Liên quan đến kỳ thi THPT 2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều 22.4, Thủ tướng thống nhất với báo cáo của Bộ GD-ĐT trước đó về việc sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào cuối tháng 8. Theo đó, các trường ĐH bắt buộc phải đưa ra phương án tuyển sinh mới cho năm nay.

Nhiều trường đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh theo tình hình thực tế

23/04/2020, 13:31

Liên quan đến kỳ thi THPT 2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều 22.4, Thủ tướng thống nhất với báo cáo của Bộ GD-ĐT trước đó về việc sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào cuối tháng 8. Theo đó, các trường ĐH bắt buộc phải đưa ra phương án tuyển sinh mới cho năm nay.

Hàng loạt trường đã lên kế hoạch và xem xét các phương án tuyển sinh phù hợp - Ảnh: Tú Viên

Do dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên năm nay là năm đặc biệt trong công tác tuyển sinh. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án thi để xét tốt nghiệp THPT thay vì thi THPT quốc gia, hàng loạt trường ĐH đã họp gấp và đưa ra nhiều cách thức tuyển sinh sắp tới.

Chiều tối 22.4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã chính thức thông báo chỉ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển vào đại học chính quy. Cùng với hình thức xét tuyển trên, trường sẽ xét tuyển thẳng thí sinh có IELTS 5.5 trở lên. Ngày 23.4, trường sẽ tổ chức thông báo trực tuyến về kế hoạch xét tuyển này.

Trước đó, ngày 14.4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân thông báo nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do dịch COVID-19 thì nhà trường dự kiến tổ chức thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã điều chỉnh các phương án tuyển sinh cho năm học 2020-2021. Theo đó, trường sẽ vẫn giữ các phương thức tuyển sinh đã thông báo bao gồm:

- Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 15% đến 25% tổng chỉ tiêu.

- Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT khoảng 3% tổng chỉ tiêu.

- Xét tuyển theo kết quả kỳ đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức từ 10% đến 50% tổng chỉ tiêu.

- Phương thức cuối cùng là xét tuyển thí sinh là người nước ngoài hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông nước ngoài khoảng 1% tổng chỉ tiêu.

-Tuy nhiên, trong trường hợp kỳ thi THPT năm nay chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp thì phương thức xét tuyển từ kết quả thi THPT sẽ được điều chỉnh thành "sử dụng kết quả thi THPT kết hợp với điểm học bạ".

Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức công bố phương án tuyển sinh 2020 riêng để các thí sinh chủ động trong việc học và ôn tập.

Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh theo 3 hình thức, gồm: Xét tuyển thẳng các đối tượng đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển hồ sơ thí sinh.

Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh gồm 2 bài thi bắt buộc: Toán (90 phút) - Bài viết luận (60 phút) và Bài tự chọn: Ngoại ngữ (60 phút), Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (60 phút).

Thời gian dự kiến tổ chức thi vào khoảng cuối tháng 7.2020, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoại trừ bài luận thi viết, các bài thi khác thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng vừa chốt phương án tuyển sinh cho năm học tới. Cụ thể, ngoài các phương án đã được công bố, trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng vào ngày 25.7. Đối với các khối ngành kỹ thuật, kinh tế, thí sinh sẽ tham gia các bài thi Toán, Đọc hiểu và Bài tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm 3 môn: Lý, Hóa, Sinh. Đối với ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh sẽ phải trải qua các bài thi Toán, Đọc hiểu và Tiếng Anh. Thí sinh trúng tuyển kỳ thi này chỉ cần đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện theo học.

Mới đây nhất, đại diện của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã thông báo về các phương thức xét tuyển của nhà trường bao gồm Xét tuyển thẳng và Xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Như vậy trường sẽ không tổ chức phương án thi riêng mà vẫn giữ sự ổn định trong tuyển sinh như các năm trước.

Sau khi có những thông tin liên quan tới kỳ thi THPT 2020, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã họp để quyết định thay đổi đề án tuyển hệ đại học chính quy năm 2020.

Theo đó, ngoài các phương thức xét tuyển thẳng, trường còn thực hiện xét tuyển học bạ từ ngày 24.4 đến 15.6; ngày 25.6 trường công bố kết quả học sinh đủ điều kiện vào học tại trường (sẽ chính thức khi học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT). Mỗi thí sinh đăng ký tối đa 10 nguyện vọng (nguyện vọng 1 là ưu tiên nhất; hệ chất lượng cao dễ trúng tuyển hơn hệ đại trà). Kết quả xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp (có 3 môn) vào học hệ chất lượng cao hoặc đại trà.

Đối với phương thức xét tuyển qua điểm thi THPT, trường dành tối đa 30% cho hình thức này với thí sinh có tổng điểm 3 môn dự thi đạt 20 điểm trở lên.

Các trường ĐH khối y dược là những trường có đầu vào xét tuyển ngặt nghèo nhất. Chiều thứ sáu 24.4, Hội đồng hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe sẽ họp trực tuyến để bàn về phương án tuyển sinh, trong đó có phương án tổ chức một kỳ thi chung, mặc dù cách thức này được đánh giá là khá phức tạp, tốn kém.

Được biết, yêu cầu tuyển sinh các trường khối ngành sức khỏe có đặc thù so với các ngành khác. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là tự chủ trong tuyển sinh, do vậy, các trường sẽ triển khai trong khi thời gian không nhiều nhưng phải đảm bảo đầu vào có thể chấp nhận được.

Tú Viên (Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều trường đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh theo tình hình thực tế