúng, nhưng không phải làm tràn lan và công trình nào cũng xã hội hóa được. Có những cái động vào tâm linh, tình cảm thì chúng ta phải cân nhắc.Theo tôi biết thì xã hội hóa là kêu gọi đầu tư mới, ví dụ như đất đai có sẵn đó anh kêu gọi xây dựng trường học hay trung tâm y tế, thì cái đó anh tổ chức đấu giá cho tư nhân họ làm là rất tốt.

Tỉnh ủy và UBND tỉnh nên họp từ Ban giám hiệu, nhân viên và cán bộ trường để quán triệt chủ trương, nêu rõ lý do tại sao phải xã hội hóa, mục tiêu cụ thể như thế nào…Thậm chí, như tôi và các lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cũng cần được quán triệt để nắm được chủ trương đó như thế nào để có sự đồng tình, ủng hộ. Chứ nghe nghe xã hội hóa thôi chứ chưa hiểu rõ chủ trương như thế nào thì trong lòng đầy thắc mắc”, ông Hiệu nói. Ông đề xuất,đưa ra ví dụ nếu lãnh đạo tỉnh vàbản thân đơn vị thực hiện xã hội hóa đó trả lời được tâm tư nguyện vọng của trường thì tốt hơn là chuyện đưa chủ trương ra cứ làm, còn cấp dưới tâm tư cứ tâm tư!

Cũng theo ông Hiệu, việc xây trường Phạm Văn Đồng gắn với cố thủ tướng, cũng như quá trình xây dựng trường, lựa chọn địa điểm đã gắn với tâm tưởng người dân, nên mọi việc cần phải có sự giải thích và đồng lòng.

Ông Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND Quảng Ngãi giai đoạn 2001 - 2006

“Tránh trường hợp xã hội hóa rồi sau này dư luận và xã hội có ý kiến khác, việc đó có thể tác động đến thế hệ đương chức bây giờ và cả thế hệ lãnh đạo sau. Mà lớp lãnh đạo sau nghĩ khác đi lại muốn mua lại trường Phạm Văn Đồng như cảng Quy Nhơn ở Bình Định hay sân vận động Chi Lăng ở Đà Nẵng thì sao. Đấy là một vấn đề chưa thật minh bạch, rõ ràng, chu toàn”, ông Nguyễn Kim Hiệu nói thêm. Ôngđề nghị nên có sự gặp gỡ, giải thích, quán triệt chủ trương này.

Ông Trần Cao Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ đầu tách tỉnh (7.1989 - 6.1992) kể: “Khi tôi còn làm việc cuối nhiệm kỳ thì bác Phạm Văn Đồng có gọi tôi đến gặp nói nhiều chuyện, trong đó có chuyện bác nói khi nào mà mình nghỉ hẳn sẽ cùng với bác sẽ làm cái trường đại học cho con em ở đây học tập. Bác Đồng trước đây có sáng kiến lập trường Lê Khiết, Trung học Bình dân đào tạo ra nhiều cán bộ nhân tài, rất tuyệt vời”.

“Tuy nhiên hồi đó tôi còn bận nhiều việc nên có xin bác Đồng cho thư thả sau này bàn tiếp. Sau này tôi có gặp lại bác Đồng thì bác cũng nói tới chuyện đó. Sau khi tôi nghỉ chủ tịch tỉnh thì làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật của tỉnh nên chưa làm được bao nhiêu. Nhưng hồi đó tôi cũng có cái lo là phải có cái trường như bác Đồng nói, trường cho ra trường thầy cho ra thầy, làm sao đào tạo ra lớp cán bộ đúng có thực chất. Sau này anh em sau kế thừa tiếp tục nên có một cái trường như bây giờ, tôi rất mừng”.

Ông Minh cho rằng: “Tất nhiên là còn việc này việc kia nhưng chắc chắn là có nhiều thành tích. Bây giờ với một cơ ngơi như vậy mà xã hội hóa thì bằng cách nào, làm sao phát huy được hiệu quả của nó và nâng cao nó lên?Trong thời buổi này, nhiều cơ sở của nhà nước, tài sản công phải sử dụng như thế nào phải tính toán chứ không phải đơn giản”.

“Làm gì thì làm nhưng phải đặt lợi ích của nhân dân và nhà nước là tối thượng, nếu không khéo thì lợi ích nó chạy vào chỗ này chỗ kia. Cho nên việc xã hội hóa là tôi chưa đồng tình, thấy chưa ổn vì không khéo thì những chỗ đấy dễ bị người ta lợi dụng”, ông nói.

Nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng cần có sự thận trọng và rõ ràng trong việc xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng.

Trả lời Một Thế Giới về dự định xã hội hóa trường đại học Phạm Văn Đồng, ông Phạm Đình Khối, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phản đối và cho rằng: “Chỉ có liên kết với các trường ĐH có danh tiếng để nâng cấp chất lượng trường Phạm Văn Đồng. Trường đó là cả tâm tư của đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đối với bác Đồng. Công ty nào đó họ làm thành phố giáo dục thì họ làm, nhưng riêng trường Phạm Văn Đồng thì tỉnh không nên làm chuyện đó, tôi nói đây là tâm tư của người dân và cán bộ hưu trí”.

“Xã hội hóa về giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân tôi rất ủng hộ và rất cần, nhưng XHH phải có điểm của nó và trọng tâm. Nhưng một cái trường như thế mà bảo là XHH thì tôi không hiểu cách làm của tỉnh”, ông nói.

Theo ông Khối: “Tôi làm Bí thư tỉnh trong giai đoạn trường được xây dựng, và tôi là người đi tìm hiệu trưởng về cho trường. Tôi và đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh lúc đó ra ngoài Đà Nẵng động viên 2 vợ chồng tiến sỹ Phước về làm hiệu trưởng trường. Giờ tôi nghe chuyển sang XHH giao cho công ty tư nhân thì bản thân tôi thấy hơi xúc phạm”.

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều thế hệ lãnh đạo Quảng Ngãi lên tiếng về việc xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng